Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel

Vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ là một sự kiện đáng buồn diễn ra trong tuần vừa qua, bên cạnh những sự kiện đáng chú ý khác như công bố giải Nobel, trưng cầu dân ý tại Catalonia.
Vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ
Ít nhất 58 người đã thiệt mạng, 515 người bị thương trong vụ xả súng đẫm máu, xảy ra ngày 2/10 ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay, Las Vegas, nơi diễn ra lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest.

Cảnh sát Mỹ đã xác định nghi phạm chính trong vụ xả súng là một người đàn ông tên Stephen Paddock.

Ngoài danh tính, cảnh sát chưa cung cấp thêm thông tin nào khác về tên này. Lực lượng chức năng cũng đang truy lùng một người phụ nữ mang tên Marilou Danley, là bạn cùng phòng của nghi phạm Paddock.

Tuyên bố ngày 2/10 của Cục cảnh sát Las Vegas cho biết nghi phạm Stephen Paddock đã tự sát trước khi cảnh sát xông vào phòng khách sạn của đối tượng.

Lực lượng chức năng đã tìm thấy hơn 10 khẩu súng trường trong căn phòng ở tầng thứ 32 nơi Paddock, 64 tuổi, tiến hành xả súng vào đám đông tham dự hòa nhạc bên dưới.

Năm ngày sau khi xảy ra vụ xả súng tại Las Vegas được cho là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được động cơ gây án của hung thủ.

Phát biểu với báo giới ngày 6/10, Phó cảnh sát trưởng Las Vegas Kevin McMahill nhấn mạnh lực lượng cảnh sát vẫn chưa tìm ra động cơ hoặc lý do tại sao Stephen Paddock đã tiến hành vụ xả súng.

Hiện cảnh sát vẫn chưa có thông tin đáng tin cậy nào về động cơ gây án của hung thủ. Ông McMahill cam kết lực lượng thực thi pháp luật sẽ nỗ lực hết sức để tìm ra lý do vì sao Paddock tiến hành vụ thảm sát.

Vụ xả súng cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với việc kiểm soát súng đạn, vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua tại Mỹ.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, vấn đề kiểm soát súng đạn đã trở thành chủ đề "nóng" trên mạng xã hội Twitter.

Hàng loạt nghị sỹ đảng Dân chủ, trong đó có thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã lên tiếng hối thúc chính quyền có hành động đối với nạn bạo lực súng đạn.

Mặc dù vậy, Nhà Trắng cho biết hiện tại "vẫn chưa phải lúc" để khơi lại cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn tại Mỹ mà cần tập trung đoàn kết đất nước.

Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) sẽ "biến mất" trong nhiều ngày trước khi đổ lỗi vụ thảm sát cho bất kỳ điều gì trừ luật về súng đạn, đồng thời thu về những khoản tiền vận động chính trị thực sự lớn, tác giả Adam Lusher đã viết như vậy trong phần mở đầu bài viết đăng tải trên Independent.

Và đúng là hôm thứ Hai (2/10), sau khi Stephen Paddock sát hại 59 người bằng một khẩu súng bán tự động đã được chỉnh sửa để hoạt động tự động hoàn toàn, trang Twitter của NRA bỗng rơi vào sự im lặng lạ thường. Trang Facebook của NRA cũng vậy.

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 1Người dân chạy khỏi nơi xảy ra vụ xả súng. (Nguồn: Getty Images)
Trưng cầu dân ý về độc lập của Catalonia
Ngày 1/10, bất chấp hiến pháp, chính quyền vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra độc lập khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và làm sụt giảm mạnh giá trị của chỉ số chứng khoán quan trọng IBEX 35.

Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh châu Âu (EU). Hiện chính phủ Tây Ban Nha đang phải thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn âm mưu của một số bộ phận muốn Catalonia tách khỏi nước này.

Trong bối cảnh đó, Thủ hiến vùng tự trị Catalonia Carles Puigdemont đã kêu gọi quốc tế làm trung gian hòa giải và cho biết ông sẽ đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia vào ngày 9/10 tới.

Tuy nhiên, ngày 4/10, chính phủ Tây Ban Nha đã từ chối lời kêu gọi của Thủ hiến Puigdemont về một bên thứ ba tham gia hòa giải liên quan đến yêu cầu độc lập trái phép của vùng này. Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định sẽ không có đối thoại cho đến khi nào Thủ hiến Puigdemont từ bỏ ý định đòi độc lập, vốn bị phía Madrid coi là bất hợp pháp.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các bên đàm phán để tháo gỡ tình hình leo thang căng thẳng, đồng thời khẳng định chính quyền trung ương Madrid có quyền sử dụng các lực lượng "phù hợp" để duy trì luật pháp và trật tự xã hội.

Việc vùng Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha được xem là mầm mống cho các cuộc ly khai tiếp tục sinh sôi, ảnh hưởng đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU.
 
Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 2Cảnh sát Tây Ban nha tịch thu các hòm phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Barcelona ngày 1/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Công bố các Giải thưởng Nobel 2017
- Ngày 2​/10: Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Y học năm 2017 thuộc về bộ ba nhà khoa học người Mỹ gồm Jeffrey C.Hall, Michael Rosbash và Michael W.Young với công trình nghiên cứu cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học, hay còn gọi là đồng hồ sinh học của cơ thể. Ủy ban Nobel Y học của Thụy Điển đánh giá: "Những phát hiện trong công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học trên đã giúp giải thích cách thức các loài động, thực vật và con người có thể thích nghi nhịp sinh học của mình, từ đó phù hợp với sự tiến hóa của Trái Đất."

- Ngày 3/10: Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm 2017 đã thuộc về 3 nhà khoa học Mỹ gồm Rainer Weiss, Bary C.Barish và Kip S.Thorne với công trình nghiên cứu Đài quan trắc sóng hấp dẫn kế laser (LIGO). LIGO là Trạm quan trắc sóng hấn dẫn bằng tia laser giao thoa. Hệ thống này trị giá 620 triệu USD đã giúp các nhà thiên văn học quan sát hiện tượng hai hố đen va chạm vào nhau. Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Goran K Hansson đã nhận xét: "Những phát hiện của họ đã gây chấn động toàn thế giới."

- Ngày 4​/10: Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2017 dự đã thuộc về 3 nhà khoa học Jacques Dubochet người Thụy Sĩ, Joachim Frank người Mỹ và Richard Henderson người Anh nhờ phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (cryo-electron microscopy) để xác định cấu trúc phân tử có độ phân giải cao trong dung dịch.

- Ngày 5​/10: Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học 2017 thuộc về nhà văn Kazuo Ishiguro​ mang quốc tịch Anh. Ông Kazuo Ishiguro sinh năm 1954 tại Nagasaki, Nhật Bản. Những tiểu thuyết của ông mang lại cảm xúc tuyệt vời, "khám phá những sâu thẳm huyền bí kết nối với thế giới." Một số tác phẩm nổi tiếng của ông gồm Never let me go (Mãi đừng xa tôi), The Remains of the Day (tạm dịch Điều còn lại trong ngày).

- Ngày 6​/10: Ủy ban Nobel của Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình năm 2017 thuộc về Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN). Ủy ban Nobel đánh giá cao công việc của ICAN nhằm nâng cao nhận thức về những hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân đối với loài người, cũng như nỗ lực mang tính đột phá nhằm đạt được thỏa thuận cấm vũ khí hạt nhân. Nobel Hòa bình được xem là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel. Giải thưởng này do Ủy ban Nobel Na Uy chọn.

Phần thưởng cho các giải Nobel năm nay là 9 triệu krona Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD). Lễ trao các giải Nobel 2017 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ngày 10-12 để tưởng nhớ ngày mất của Alfred Nobel.

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 3(Nguồn: AFP/Getty Images)
Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Cuba
Ngày 3/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba sau những cáo buộc không có căn cứ về cái gọi là “các cuộc tấn công sóng âm” nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana.

Phía Mỹ nói rằng hơn 20 nhân viên ngoại giao nước này bị "mất thính giác" do bị "tấn công sóng âm."

Tuy nhiên, các nhà khoa học được tham vấn tại nhiều nơi trên thế giới đều bác bỏ khả năng một cuộc tấn công như vậy có thể diễn ra, thậm chí các chuyên gia về tâm thần và thính giác của Mỹ cũng chỉ rõ tính "phi lý" của thông tin trên.

Thậm chí cho đến nay, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng chưa tìm thấy bất kỳ thiết bị khả nghi nào tại nhà riêng hay khách sạn mà các nhà ngoại giao Mỹ đã lưu trú.

Tuy nhiên, bất chấp những khẳng định của Cuba rằng nước này chưa và sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ của mình bị lợi dụng để thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao nước ngoài và gia đình họ, thì chính quyền Mỹ vẫn đơn phương thực hiện "đòn ngoại giao" đối với Cuba với việc trục xuất 15 nhà ngoại giao của quốc đảo này.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ sử dụng “sự cố thính giác” chưa được xác thực như cái cớ để đưa ra các biện pháp làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ song phương với Cuba cho thấy chính quyền của tổng thống Donald Trump chưa thực sự có thiện chí để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Sự việc đang đẩy mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa hai nước rơi vào giai đoạn bấp bênh mới, thậm chí có thể khiến quan hệ song phương căng thẳng trở lại như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 4Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Cuba ở Washington D.C., Mỹ ngày 3/10. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tưởng niệm 50 năm ngày anh hùng ''Che'' Guevara hy sinh
Ngày 2/10, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố sẽ long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày “Người du kích anh hùng” Ernesto “Che” Guevara de la Serna ngã xuống trên lãnh thổ quốc gia Nam Mỹ này - ngày 9/10/1967 lịch sử.

Dự kiến sự kiến này sẽ kéo dài trong năm ngày.

Lễ kỷ niệm chính sẽ diễn ra vào ngày 9/10 tới tại địa danh Vallegrande - vùng Tây Nam Bolivia, với sự tham dự của một Phó Chủ tịch Cuba và một Phó Tổng thống Venezuela, một số thân nhân của anh hùng “Che” Guevara và đại diện các phong trào xã hội từ nhiều nước Mỹ Latinh.

Từ ngày 5/10, cũng tại nơi các nhà khoa học Cuba đã tìm thấy di hài của ông năm 1997, sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày và thảo luận về các tư tưởng và chính sách về kinh tế, xã hội, y tế và một số lĩnh vực khác của người chiến sỹ cộng sản vĩ đại mang hai quốc tịch Cuba và Argentina này.

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 5Một bức tranh tường về Người anh hùng Ernesto Che Guevara. (Nguồn: timeslive.co.za)
Australia công bố báo cáo cuối cùng về MH370
Ngày 3/10, những người đứng đầu cơ quan tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã công bố báo cáo cuối cùng về công tác tìm kiếm, trong đó bày tỏ rất tiếc vì đã không tìm thấy chiếc máy bay mất tích, đồng thời nhấn mạnh đây là điều "không thể chấp nhận được."

Chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia chở theo 239 người đã biến mất vào tháng 3/2014 trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, dẫn tới việc một cuộc tìm kiếm trên biển với quy mô khổng lồ ở miền nam Ấn Độ Dương được tiến hành và đã kết thúc vào tháng 1.

Người ta không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay trên diện tích 120.000 km2 dựa trên phân tích vệ tinh về hướng đi được dự đoán của chiếc máy bay sau khi chệch khỏi đường bay.

“Lý do khiến MH370 biến mất không thể được làm rõ chừng nào chiếc máy bay chưa được phát hiện,” Cơ quan an toàn giao thông Australia (ATSB), đơn vị dẫn dắt nhiệm vụ tìm kiếm này, cho biết trong báo cáo cuối cùng của mình.

“Điều này hầu như là không tưởng và chắc chắn là không thể chấp nhận được về mặt xã hội trong kỷ nguyên hàng không hiện đại... khi một chiếc máy bay thương mại lớn bị mất tích và thế giới không biết chắc điều gì đã xảy đến với nó và những người có mặt trên chuyến bay.”

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 6Tìm kiếm máy bay MH370. (Nguồn: phys.org)
Palestine tiếp nhận quyền kiểm soát Gaza từ Hamas
​Ngày 3/10, người phát ngôn chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine Yousef al-Mahmoud cho biết chính phủ này đã tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay phong trào Hồi giáo Hamas.

Phát biểu trong một buổi họp báo sau phiên họp nội các tại Gaza, ông al-Mahmoud cho biết Chính phủ Palestine đã bắt tay vào việc thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực này.

Ngày 3/10, nội các Palestine đã nhóm họp tại Gaza lần đầu tiên kể từ năm 2014 trong một bước tiến tới Chính quyền Palestine được quốc tế công nhận nắm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Rami Hamdallah đã nhắc lại cam kết của ông nhằm chấm dứt sự chia rẽ đã kéo dài một thập kỷ giữa phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Gaza với chính quyền tại Bờ Tây.

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 7hủ tướng chính quyền Palestine ở Bờ Tây Rami Hamdallah (giữa) chủ trì cuộc họp nội các tại Gaza. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Google ra mắt tai nghe có khả năng phiên dịch 40 loại ngôn ngữ
Tai nghe Pixel Buds dự báo sẽ là món "đồ chơi" mới được giới sành công nghệ "săn lùng" do có khả năng phiên dịch 40 loại ngôn ngữ rất hữu hiệu trong thời đại công nghệ và chủ nghĩa dịch chuyển lên ngôi này.

Là sản phẩm tai nghe nụ không dây đầu tiên của Google, Pixel Buds được giới thiệu như một trợ lý cá nhân với nhiều tính năng "siêu việt" chỉ có thể tồn tại trong phim viễn tưởng.

Chỉ với những động tác vuốt, chạm, hoặc ra lệnh, người đeo Pixel Buds có thể chọn nhạc, viết ghi chú, gửi tin nhắn, tìm đường... Đặc biệt, tai nghe này kết nối với mọi thiết bị có kết nối Bluetooth.

Tuy nhiên, tính năng phiên dịch độc nhất của Pixel Buds lại là đặc quyền của chủ nhân các điện thoại thông minh Pixel.

Pixel Buds sẽ "lên kệ" tại Mỹ từ tháng 11 tới với mức giá 159 USD.

Sự kiện quốc tế 1-7/10: Xả súng đẫm máu tại Mỹ, công bố giải Nobel ảnh 8(Nguồn: engadget.com)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục