“Sự gặp gỡ Á-Âu” trên sân khấu múa đương đại 2015

Sáu tác phẩm múa đương đại của các đoàn nghệ thuật đến từ 5 quốc gia (Đức, Bỉ, Israel, Nhật Bản, Ba Lan) và nước chủ nhà Việt Nam sẽ được giới thiệu tới công chúng tại liên hoan múa “Sự gặp gỡ Á-Âu.”
“Sự gặp gỡ Á-Âu” trên sân khấu múa đương đại 2015 ảnh 1Liên hoan múa đương đại 'Sự gặp gỡ Á-Âu' diễn ra từ ngày 1-4/10. (Ảnh: BTC)

Sáu tác phẩm múa đương đại của các đoàn nghệ thuật đến từ 5 quốc gia (Đức, Bỉ, Israel, Nhật Bản, Ba Lan) và nước chủ nhà Việt Nam sẽ được giới thiệu tới công chúng tại liên hoan múa “Sự gặp gỡ Á-Âu.”

Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 1-4/10. Đây là năm đầu tiên, liên hoan được tổ chức ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện ban tổ chức cho hay, những tác phẩm này được dàn dựng theo nhiều phong cách khác nhau, tập trung khai thác thế giới nội tâm sâu thẳm của con người.

Điểm nhấn của chương trình là vở múa “Bên bờ” do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles hợp tác dàn dựng, biểu diễn.

Nếu như nghệ thuật cốt để nuôi dưỡng sự độc đáo thì chắc chắn đó cũng là phương cách tốt nhất để đối thoại với người khác và đối diện với chính mình.

“Sự cô đơn bị ngắt quãng. Thay vào đó là sự thâm nhập của một màu sắc khác, một bản tính khác… Những con người dấn bước mà không hề hay biết. Trong hành trình ấy, họ mở rộng thân thể và tâm hồn, rồi lại thu mình lại, sợ hãi. Họ cùng sẻ chia khoảng cách, ảo ảnh bên nhau, khám phá thế mạnh và sự khác biệt, bị giằng xé giữa việc cố gắng cưỡng lại sự thâm nhập của bản thể kia với việc tan hòa vào nhau… Đó chính là những gì mà ‘Bên bờ’ muốn chuyển tải đến người xem,” đại diện êkíp sáng tạo chia sẻ.

“Sự gặp gỡ Á-Âu” trên sân khấu múa đương đại 2015 ảnh 2'Bên bờ' là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ). (Ảnh: BTC)

Hai nghệ sỹ múa Israel (Artour Astman và Ilana Bellahsen) mang tới liên hoan vở múa “ArtLana.” Ở đó, họ cùng nhau trải qua chuyến du hành đến một thế giới tưởng tượng đầy màu sắc, khám phá những địa danh kỳ thú và bước qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Vở diễn gồm 10 phân đoạn. Mỗi phân đoạn là một câu chuyện được kể trong những bối cảnh hoàn toàn khác biệt. Âm nhạc cũng được kết hợp đa dạng từ các tác phẩm của Bach cho tới những sáng tạo của Bjorn, từ âm điệu của sáo gỗ Trung Đông cho tới tiếng còi tàu trong sương mù…

Trong“Hai miền đất nước,” biên đạo múa người Đức Sasha Waltz đã dệt nên những hình ảnh thơ mộng từ những câu chuyện thần thoại của Đức. Những mối tương quan xã hội được biểu đạt dựa trên mối quan hệ giữa con người với nhau; cuốn người xem vào dòng trải nghiệm của sự sum họp và chia cắt, tuyệt vọng và hy vọng, lạ lẫm và hòa hợp.

“Vở múa lấy cảm hứng từ lịch sử nước Đức. Sự thống nhất hai miền từng bị chia cắt vẫn chưa hẳn nối liền được những giấc mơ và tư tưởng khác biệt… Thế nhưng, dù ở thời đại nào cũng sẽ có nhiều cá nhân tìm thấy điểm tương đồng từ những bức tranh ấy: sặc sỡ, nên thơ, đôi khi thật buồn bã và cũng có lúc thật đời thường,” biên đạo Sasha Waltz chia sẻ.

“Kelex trở về rừng” - tác phẩm múa dài 30 phút của Kentaro, một vũ công hiphop của Nhật Bản sẽ được giới thiệu tới công chúng Việt Nam tại liên hoan lần này.

“Kelex trở về rừng,” một số câu chuyện đời thường cố trỗi dậy nhưng rồi lại nhanh chóng nhạt nhòa đi mà không rõ lý do. Những gì còn lại chỉ là kỷ niệm.

“Rối loạn nhân cách tuýp B” là tác phẩm đầu tiên mà nghệ sỹ Ba Lan Daniel Stryjecki đảm nhận vai trò biên đạo. Vở múa là sự mô tả ẩn dụ chứng ái kỷ - tình trạng một người có xu hướng tự yêu bản thân mình thái quá, luôn muốn được ngưỡng mộ, thiếu sự đồng cảm và không chấp nhận quan điểm của người khác.

Vở múa “Có có không không” (biên đạo Trần Ly Ly) sẽ là tác phẩm khép lại liên hoan. Tác phẩm mô tả thế giới hiện đại với những con người “quay cuồng” cùng các thiết bị kỹ thuật số, sống gấp và không quan tâm đến chính cả bản thân mình.

“Sự gặp gỡ Á-Âu” trên sân khấu múa đương đại 2015 ảnh 3'ArtLana' gồm 10 phân đoạn. Mỗi phân đoạn là một câu chuyện được kể trong những bối cảnh hoàn toàn khác biệt. (Ảnh: BTC)

Liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á-Âu” là sự kiện được tổ chức thường niên (từ năm 2011) bởi Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Hà Nội (EUNIC) và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm nay, Viện Goethe Hà Nội giữ vai trò là đơn vị điều phối liên hoan.

Vé xem các vở múa trong khuôn khổ liên hoan được phát miễn phí tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hà Nội) và Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh (155 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)./.

Lịch biểu diễn tại Hà Nội:

Ngày 1/10 (20 giờ): “ArtLana”“Bên bờ” tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

Ngày 2/10 (20 giờ): “Hai miền đất nước” (Nhà hát Lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

Ngày 3/10:
15 giờ: “ArtLana”“Kelex" trở về rừng” tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).
20 giờ: “Hai miền đất nước” (Nhà hát Lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

Ngày 4/10 (20 giờ): “Rối loạn nhân cách tuýp B,” “Kelex trở về rừng”“Có có không không” tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

Lịch biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh:

Ngày 3/10 (20 giờ): “Bên bờ” tại Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh (155 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục