Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ

Việc Nga và các nước đạt "thỏa thuận lịch sử" về đóng băng hoạt động khai thác dầu mỏ và vụ đánh bom đẫm máu tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong số sự kiện nổi bật tuần qua.
Nga và các nước đạt 'thỏa thuận lịch sử' về đóng băng hoạt động khai thác dầu mỏ
Ngày 16/2, trong nỗ lực bình ổn giá dầu thế giới, Venezuela, Nga, Qatar và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận “lịch sử” nhằm “đóng băng hoạt động khai thác dầu mỏ” tại cuộc họp kín ở thủ đô Doha của Qatar. Đây là cuộc họp cấp cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây nhằm giải quyết tình trạng dư thừa trên toàn cầu, khiến giá dầu thế giới lao dốc.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng còn quá sớm để kỳ vọng có bất kỳ đột phá nào về giá dầu trong thời gian tới, nhất là khi Saudi Arabia và Nga đều khẳng định vẫn tiếp tục duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, Iran cũng đang khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu thô sau nhiều năm bị cấm vận.

Cơ quan thông tin thuộc Bộ Dầu mỏ Iran ngày 15/2 cho biết hai triệu thùng dầu thô đã được bơm vào một tàu chở dầu và sẵn sàng lên đường tới Pháp, thực hiện đơn hàng xuất khẩu dầu mỏ đầu tiên sang châu Âu sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế được dỡ bỏ giữa tháng Một vừa qua.

Nhiều chuyên gia phân tích thị trường đều đồng quan điểm rằng thỏa thuận đạt được giữa Nga và ba thành viên hàng đầu của OPEC chưa thể làm hài lòng thị trường, trong bối cảnh giới đầu tư “vàng đen” đang kỳ vọng về động thái cắt giảm chứ không phải duy trì mức trần sản lượng. Do vậy, giá dầu thô trên thị trường thế giới có thể sẽ tiếp tục xu thế ảm đạm trong năm 2016 này.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: ft.com)

Xem thêm tại đây: "Đóng băng" sản lượng làm giảm 50% mức dư cung dầu toàn cầu
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ
Trong hai ngày 15-16/2, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Sunnylands, Hoa Kỳ, với sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng, và cũng là Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ra Tuyên bố Sunnylands, gồm 17 nội dung, trong đó có cam kết tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập về chính trị giữa tất cả các quốc gia phù hợp với nguyên tắc và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực phù hợp với các nguyên tắc chung đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); cam kết chung thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải; nhấn mạnh tầm quan trọng của thịnh vượng chung, phát triển và tăng trưởng bền vững.

Ý kiến phát biểu cũng như các đề xuất tại các phiên thảo luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị được các nhà lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao. Chuyến tham dự Hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN đồng thời khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, hiệu quả, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ASEAN và Việt Nam có lợi ích; thúc đẩy cam kết và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với ASEAN trong việc nâng cao năng lực, mở rộng quan hệ với các đối tác và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 2Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ
Đánh bom tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, gần 90 người thương vong
Ngày 17/2, một vụ đánh bom xảy ra ở Cankaya, một khu vực chính phủ nằm ngay trước một tòa nhà của Không lực Thổ Nhĩ Kỳ gần Quốc hội nước này ở thủ đô Ankara. Bom được kích hoạt khi đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dừng trước một cột đèn tín hiệu giao thông, làm 28 người thiệt mạng và 61 người bị thương.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu xác nhận thủ phạm gây ra vụ đánh bom trên là Salih Necar, một người tị nạn đến từ Syria, đồng thời cáo buộc nhóm vũ trang "Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurk" (YPG) ở miền Bắc Syria đã kết hợp với lực lượng đảng Công nhân người Kurds (PKK) lên kế hoạch cho vụ tấn công này. Hai nhóm này đều bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.

Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của PKK Cemil Bayik khẳng định không hề biết ai đứng sau vụ tấn công và rất có thể đây là một hành động trả thù cho những hành động "giết hại người Kurd vô tội."

Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài đất nước, vụ đánh bom đẫm máu ngay tại thủ đô trên cho thấy xung đột đang ngày càng leo thang tại quốc gia này.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 3Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ đánh bom ở Ankara ngày 17/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Nhóm phiến quân người Kurd thừa nhận vụ tấn công tại Ankara
Cuba và Mỹ chính thức tái thiết lập dịch vụ hàng không trực tiếp
Ngày 16/2, tại thủ đô La Habana của Cuba, Bộ trưởng Giao thông Cuba Adel Yzquierdo và người đồng cấp Mỹ Anthony R.Foxx đã ký Bản ghi nhớ về việc tái thiết lập các tuyến bay thương mại trực tiếp giữa hai nước sau hơn 50 năm gián đoạn. Đây là dấu hiệu tích cực mới nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Bản ghi nhớ cho phép mở tối đa 20 chuyến bay/ngày từ các sân bay của Mỹ tới sân bay quốc tế La Habana, cảng hàng không lớn nhất của Cuba, và tối đa 10 chuyến/ngày tới 9 sân bay quốc tế khác của Cuba. Dự kiến, các tuyến bay được xác định chậm nhất vào mùa Hè tới và các chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào mùa Thu.

Ngoài ra, chính phủ hai nước cũng cam kết bảo vệ an ninh hàng không dân dụng theo tiêu chuẩn và hiệp ước quốc tế liên quan mà Cuba và Mỹ đã ký kết.

Theo Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony R.Foxx, đây là một sự kiện lịch sử và “việc khởi động các chuyến bay thương mại sẽ củng cố mối quan hệ song phương và mang lại lợi ích cho cả hai nước”. Về phần mình, Bộ trưởng Giao thông Cuba Adel Yzquierdo tái khẳng định “mong muốn của các quan chức Cuba về duy trì và mở rộng những trao đổi kỹ thuật và hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực hàng không dân dụng trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại.”

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 4Một máy bay của hãng hàng không Cubana de Aviación. (Nguồn: cubanet.org)

Xem thêm tại đây: Cuba và Mỹ chính thức tái thiết lập dịch vụ hàng không trực tiếp
EU trao quy chế đặc biệt để giữ Anh ở lại khối
Thỏa thuận mà Thủ tướng Anh David Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng marathon với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ khu Tài chính London cũng như "miễn trừ" cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về "một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết."

Tuy nhiên, đối mặt với sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác, Thủ tướng Cameron đã buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ.

Cụ thể, ý định của Anh "đóng băng" phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong bốn năm đầu làm việc ở nước này sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh.

Bên cạnh đó, ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 5Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Xem thêm tại đây: EU khẳng định sẽ trao quy chế đặc biệt để giữ Anh ở lại khối
Xả súng tại bang Michigan của Mỹ làm ít nhất 6 người thiệt mạng
Một vụ xả súng chấn động đã xảy ra tại hạt Kalamazoo, bang Michigan của Mỹ vào 6 giờ tối 20/2, làm ít nhất 6 người thiệt mạng và 3 người bị thương.

Thủ phạm đã lái xe lòng vòng trong khu vực Meadows Townhomes và xả súng vào các cửa hàng tạp hóa Cracker barel và Seelye Kia.

Ngay sau đó, tại một cuộc họp báo được tổ chức lúc sáng sớm 21/2, Công tố viên hạt Kalamazoo Jeff Getting đã xác định danh tính nam nghi can da trắng là Jason Brian Dalton, 45 tuổi.

Theo ông Getting, Dalton sẽ phải đối mặt với các cáo buộc giết người tại tòa án vào ngày 22/2.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 6Một đại lý xe hơi địa điểm xảy ra vụ xả súng. (Nguồn: BBC)

Xem thêm tại đây: Cảnh sát Mỹ đã bắt giữ nghi can trong vụ xả súng tại Michigan
Venezuela tuyên bố phá giá đồng nội tệ, tăng giá xăng sau 20 năm
Ngày 17/2, Venezuela đã phá giá đồng nội tệ ở mức 37% và chuyển hệ thống ba tỷ giá hối đoái chính thức thành hệ thống gồm hai tỷ giá hối đoái như một phần của gói biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này.

Tổng thống Nicolas Maduro thông báo tỷ giá 6,3 bolivar/USD, được áp dụng cho các hàng hóa ưu tiên như thực phẩm và thuốc men, sẽ giảm xuống còn 10 bolivar/USD. Trong khi đó, tỷ giá SIMADI (203 bolivar = 1 USD), một trong số các tỷ giá chính thức, sẽ được thả nổi.

Ngoài ra, ông Maduro cũng cho biết sẽ tăng giá xăng tại Venezuela lần đầu tiên trong 20 năm qua. Theo đó, giá xăng sẽ tăng từ mức 0,01 USD/lít lên 0,95 USD/lít theo tỷ giá hối đoái cố định chính thức.

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 6% trong năm nay, và đây là quốc gia có chỉ số tăng trưởng tồi tệ nhất thế giới.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 7Đồng bolivar của Venezuela. (Nguồn: Getty Images)

Xem thêm tại đây: Venezuela tuyên bố phá giá đồng nội tệ, tăng giá xăng sau 20 năm
Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Ngày 19/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - tức ngân hàng trung ương) đã bơm 163 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở.

PBOC cho biết đã bơm số tiền trên vào 20 thể chế tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF), trong đó, 47,5 tỷ nhân dân tệ có kỳ hạn 3 tháng, 62 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 6 tháng và 53,5 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 1 năm với lãi suất lần lượt là 2,75%, 2,85% và 3%.

PBoC đã hạ mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 3% xuống 2,85% và lãi suất kỳ hạn 1 năm từ 3,25% xuống 3%, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng giữ nguyên.

Trong tháng Một vừa qua, PBoC đã bơm hơn 1.500 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các công cụ tài chính MLF, cơ chế cho vay tiêu chuẩn (SLF) và cho vay cam kết phụ (PSL).

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Một phụ nữ Mexico nhiễm virus Zika vẫn sinh con khỏe mạnh
Bộ Y tế Mexico cho biết một phụ nữ ở bang Chiapas, miền Nam nước này, bị nhiễm virus Zika nhưng vẫn sinh ra một bé trai khỏe mạnh.

Bé trai kể trên được sinh ra ngày 19/2 tại bệnh viện thành phố Tuxtla Gutierrez.

Bệnh viện đã xác nhận bé trai nặng 2,8 kg này hoàn toàn khỏe mạnh về phương diện lâm sàng, trong khi người mẹ là một trong 6 phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thai kỳ tại nước này.

Hai phụ nữ khác đang có thai hơn 28 tuần và theo kết quả một số xét nghiệm, không có dấu hiệu cho thấy bào thai bị mắc chứng đầu nhỏ. Ba thai phụ còn lại chưa đạt 28 tuần.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 9Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Một phụ nữ Mexico nhiễm virus Zika vẫn sinh con khỏe mạnh
Phim về người tị nạn giành giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin
Sau 10 ngày tranh tài, tối 20/2, Liên hoan phim quốc tế Berlin (Berlinale) lần thứ 66 đã khép lại và giải thưởng danh giá Gấu vàng cho bộ phim xuất sắc nhất đã được trao cho bộ phim tài liệu về người tị nạn "Fuocoammare" (tạm dịch Lửa trên biển) của đạo diễn người Italy Gianfranco Rosi.

Đây là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu được trao giải thưởng danh giá này.

Bộ phim "Fuocoammare" kể về dòng người tị nạn ở châu Âu, đã được đạo diễn mô tả là "thảm kịch tồi tệ nhất sau nạn thảm sát người Do Thái."

Lấy bối cảnh là đảo Lampedusa của Italy - một điểm cửa ngõ của người di cư Trung Đông, Bắc Phi đổ vào châu Âu - bộ phim đã lột tả chân thực một vấn đề thời sự nóng của châu Âu với những thảm kịch mà người tị nạn đang phải gánh chịu.

Sự kiện quốc tế tuần 15-21/2: Thỏa thuận lịch sử về khai thác dầu mỏ ảnh 10Đạo diễn Gianfranco Rosi nhận giải thưởng dành cho phim 'Fuocoammare.' (Nguồn: Reuters)

Xem thêm tại đây: Phim về người tị nạn giành giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục