Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3

Sự cố kim khâu trong dâu tây tại Australia, cuộc gặp liên Triều lần thứ ba, máy bay Nga trúng tên lửa Syria nằm trong số những sự kiện nổi bật của thế giới trong tuần qua.
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3
Ngày 18 và 19/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm Triều Tiên và dự cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Hàn Quốc cho biết mục đích chính trong chuyến thăm Triều Tiên lần này là nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Sau hai ngày hội đàm tại Bình Nhưỡng, hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung tháng 9, với những cam kết cụ thể nhằm hướng tới nền hòa bình và thịnh vượng chung trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp việc vẫn còn rất nhiều thách thức và rào cản trên tiến trình này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhất trí tiến hành thêm các bước đi phi hạt nhân hóa trong đó có việc xóa bõ vĩnh viễn bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri…

Sau thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, dự kiến Tổng thống Moon Jae-in sẽ sang Mỹ vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Donald Trump.

Thư ký báo chí của Tổng thống Moon Jae-in cho biết, ông Moon Jae-in sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào ngày 24-9 bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73.

Tại cuộc gặp này, Tổng thống Moon Jae-in dự kiến sẽ thông báo vắn tắt cho Tổng thống Donald Trump về kết quả hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.

Đây được xem là những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Moon Jae-in trong bối cảnh các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Triều Tiên đã lâm vào bế tắc sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một đại hội thể thao ở Sân vận động May Day ở Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngày 17/9, trong một động thái tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 24/98 và sẽ tăng 25% thuế vào đầu năm 2019.

Tổng thống Trump còn cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào nông dân và các ngành công nghiệp của Mỹ, Mỹ sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba, áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Nếu việc Mỹ áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trở thành hiện thực, điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế.

Quyết định áp thuế mới của Mỹ lên hàng hóa của Trung Quốc lần này đã thực sự gây nhiều lo ngại cho cả hai bên nhất là trong bối cảnh các quan chức của Mỹ và Trung Quốc dự định tiến hành vòng đàm phán thương mại mới.

Nhằm đáp trả lại quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, ngày 18/9, Trung Quốc đã thông báo áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD từ ngày 24/9 tới.

Những động thái này khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa thể sớm đi đến hồi kết. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu căng thẳng từ hồi tháng 3/2018 vừa qua, khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Từ đó, hai nước không ngừng áp dụng các mức thuế đối với hàng hóa của nhau và các cuộc tham vấn song phương cho tới nay vẫn chưa thể hạ nhiệt tình hình.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 2Công nhân phân loại đậu tương để đóng gói xuất khẩu ở một nhà máy thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ukraine chính thức ngừng hiệp ước hữu nghị với Liên bang Nga
Ngày 17/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác với Liên bang Nga.

Theo một thông báo, sắc lệnh đăng tải trên trang web của Tổng thống Poroshenko được đưa ra “chiểu theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) ngày 6/9/2018, ủng hộ đề xuất của Bộ Ngoại giao về việc Ukraine ngừng hiệu lực của Hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine ký ngày 31/5/1997.”

Bộ Ngoại giao Ukraine có trách nhiệm thông báo cho phía Nga về việc này. SNBO, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng sẽ thông báo đến Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và các tổ chức quốc tế khác về quyết định của Ukraine.

Hiệp ước về hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối.

Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, Hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 3
Thủ tướng Nhật Bản được bầu lại làm Chủ tịch LDP
Ngày 20/9, trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành được 553 phiếu, cao hơn nhiều so với 254 phiếu mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba giành được.

Đây sẽ là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Abe trên cương vị là người đứng đầu LDP.

Chiến thắng của ông Abe đã mở ra cơ hội giúp ông trở thành Thủ tướng cầm quyền với thời gian lâu nhất ở Nhật Bản và theo đuổi mục tiêu lâu nay về việc hiện thực hóa lần sửa đổi hiến pháp hòa bình lần đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực hồi năm 1947.

Ông Abe, 63 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 9/2006. Năm 2007, ông từ chức Thủ tướng và chức Chủ tịch LDP vì lý do sức khỏe.

Tháng 9/2012, ông được bầu lại làm Chủ tịch đảng LDP và trở lại giữ chức Thủ tướng vào cuối năm đó sau cuộc bầu cử Quốc hội, trong đó LDP đánh bại đảng Dân chủ cầm quyền khi đó.

Năm 2015, ông Abe tái đắc cử chức Chủ tịch LDP sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Năm 2017, LDP đã quyết định kéo dài giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch đảng, từ hai nhiệm kỳ liên tiếp thành ba nhiệm kỳ liên tiếp (mỗi nhiệm kỳ ba năm).

Trong cuộc đua giành ghế chủ tịch LDP lần này, Thủ tướng Abe đã bày tỏ quyết tâm cùng người dân xây dựng một đất nước mới, khẳng định cam kết đem lại cho thế hệ trẻ “một đất nước Nhật Bản tự hào và đầy hy vọng”.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 4Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay Nga trúng tên lửa Syria làm 15 quân nhân thiệt mạng
Ngày 17/9, chiếc máy bay Il-20 của Nga đã bị hệ thống phòng không Syria bắn nhầm trên Địa Trung Hải do máy bay tiêm kích Israel F-16 đã sử dụng chiến thuật núp sau chiếc Il-20.

Một tên lửa phóng lên từ hệ thống phòng không S-200 của Syria đã trúng chiếc Il-20 làm 15 quân nhân Nga trên máy bay thiệt mạng.

Căn cứ không quân Hmeimim của Nga đã mất liên lạc với tổ lái chiếc máy bay Il-20 vào khoảng 23 giờ ngày 17/9 theo giờ địa phương (20 giờ GMT) trong một cuộc tấn công của 4 máy bay tiêm kích F-16 của Israel vào các mục tiêu tại tỉnh Latakia của Syria.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Israel đã cố tình tạo ra tình thế nguy hiểm bằng cách lợi dụng chiếc máy bay của Nga như một lá chắn trước hệ thống phòng không của Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 19/9 đã gửi lời chia buồn tới người đồng cấp Nga Vladimir Putin sau vụ máy bay quân sự IL-20 của Nga bị rơi do trúng tên lửa của Syria khiến nhiều quân nhân Nga thiệt mạng, đồng thời cáo buộc Israel gây ra vụ việc này.

Trong bức điện gửi người đồng cấp Nga, Tổng thống Assad nêu rõ: "Vụ việc đau lòng này là kết quả của sự ngạo mạn và tự mãn của Israel."

Ông Assad khẳng định "những thảm kịch như trên sẽ không thể ngăn cản chúng ta (Syria và Nga) phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố."

Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Israel cần phải tăng cường điều tra và đưa ra lời giải thích về vụ rơi máy bay Il-20 tại Syria vừa qua.

Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Về phần mình, tôi tin rằng các phi công Israel gây ra mối đe dọa dẫn đến việc máy bay Nga bị phá hủy... nói một cách nhẹ nhất là đã hành động thiếu chuyến nghiệp.”

Hiện tại các bên liên quan vẫn tranh cãi về sự cố đáng tiếc này.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 5Máy bay trinh sát Il-20 của Nga. (Nguồn: sputnik)
Xôn xao vụ kim khâu xuất hiện trong dâu tây tại Australia, New Zealand
Từ ngày 13/9 đến nay, hàng chục trường hợp thông báo phát hiện thấy kim khâu khi ăn trái dâu tươi đã gây ảnh hưởng tới 7 nhãn hiệu cung cấp dâu tươi ở 7 trên 8 bang và vùng lãnh thổ của Australia, ảnh hưởng lớn tới ngành sản xuất dâu nước này khi đang trong vụ mùa thu hoạch.

Vụ việc đã khiến ngành sản xuất dâu tươi với doanh thu 130 triệu AUD (93 triệu USD) mỗi năm của Australia điêu đứng.

Ngoài bảy thương hiệu có sản phẩm phát hiện kim khâu phải đóng cửa, những nhà sản xuất hay các trang trại trồng dâu khác trên khắp Australia cũng gần như phải chịu chung số phận khi lượng tiêu thụ giảm mạnh do người tiêu dùng không dám mua dâu.

Trong khi đó, các đối tác thương mại ở một số nước như Anh, Nga và New Zealand ngừng nhập khẩu dâu tươi từ Australia.

Nỗi sợ hãi xuất phát từ việc phát hiện kim khâu trong trái dâu tươi của Australia đã lan sang New Zealand khi ngày 23/9, chuỗi siêu thị Countdown của nước này thông báo đã phát hiện kim khâu trong hộp hoa quả có nguồn gốc từ Australia.

Theo thông báo mới nhất, chuỗi siêu thị Countdown đã rút một thương hiệu dâu tây của Australia khỏi kệ hàng sau khi phát hiện một hộp nhựa đựng hoa quả bị vỡ và có kim khâu bên trong tại cửa hàng ở Auckland.

Sản phẩm dâu tươi, có xuất xứ từ bang Tây Australia, được bán trong các cửa hàng của chuỗi siêu thị Countdown trên toàn quốc từ tuần trước và đến nay mới chỉ có một sự cố được báo cáo.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 6Hình ảnh do cảnh sát bang Queesland cung cấp về hiện tượng kim khâu có trong dâu tươi. (Ảnh: Queensland police/ TTXVN)
iPhone Xs chính thức lên kệ, số người xếp hàng giảm so năm ngoái
Sáng 21/9, những chiếc iPhone Xs đầu tiên đã chính thức lên kệ hàng các cửa hàng bán lẻ của Apple ở nhiều nước trên thế giới.

Theo ghi nhận của trang tin công nghệ CNET, số lượng các đám đông đứng chờ trước các cửa hàng Apple để đợi mua được chiếc iPhone mới nhất có ít hơn mọi năm song mức độ cuồng nhiệt thì vẫn còn sau 11 năm dòng sản phẩm đình đám này bán ra thị trường.

Tại Sydney (Australia), một trong hai thị trường đầu tiên trên thế giới mở bán iPhone Xs, đám đông đã tạo thành một hàng dài bên ngoài cửa hàng Apple Sydney trên đường George, để mong có được trên tay chiếc iPhone Xs và Xs Max.

Mẫu iPhone Xs có kích thước nhỏ được nhiều người đăng ký mua nhiều hơn iPhone Xs Max.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 7Mẫu điện thoại iPhone Xs (trái) và Xs Max (phải) được giới thiệu tại Cupertino, Mỹ ngày 12/9/2018. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Kính viễn vọng không gian TESS của NASA phát hiện hai hành tinh mới
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 20/9 thông báo kính viễn vọng không gian TESS đã phát hiện được hai hành tinh mới.

Đây là những phát hiện đầu tiên của kính viễn vọng này sau khi được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Cape Canaveral thuộc bang Florida (Mỹ), hồi tháng Tư vừa qua.

Hai hành tinh vừa được phát hiện có tên khoa học là Pi Mensae c - nằm cách hành tinh chúng ta 60 năm ánh sáng và có chu kỳ quay quanh Mặt Trời là 6,3 ngày và LHS 3844b-cách Trái Đất 49 năm ánh sáng và có chu kỳ quay quanh Mặt Trời 11 giờ.

Theo nhà khoa học Martin Spill, hai hành tinh mới này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 8(Nguồn: NASA)
Bảy ưu tiên hành động của tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc
Ngày 18/9, tại trụ sở ở New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa mới đã khai mạc cùng với cam kết của tân Chủ tịch rằng trong năm tới sẽ khiến cho tổ chức toàn cầu này xích lại gần hơn với người dân hơn để khuyến khích họ có cảm giác được làm chủ nhiều hơn, đồng thời dành cho Liên hợp quốc nhiều sự ủng hộ hơn nữa.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng khóa 73 gồm 193 thành viên, Chủ tịch María Fernanda Espinosa cho biết trọng tâm công việc của bà trong năm tới sẽ là đáp ứng nhu cầu của người dân muốn có một cơ chế lãnh đạo đa phương mạnh hơn nhằm đảm bảo những xã hội hòa bình hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.

Bà kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc chung tay xây dựng "một thế giới công và tự do hơn, bền vững hơn"./.

Sự kiện quốc tế 17-23/9: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ảnh 9Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục