Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn

Việc Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bỏ trốn ngay trước khi phiên tòa xét xử bà là một trong những thông tin được quan tâm nhất trong tuần vừa qua.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trốn sang nước ngoài
Ngày 25/8, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã không có mặt nghe phán quyết tại phiên tòa xét xử về việc bà thiếu trách nhiệm gây thiệt hại trong chính sách trợ giá gạo, dẫn tới việc Tòa án Tối cao ban hành lệnh bắt giữ vì lo sợ bà có hành vi bỏ trốn.

Tối 25/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon nói rằng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực.

Tướng Prawit cũng cho biết nhà chức trách Singapore, nơi được cho là điểm dừng chân của bà Yingluck, đã thông báo với phía Thái Lan rằng vị cựu Thủ tướng trên đã không nhập cảnh vào nước này. Ông nói: “Chúng tôi không biết chính xác bà ấy hiện đang lưu trú ở nước nào.”

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, người kiêm nhiệm phụ trách cả lực lượng cảnh sát, nói rằng ông không thể xác nhận việc một sỹ quan cảnh sát cấp cao đã giúp bà Yingluck đào tẩu đồng thời bác bỏ tin đồn rằng quân đội đã cho phép bà này rời khỏi đất nước.

Trước đó có các thông tin rằng bà Yingluck cùng con trai đã trốn sang Campuchia, từ đó bay đi Singapore rồi đến Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Dubai.

Một nguồn tin an ninh cũng cho biết bà Yingluck đã ra đảo Koh Chang ở ngoài khơi tỉnh Trat rồi từ đó đáp máy bay trực thăng đến Phnom Penh (Campuchia), nơi bà lên một chiếc máy bay thuê sẵn để đến Singapore.

Đi cùng với bà là một quan chức cấp cao chính phủ, người đã giúp bà không phải làm các thủ tục xuất nhập cảnh.​

Ngày 27/8, Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự của Thái Lan (NCPO) đã bác bỏ những cáo buộc rằng cơ quan này và cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã đạt được một thỏa thuận bí mật để bà Yingluck có thể tránh phán quyết cuối cùng của tòa án và rời khỏi đất nước.

Người phát ngôn NCPO, Đại tá Winthai Suvaree đã bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ nói trên đồng thời khẳng định: "NCPO và chính phủ đã điều hành đất nước theo cách cởi mở và thẳng thắn cũng như không bao giờ trốn tránh quy trình pháp lý".

Trước đó, tối 25/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon nói rằng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực.

Ngày 28/8, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã bác bỏ những tin tức truyền thông sở tại cho rằng chính quyền của ông đã giúp cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ trốn khỏi đất nước trước khi tòa án ra phán quyết về chính sách trợ cấp giá gạo gây tranh cãi của bà khi còn đương chức.

Thủ tướng Prayut khẳng định không cho phép bà Yingluck trốn thoát để tránh mọi căng thẳng chính trị có thể phát sinh trong trường hợp bà cựu thủ tướng bị kết án tù.

Tân hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith, ngày 27/8 cho biết Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã bác bỏ thông tin cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lợi dụng nước này để trốn khỏi Thái Lan.

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 1Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trả lời báo giới khi tới phiên tòa ở Bangkok ngày 5/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mỹ công bố chiến lược mới ở Afghanistan
Ngày 21​/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại Afghanistan nói riêng và khu vực Nam Á nói chung. Theo Tổng thống Trump, mối đe dọa an ninh mà Mỹ đang phải đối mặt ở Afghanistan và cả khu vực là rất lớn, bởi vậy việc nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan sẽ tạo ra "một khoảng trống" để các phiến quân hoạt động.

Do đó, Tổng thống Mỹ Trump đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis​ phụ trách kế hoạch triển khai thêm khoảng 3.900 binh sỹ, góp mặt cùng với 8.400 binh sỹ Mỹ hiện đang đồn trú tại Afghanistan.

Ông cho rằng, Mỹ cần phải có cách tiếp cận "thực tế hơn" về vấn đề Afghanistan, theo đó việc hỗ trợ an ninh và cử quân tới quốc gia này không phải để "thiết lập dân chủ" mà là để tiêu diệt khủng bố.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng nêu rõ Mỹ có thể cắt giảm viện trợ an ninh cho Pakistan nếu Islamabad không hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn các phần tử khủng bố biến đất nước này thành "nơi trú ẩn an toàn."

Đánh giá về chiến lược mới công bố, các nhà phân tích cho rằng chiến lược đã có một số điều chỉnh, song về tổng thể không có sự thay đổi lớn so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Chính vì vậy, giải pháp đối với cuộc xung đột tại Afghanistan chắc chắn vẫn sẽ là vấn đề khó khăn đối với chính quyền Mỹ trong thời gian tới.

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 2Binh sỹ Mỹ ở Afghanistan. (Nguồn: AP)
Tập trận thường niên Mỹ-Hàn Quốc gây căng thẳng trong khu vực
Ngày 21​/8, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu bước vào cuộc tập trận thường niên mang tên "Người bảo vệ Tự do Ulchi" (UFG), kéo dài trong 10 ngày.

Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 50.000 binh sỹ Hàn Quốc và 17.500 quân nhân Mỹ, trong đó khoảng 3.000 lính Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc tham gia tập trận.

Ngoài ra, một số đồng minh của Hàn Quốc cũng tham gia sự kiện năm nay bao gồm Australia, Anh, Canada, Colombia, Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand.

"Người bảo vệ Tự do Ulchi" (UFG) là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm đảm bảo an ninh của Hàn Quốc. Mặc dù phía Mỹ và Hàn Quốc đã khẳng định cuộc tập trận này chỉ mang tính phòng vệ, song ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng từ phía Triều Tiên.

Lâu nay, Triều Tiên vẫn luôn lên án đây là cuộc tổng duyệt cho cuộc chiến tranh hạt nhân chống nước này.

Hiện dư luận thế giới đang theo dõi sát sao những động thái từ phía Triều Tiên trước cuộc tập trận Mỹ​-Hàn này.

Còn nhớ trong suốt các cuộc tập trận chung Mỹ​-Hàn hồi năm 2016, Triều Tiên đã đáp trả bằng việc phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Nước này còn khiến tình hình căng thẳng hơn khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9​/2016. Còn đối với cuộc tập trận Mỹ-Hàn hồi tháng 3, Triều Tiên cũng đã phóng đến 4 tên lửa đạn đạo Scud để đáp trả.

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 3Máy bay của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Người bảo vệ Tự do Ulchi tại Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 21/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Vụ khủng bố bằng dao ở Phần Lan gây bất ổn về an ninh cho châu Âu
Ngày 18/8, một đối tượng cầm dao đã thực hiện vụ tấn công tại trung tâm thành phố Turku, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương.

Theo Đài phát thanh quốc gia Phần Lan Yle đưa tin, tên Abderrahman Mechkah, nghi can chính trong vụ tấn công bằng dao trên đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và muốn tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Sau vụ việc, các lực lượng bảo vệ pháp luật Phần Lan đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao và tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng đông người, đặc biệt là các sân bay và ga tàu. Lực lượng cảnh sát tuần tra cũng được tăng cường trên các tuyến phố chính.

Trước đó vào tháng 6 vừa qua, Cơ quan An ninh và tình báo Phần Lan Supo đã tăng mức độ cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng bố trong nước từ mức thấp lên mức cao và đây là mức thứ hai trong thang cảnh báo 4 cấp độ của nước này.

Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh châu Âu và thế giới chấn động sau các vụ tấn công tại Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến hơn 130 người bị thương.

Sự kiện này buộc các nước châu Âu tăng cường các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh ở mức cao độ.

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 4Cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công. (Nguồn: tiscali.it)
Lở đất ở Congo làm hơn 200 người chết
Ngày 16/8, một vụ lở đất xảy ra tại một làng cá bên bờ hồ Albert, Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo, đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Phó Tỉnh trưởng Ituri, ông Pacifique Keta cho biết nguyên nhân là do mưa lớn đã khiến đất đá trên núi ập xuống một lán của ngư dân. Rất nhiều người đã bị vùi lấp và công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở và khó tiếp cận.

Chính quyền Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết đang nỗ lực thúc đẩy công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhiều tổ chức cứu trợ và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSCO) cũng đã có mặt để tìm kiếm các nạn nhân một cách nhanh nhất có thể.

Ngoài Cộng hòa Dân chủ Congo, nhiều nước khu vực Tây và Trung Phi cũng đang hứng chịu thảm họa lở đất do phá rừng và các cộng đồng đông đúc sinh sống tại khu sườn đồi.

Trong tuần qua, Sierra Leone cũng đã tổ chức tang lễ cho 461 nạn nhân trong vụ lở đất ở ngoại ô thủ đô Freetown và hơn 600 người vẫn đang mất tích.​

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 5Tổ chức an táng cho các nạn nhân vụ lở đất tại Freetown ngày 17/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Triều Tiên thực hiện vụ phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn
Ngày 26/8, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của quân đội Mỹ cho biết Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trong đó một tên lửa đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng, 2 tên lửa còn lại đã rơi trên đường bay.

Quân đội Mỹ cho rằng các tên lửa của Triều Tiên không phải là mối đe dọa với đảo Guam cũng như khu vực Bắc Mỹ.

Trong khi đó, đài NHK dẫn một số nguồn tin chính phủ cho biết các tên lửa Triều Tiên cũng không đe dọa tới Nhật Bản.

Giới chức Hàn Quốc đã ngay lập tức báo cáo vụ việc cho Tổng thống Moon Jae-in và Phủ tổng thống đã triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận.​

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 6Tên lửa đạn đạo được phóng lên từ tàu ngầm tại một vị trí bí mật ở Triều Tiên. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Hải quân Mỹ tạm ngừng hoạt động tất cả các hạm đội trên toàn cầu
Ngày 21/8, Hải quân Mỹ đã ra lệnh "tạm ngừng hoạt động" trên toàn cầu để đánh giá lại các hạm đội nước này sau khi tàu khu trục USS John S. McCain va chạm với tàu chở dầu gần Singapore khiến 10 thủy thủ mất tích và 5 người khác bị thương.

Trong một tuyên bố, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, nêu rõ: "Chiều hướng hiện nay đòi hỏi hành động mạnh mẽ hơn. Vì thế, tôi đã chỉ đạo tạm ngừng hoạt động đối với tất cả các hạm đội trên toàn thế giới".

Vụ va chạm xảy ra ở phía Đông eo biển Malacca và Singapore, khi tàu Alnic MC chở gần 12.000 tấn dầu đang trên đường từ Đài Loan (Trung Quốc) tới Singapore.

Các báo cáo ban đầu cho thấy mạn trái phần đuôi tàu John S.McCain bị hư hại trong vụ va chạm. Rất may đã không xảy ra sự cố tràn dầu sau tai nạn này.

Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được tiến hành tích cực. Vụ việc sẽ được điều tra làm rõ nguyên nhân.

Đây là vụ va chạm thứ hai liên quan tới một tàu Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương trong 2 tháng qua.

Trước đó, 7 thủy thủ thiệt mạng khi tàu USS Fitzgerald va chạm với một tàu hàng ở ngoài khơi Nhật Bản tháng Sáu vừa qua.

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 7Tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Sư đoàn thiết giáp Iraq giải phóng Tal Afar sau 8 ngày kịch chiến
​Quân đội Iraq thông báo, các lực lượng an ninh nước này ngày 27/8 đã giải phóng hoàn toàn thành phố Tal Afar sau một chiến dịch kéo dài 8 ngày nhằm đánh bật các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi thành phố Tây Bắc Iraq này cũng như các khu vực lân cận.

Trong một thông báo ngắn, Trung tướng Abdul-Amir Yarallah thuộc Bộ Tư lệnh Các chiến dịch chung (JOC) cho biết Sư đoàn Thiết giáp 9 của quân đội Iraq và các đơn vị bán quân sự Hashda Shaabi đã tái chiếm khu vực lân cận al-Askari, khu công nghiệp và ngôi làng kế bên al-Rahma ở Đông Bắc thành phố Tal Afar.

Bằng việc tái chiếm những khu vực lân cận, các binh sĩ Iraq đã giải phóng hoàn toàn thành phố Tal Afar, cách Mosul khoảng 70km về phía Tây.

Ngoài ra, các binh sỹ và các phương tiện thiết giáp đang tiến về hướng Bắc tới thị trấn Ayadhiyah do IS kiểm soát và các ngôi làng lân cận.​

Sự kiện quốc tế 21-27/8: Cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn ảnh 8Lực lượng Chính phủ Iraq tiến vào giải phóng Tal Afar khỏi tổ chức khủng bố IS. (Nguồn: AFP/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục