Sự hèn nhát và dũng khí được đưa vào đề thi Văn

Sự hèn nhát và dũng khí được đưa vào đề thi môn Ngữ Văn

Kết thúc môn thi Ngữ văn sáng nay, 2/7, các thí sinh đều nhận định đề thi có phần cơ bản nhưng vẫn có những câu hỏi rất thú vị.
Sự hèn nhát và dũng khí được đưa vào đề thi môn Ngữ Văn ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+)

Kết thúc môn thi Ngữ văn sáng nay, 2/7, các thí sinh đều nhận định đề thi có phần cơ bản nhưng vẫn có những câu hỏi rất thú vị.

Tại cụm thi trường Đại học Bách Khoa, sau 2/3 thời gian làm bài thi, rất nhiều thí sinh đã ra sớm.

Em Ngô Tiến Mạnh, học sinh trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết, đề văn năm nay vừa sức, các câu hỏi đều nằm trong chương trình học trong nhà trường. Đề chia làm 2 phần gồm phần đọc hiểu và phần làm văn.

Đặc biệt, đối với phần làm văn, theo Mạnh, câu nghị luận “Sự hèn nhát khiến con người đánh mất mình, còn dũng khí giúp họ được là chính mình” rất hay bởi đòi hỏi kiến thức tổng hợp, vốn sống xã hội và cảm nhận về bản thân.

[Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2016]

“Câu này em làm khá tốt, với đề mở như này, học sinh đã làm quen với dạng đề vốn được các thầy cô cho làm thường xuyên. Ngoài ra, đề thi này cũng chính là cách để mỗi thí sinh đưa ra chính kiến của mình hoặc kể về những câu chuyện thường ngày mà đã từng chứng kiến để từ đó có những cảm nhận về cuộc sống, con người và xã hội,” cậu thí sinh này nhìn nhận.

Bên cạnh đó, với câu “Trong truyện Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”, theo đánh giá của Mạnh, đây cũng là câu hỏi hay.

Dù thi khối V và không chú trọng môn văn này nhiều, nhưng Mạnh bảo, do được học kỹ và tập trung vào bài này khi còn học trong lớp 12. Vì thế, các bạn thí sinh sẽ làm rất tốt và có những phân tích riêng, đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ.

“Điều làm chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất ở những thân phận đói nghèo, thảm hại này,” Mạnh chia sẻ.

Cũng theo Mạnh, riêng phần thi hiểu gồm rất nhiều các câu hỏi phụ nhưng việc kiếm điểm ở phần này cũng rất dễ dàng. Đề bài yêu cầu thí sinh sau khi đọc xong bài thơ sẽ phải tìm sự mượt mà trong sáng của Tiếng Việt, tìm biện pháp tu từ… hay cảm nghĩ về Tiếng Việt thông qua đoạn trích thì sẽ dễ tích điểm.

Giống như Mạnh, thí sinh Nguyễn Thị Hạnh, học sinh Trung học phổ thông chuyên khoa học tự nhiên, cũng dự thi môn Văn chỉ để xét tốt nghiệp. Hạnh cho biết đề vừa sức. Đối với học sinh thi môn Văn để lấy kết quả xét tốt nghiệp thì có thể làm hai tiếng là xong. Tuy nhiên, đề này cũng giúp các thí sinh học sâu về môn Ngữ văn có đất để làm bài tốt.

Đề thi hay và thú vị cũng là nhận định của em tạ Minh Nghĩa, trung học phổ thông Trần Nhân Tông. Nghĩa cho biết, phần đề thi tự luận về dũng khí và sự hèn nhát hết sức thú vị. Tuy nhiên, theo Nghĩa, để viết được hết cả hai ý trong 600 chữ cũng là khó khăn. Các nội dung còn lại cơ bản, nằm trong chương trình nên chỉ cần nắm vững kiến thức là có thể đạt điểm khá.

Chiều nay, thí sinh bước vào môn thi tiếp theo, môn Vật lý, theo hình thức thi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục