Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia

Vụ đánh bom kép đẫm máu tại Somalia là một trong những sự kiện quốc tế gây chú ý trong tuần qua, cùng với một số sự kiện khác như Mỹ rút khỏi UNESCO, bê bối Kobe Steel, đàm phán NAFTA.
Hơn 400 người thương vong trong vụ đánh bom kép tại Somalia
Giới chức Somalia xác nhận ít nhất 137 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom kép xảy ra ở trung tâm thủ đô Mogadishu ngày 14/10 trong khi hơn 300 người khác bị thương, khiến đây trở thành một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại quốc gia này trong thập kỷ qua.

Cảnh sát cho biết hầu hết các nạn nhân thiệt mạng là do bỏng nặng và gây khó khăn cho việc nhận dạng.

Dự báo số người thiệt mạng sẽ còn tăng do nhiều người bị thương nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày 15/10, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmaajo đã ban bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân đồng thời kêu gọi hiến máu và quyên góp cho các nạn nhân trong vụ tấn công đẫm máu nhất từ năm 2007 đến nay này.

Theo cảnh sát thành phố, hiện trường vụ tấn công đầu tiên là ở nút giao K5, quận Hodan, nơi có các tòa nhà văn phòng của chính phủ, nhiều khách sạn và nhà hàng.

Vụ nổ xảy ra khi các lực lượng an ninh đang kiểm tra một chiếc xe tải bị nghi ngờ chở bom, đã san phẳng nhiều tòa nhà và gây hỏa hoạn lớn khi hàng chục chiếc xe bốc cháy.

Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, một vụ nổ khác tiếp tục làm rung chuyển quận Medina.

Đến nay vẫn chưa có lực lượng nào nhận là thủ phạm. Tuy nhiên, các vụ tấn công tại Mogagishu và nhiều thành thị khác của Somalia thường do al Shabaab, có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiến hành.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 1Hiện trường vụ đánh bom gần khách sạn Safari ở Mogadishu, Somalia ngày 14/10. (Nguồn: THX/TTXVN)
Mỹ và Israel rút khỏi UNESCO
Ngày 12​/10, Mỹ đã có một động thái bất ngờ khi đột ngột tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31​/12.

Không lâu sau quyết định của Mỹ, cũng trong ngày 12-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố nước này sẽ rút khỏi UNESCO.

Các nhà phân tích cho rằng, sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel.

Thời gian qua, Israel và chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về các quyết định của UNESCO, mà mới đây nhất là việc xếp thành cổ Hebron ở khu bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine (tháng 10/2017).

Việc Mỹ quyết định rút khỏi UNESCO lần này được coi là một cú sốc lớn và tiếp tục đặt tổ chức này đứng trước những thách thức mới. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, cho biết bà lấy làm tiếc trước động thái của Mỹ và nhấn mạnh đây là một mất mát với cả Mỹ và tổ chức UNESCO.

Tại thời điểm hiện tại, bà cho rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố và vi phạm quyền tự do.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, quyết định rút khỏi UNESCO cũng được cho là sẽ gây bất lợi đối với Mỹ bởi chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi UNESCO là một lợi ích chiến lược, là nơi truyền bá các giá trị tinh thần.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 2(Nguồn: bbc.com)
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017
Ngày 10​/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới, theo đó IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 3,6% trong năm 2017 và cho rằng nhịp độ tăng trưởng này có thể duy trì trong năm 2018.

Theo bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ phục hồi, mở ra cơ hội cho các quốc gia triển khai các biện pháp cải cách nhằm gặt hái những thành quả phát triển sâu rộng và bền vững.

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, gần 75% nền kinh tế trên thế giới bắt đầu quá trình phục hồi, chứng kiến một giai đoạn phát triển mới và bền vững trong khi các hệ thống ngân hàng diễn biến ổn định hơn cùng với đó là lòng tin thị trường tiếp tục tăng.

Vì vậy, đây là thời điểm mà các quốc gia phải nhanh chóng hành động, không để vuột mất thời cơ trong bối cảnh không ít những nguy cơ vẫn đang rình rập, trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng chậm, vấn đề bất bình đẳng ngày càng sâu sắc tại các nền kinh tế phát triển, ứng dụng đột phá công nghệ chưa hiệu quả và biến động chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 3Cảng hàng hóa ở Hamburg, Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Căng thẳng ngoại giao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 8-10-2017, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng căng thẳng khi chính phủ hai nước bất ngờ tuyên bố ngừng cấp thị thực nhập cư cho công dân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước đều lấy lý do “đánh giá lại các cam kết an ninh.”

Có thể thấy, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình trạng bấp bênh, bất kỳ mâu thuẫn nào dù nhỏ cũng dễ bị thổi bùng thành xung đột.

Các động thái ngoại giao đáp trả lẫn nhau giữa hai nước lần này được cho là “giọt nước tràn ly,” xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một số nhân viên lãnh sự Mỹ (vào ngày 5/10 vừa qua), với cáo buộc làm gián điệp, cụ thể là dính líu đến phong trào của giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện đang sống tại Mỹ, người mà Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn rằng đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016.

Những sóng gió giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục bị đẩy lên khi Thổ Nhĩ Kỳ có những bước đi rời xa Mỹ, và tiến gần hơn đến với Nga, trong khi Mỹ lại tiếp tục ủng hộ tổ chức người Kurd ở Syria, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng chống đối.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 4Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)
Nga lưu hành đồng tiền mới có in hình bán đảo Crimea
Ngày 12/10, Nga đã ra mắt đồng tiền mới với mệnh giá 200 ruble (3,5 USD) có in hình ảnh của bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập vào năm 2014.

Tờ tiền trên có màu xanh nhạt, in hình đài tưởng niệm hải quân tại thành phố Sevastopol, nơi hạm đội Biển Đen của Nga đặt căn cứ, và các di tích của Hy Lạp và La Mã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) bảo vệ tại Chersonesus.

Trên mặt tờ tiền còn có hình bản đồ bán đảo Crimea. Các hình vẽ trên tờ tiền này đã được lựa chọn sau một cuộc thi quốc gia vào năm ngoái nhằm chọn ra các biểu tượng của Nga.

Cùng với đồng tiền mệnh giá 200 ruble, Nga còn cho lưu hành tờ 2.000 ruble (34,7 USD) với hình sân bay vũ trụ mới của Nga tại Vostochny ở Viễn Đông. Các mệnh giá tiền này là những đồng tiền mới đầu tiên của Nga kể từ năm 2006 và việc lưu thông tờ 200 và 2.000 ruble giúp đẩy nhanh các giao dịch tiền mặt.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 5(Nguồn: themoscowtimes.com)
Ba nước Bắc Mỹ bước vào vòng đàm phán quyết định tương lai NAFTA
Ngày 11/10, Mexico, Mỹ và Canada bước vào vòng bốn về tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) kéo dài năm ngày tại thủ đô Washington, Mỹ, với những vấn đề “gai góc” liên quan tới quy định xuất xứ và việc làm mang tính quyết định tới tương lai của thỏa thuận thương mại này.

Ngay trước vòng đàm phán lần này, các chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ yêu cầu tăng tỷ lệ nội địa khu vực đối với ngành công nghiệp ôtô từ 62,5% lên 85%, và trong đó ít nhất là 35% tỷ lệ nội địa Mỹ. Yêu sách này của Mỹ khó có thể được Mexico và Canada chấp thuận.

Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thực hiện những “đòi hỏi quá nguy hiểm," như nâng tỷ lệ nội địa Mỹ đối với ôtô trong khối Bắc Mỹ, chu kỳ năm năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp bởi phá giá và trợ giá, hạn ngạch. Điều này sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của NAFTA.

Phó Chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế của Phòng thương mại Mỹ John Murphy nhận định các đề xuất trên làm suy yếu và gây tổn hại cho các công ty Mỹ.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp Mỹ đã kêu gọi chính phủ bãi bỏ một số đề xuất gây nhiều tranh cãi trong đàm phán, trong đó có việc nâng tỷ lệ nội địa lên mức “cực đoan."

Trước đó, khi kết thúc vòng ba về tái đàm phán NAFTA, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết còn nhiều thách thức lớn mà các bên phải vượt qua, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của Mexico trong việc sửa đổi NAFTA với mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm cơ hội đầu tư và việc làm cho khu vực.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 6Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại cuộc họp báo công bố kết quả vòng ba tái đàm phán NAFTA ở Ottawa, ngày 27/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
LHP Busan khai mạc trong bối cảnh nhiều rắc rối chưa được giải quyết
Liên hoan phim quốc tế Busan đã được khai mạc tối qua (12/10) tại Trung tâm Điện ảnh Busan, miền Nam Hàn Quốc, trong bối cảnh có nhiều vấn đề đang đe dọa vị thế của sự kiện điện ảnh lớn bậc nhất châu Á này.

Ca sỹ kiêm diễn viên Im Yoon Ah, nổi tiếng với nghệ danh Yoona, thuộc nhóm K-pop nữ nổi tiếng Girls' Generation và tài tử Jang Dong Gun đồng dẫn chương trình lễ khai mạc.

Liên hoan phim Busan 2017 trình chiếu 300 phim từ 75 quốc gia, nhiều hơn một phim so với năm ngoái. Được chọn giới thiệu trong đêm khai mạc là "Glass Garden" - bộ phim huyền ảo bí ẩn của nữ đạo diễn Shin Su Won, từng gây tiếng vang với phim "Pluto" (2012) và "Madonna" (2015).

Liên hoan phim Busan 2017 sẽ được bế mạc vào tối 21/10 với màn chiếu phim "Love Education" của đạo diễn nữ Đài Loan (Trung Quốc) Trương Ngải Gia.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 7Lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 22 tại Hàn Quốc ngày 12/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vụ bê bối Kobe Steel
Ngày 8/10, Tập đoàn Kobe Steel của Nhật Bản đã khiến dư luận nước này rúng động sau khi thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, và thậm chí cả tên lửa vũ trụ.

Phát biểu ngày 13/10 tại một cuộc họp báo, lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel, ông Yoshihiko Katsukawa cho biết đến nay, tổng cộng khoảng 500 công ty bị ảnh hưởng trong vụ bê bối trên​.

Hãng tin Bloomberg cho biết giá cổ phiếu Kobe sụt 22% còn 1.068 yen (khoảng 9,50 USD) trong phiên giao dịch ngày 10/10 tại thị trường Tokyo, mức giới hạn thiệt hại hàng ngày tối đa, làm thiệt hại gần một tỷ USD giá trị thị trường của Tập đoàn này. Ngay đầu phiên giao dịch ngày 11/10, giá cổ phiểu của Kobe tiếp tục giảm 17%.

Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy dữ liệu đã được làm giả cho khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm, 2.200 tấn sản phẩm đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm và được giao cho các khách hàng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017.

Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản và quản lý nhà nước.

Sự kiện quốc tế 9-15/10: Đánh bom kép đẫm máu tại Somalia ảnh 8(Nguồn: Reuters)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục