Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét

Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 khoảng 6,7% và chỉ đạo tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 khoảng 6,7% và chỉ đạo tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng giao chỉ tiêu tốc độ tăng GDP năm 2017 khoảng 6,7%
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 5 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Cụ thể, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) kế hoạch năm 2017 khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP khoảng 31,5%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2017 là 41,45%.

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%, mức giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP so với năm 2016 là 1,5% là những chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được cho giao Bộ Công Thương.

Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) là 25,5 giường, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 82,2%.

Những chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gồm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1-1,5%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 4%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55-57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 22,5%.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm:  Thủ tướng giao chỉ tiêu tốc độ tăng GDP năm 2017 khoảng 6,7%

Việt Nam quan ngại trước tin Trung Quốc triển khai vũ khí ở Biển Đông
Ngày 16/12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về hình ảnh vệ tinh của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS) cho thấy Trung Quốc dường như đã triển khai hệ thống vũ khí tại 7 cấu trúc địa lý ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 2Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép đường băng và cho máy bay hạ cánh. (Nguồn: CSIS)/

Xem thêm: Việt Nam quan ngại trước tin Trung Quốc triển khai vũ khí ở Biển Đông

Xuất khẩu năm 2017: Nâng giá trị phải nắm được khâu hạ nguồn
Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi nhập khẩu ước khoảng 157 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn về các chỉ tiêu từ đầu năm thì khả năng, tăng trưởng xuất khẩu cả năm sẽ không hoàn thành ở mức 10%, điều này do áp lực cạnh tranh từ thị trường thế giới đang ngày càng gay gắt, đòi hỏi những sản phẩm của Việt Nam phải không ngừng đổi mới để nâng cao giá trị, tạo vị thế trên thị trường.

Bên lề Hội thảo "Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ thương mại và đầu tư châu Âu (Mutrap) tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/12, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết : "So với con số 10% chúng ta đặt ra thì vẫn còn một khoảng cách, bên cạnh các con số thuần túy thì chúng ta phải nhìn nhận giá trị chất lượng đằng sau những con số đó."

Trong năm 2017, có một số hiệp định thương mại tự do mới, trong khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ký kết và đợi phê chuẩn.

Tuy nhiên, tương lai của TPP đang còn phụ thuộc rất nhiều vào một đối tác cực kỳ quan trọng là Hoa Kỳ. Hiện nay, khả năng phê chuẩn của Hoa Kỳ là chưa rõ và có nguy cơ nước này sẽ không tham gia hiệp định TPP này nữa, đây cũng là một thực tế mà chúng ta phải đối diện.

Bên cạnh TPP cũng có những hiệp định khác như là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, hay hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.

Ở một góc độ khác thì bên cạnh việc mở rộng thị trường chúng ta cũng phải chú trọng đến việc điều chỉnh các ngành hàng. Hoạt động xuất khẩu không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh các thị trường mà phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới.

Đặc điểm thứ 2 là trong thời điểm hiện nay, không có sản phẩm nào Việt Nam có thể sản xuất từ đầu đến cuối. Khi đã chấp nhận trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì phải chấp nhận chỉ là một khâu trong đó. Nhưng vấn đề là, chúng ta sẽ tham gia từ khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất.

Những khâu trong thương mại quốc tế đem lại giá trị lớn thường nằm ở khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm, đây là những khâu cuối, hạ nguồn. Còn những khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, sản xuất cũng đem lại giá trị nhưng thường là thấp hơn. Việc điều chỉnh tái cơ cấu các ngành kinh tế trong nước sẽ gắn rất chặt với chính sách về thương mại.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 3Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu năm 2017: Nâng giá trị phải nắm được khâu hạ nguồn

Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” - bản anh hùng ca bất tử
Sáng 18/12, lễ míttinh kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016) do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội).

Tại lễ míttinh, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định “tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946-1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa Đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Từ mốc son chói lọi này, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta càng thêm phấn khởi, tự hào, trân trọng những gì đã làm được để tiếp tục ra sức phát huy; đồng thời, chúng ta cũng nghĩ suy, trăn trở về những gì chưa làm được để quyết tâm khắc phục, sửa chữa; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của: Độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; về giá trị của hòa bình và phát triển; càng tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.”

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 4Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng lễ kỷ niệm . (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Xem thêm: Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” - bản anh hùng ca bất tử

Bình ổn thị trường, bảo đảm trật tự dịp Tết Nguyên đán 2017
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Theo Chỉ thị, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước.

Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bộ Tài chính cũng có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm (biên giới phía Bắc, Tây Nam; các tỉnh, thành phố lớn nơi phát sinh luồng hàng…) và đối với các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm…).

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là chi lương, thưởng trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) hoạt động an toàn, thông suốt, tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Bình ổn thị trường, bảo đảm trật tự dịp Tết Nguyên đán 2017

Doanh nghiệp cá tra Việt không nên "quên" thị trường nội địa
Theo đánh giá từ số liệu của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, năm nay, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ vẫn đạt mức tăng trưởng.

Ước tính, tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.

Tại hội nghị "Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 2016 và giải pháp để phát triển bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 14/12, tại An Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xuất khẩu gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho cá tra vào thị trường nội địa giàu tiềm năng với 92 triệu dân.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới, tăng 4 thị trường so với năm 2015. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm có: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Saudi Arabia…

Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá trá của Việt Nam cần phải bắt tay nhau cùng hợp tác, chia sẻ với người nuôi trong chuỗi giá trị; hợp tác cùng với nhà nước xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam, tạo ra ưu thế về sản xuất cá tra, để các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị thường và không bị chi phối bởi giá cả...

Dự báo, năm 2017, thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10% đạt hơn 1,7 tỷ USD.

Do đó, ngoài các thị trường truyền thống, thị trường lớn, các doanh nghiệp cần chú ý phát triển và trụ vững ở tất cả các thị trường hiện có; tập trung khai thác thị trường trong nước với 92 triệu dân; đồng thời chủ động xây dựng phương án xâm nhập thị thường, đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến...

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 6Thu hoạch cá tra tại tổ hợp tác nuôi cá tra Tân Thạnh, xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Doanh nghiệp cá tra Việt không nên "quên" thị trường nội địa

Bài học đắt giá với ai đã trót nghe theo tin đồn sắp đổi tiền
Thông tin từ Bộ Công An cho biết, Bộ vừa bắt được nhóm đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc Ngân hàng Nhà nước sắp đổi tiền đã làm dư luận chấm dứt hoang mang, nghi ngờ về việc đổi tiền.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin khẳng định không có chuyện đổi tiền, thông tin về việc đổi tiền là bịa đặt và có dụng ý xấu; đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia.

Thực tế cho thấy vừa qua, những biến động của thị trường vàng, ngoại tệ trên thế giới, cũng như tin đồn trong nước đã tác động ít nhiều tới những nhà đầu tư và người dân "yếu bóng vía," có thói quen mua bán theo phong trào hoặc tin đồn.

Tại thời điểm tin đồn xuất hiện trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, thị trường vàng nổi "sóng," chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế liên tục giãn rộng, có lúc giá vàng trong nước đã đắt hơn giá thế giới tới 4,4 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng vụ Quản lý Ngoại hối khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và khẳng định sẵn sàng các phương án, cũng như có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.

Một lần nữa, đây là bằng chứng cho thấy, việc mua bán chỉ đạt kết quả tốt nhất khi dựa trên các chỉ số kinh tế, diễn biến thị trường, cũng như các chính sách kinh tế khi đã được các cơ quan quản lý, điều hành công bố chính thức./.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Bài học đắt giá với ai đã trót nghe theo tin đồn sắp đổi tiền

Hơn 50% doanh nghiệp FDI muốn bảo hiểm xã hội giúp gỡ khó khăn
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cần sự tư vấn trực tiếp của cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đẩy mạnh tư vấn, giải đáp để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 16/12.

Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về ý kiến doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam về những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, cải cách thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp thấy “thuận lợi hơn” trước những cải cách của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt lần lượt là 65%-55,8% và 51,3% cho thấy các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nỗ lực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp FDI cũng đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn về thủ tục hành chính; đẩy nhanh thời gian xử lý và trả kết quả, bố trí thêm cán bộ tại bộ phận 1 cửa, tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nâng cao kỹ năng mềm. Đặc biệt, có 52% doanh nghiệp mong muốn được gặp trực tiếp cơ quan bảo hiểm để được hướng dẫn trực tiếp về giao dịch điện tử, hồ sơ, biểu mẫu, thủ tục…

Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 9/2016 có 15.579 doanh nghiệp FDI tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng 776 doanh nghiệp so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 8Giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Xem thêm: Hơn 50% doanh nghiệp FDI muốn bảo hiểm xã hội giúp gỡ khó khăn
Thưởng Tết 2017: Người mừng làm ăn tốt, kẻ lo giữ "của ăn, của để"
Kinh tế năm 2016 được đánh giá là có nhiều khởi sắc, một số ngành tài chính, dược phẩm, bất động sản hứa hẹn sẽ có mức thưởng Tết cao. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất lại đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn nên có thể mức thưởng sẽ không cao vì doanh nghiện còn lo “của ăn, của để.”

Năm 2016 là một năm được đánh giá là làm ăn tốt của nhóm ngành bất động sản. Theo khảo sát của công bố của Công ty tư vấn Macconsult, nhóm ngành này nằm trong top 5 nghề có mức thưởng cao nhất nên thưởng Tết chắc chắn vẫn nằm trong top dẫn đầu. Mức thưởng bình quân của nhóm nghề này đã lên tới 65 triệu đồng cho vị trí quản lý, giám sát.

Không chỉ bất động sản, nhóm nghề tài chính cũng là nhóm nghề đang có mức thưởng trong top dẫn đầu và dự báo thưởng Tết cũng sẽ cao. Mới đây, ngân hàng Techcombank đã đưa ra kế hoạch thưởng Tết. Ngoài tháng lương thứ 13 sẽ thưởng cho nhân viên một phần thưởng Tết dao động từ 1,5-6 tháng lương. Như vậy, tổng mức thưởng Tết cho nhân viên có thể lên tới 7 tháng lương.

Ngành dược phẩm cũng là ngành được dự báo sẽ có mức thưởng Tết cao khi mà mức thưởng bình quân cho cán bộ quản lý đang ở mức 55 triệu đồng/tháng. Đây cũng là ngành thường xuyên có mức lương bình quân nằm trong top dẫn đầu.

Đối với những ngành phát triển mạnh trong năm 2016 thì chắc chắn sẽ thưởng Tết cao, tuy nhiên, một số ngành gặp nhiều khó khăn sẽ phải chấp nhận mức thưởng Tết thấp hơn năm ngoái. Điển hình như các ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Ông Đinh Việt Thanh, Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính, Tổng Công ty May 10 nhận định việc tính toán lương thưởng và cân đối kế hoạch phát triển sản xuất đảm bảo việc làm ổn định của những doanh nghiệp sử dụng đông lao động như dệt may là rất khó khăn. Các doanh nghiệp ít người lao động thường dễ vận động hơn, những doanh nghiệp “đông con” thường phải tính toán kỹ hơn.

Ông Lê Anh Cường, Chủ tịch Công ty tư vấn Macconsult dự báo, dịp thưởng cuối năm 2016-2017 các doanh nghiệp có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng tiền thưởng năm nay không có sự khác biệt so với năm 2015, các doanh nghiệp cho biết mức thưởng thông thường sẽ là một tháng lương bình quân trong năm của người lao động.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thưởng Tết 2017: Người mừng làm ăn tốt, kẻ lo giữ "của ăn, của để"

Thủ tướng: Tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung với các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, được tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên-Huế 3 người chết, Bình Định 6 người chết, 5 người mất tích, Khánh Hòa 1 người chết); trên 130 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; gần 112.000 nhà bị ngập nước; trên 10.000 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi (hiện các địa phương tiếp tục thống kế thiệt hại).

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và địa phương khu vực miền Trung tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ phải chủ động, quyết liệt với tinh thần "tự lực tự cường" là chính, "tương thân tương ái," tránh tư tưởng chủ quan; huy động mọi lực lượng, phương tiện, nguồn lực tham gia ứng phó với mục tiêu là bảo đảm an toàn tối đa cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói, rét trong mưa lũ. Các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2263 ngày 15/12.

Trước mắt, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn; tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn đang bị mất tích.

“Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt, cô lập để hỗ trợ lương thực, thực phẩm (lương khô, bánh mỳ, mỳ tôm, gạo,...) cho người dân; chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất,” Thủ tướng yêu cầu.

Đi liền với đó, cần bố trí lực lượng chốt chặn, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vục bị ngập sâu nước chảy xiết; kiên quyết ngăn chặn người và phương tiện đi qua các khu vực nước ngập sâu không bảo đảm an toàn nhằm tránh thiệt hại đáng tiếc do lũ cuốn. Các địa phương căn cứ vào tình hình mưa lũ cụ thể của địa phương mình chỉ đạo, quyết định cho học sinh ở các vùng bị ngập sâu, chia cắt nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng đề nghị các địa phương chỉ đạo, vận hành an toàn các hồ chứa nước (thủy lợi, thủy điện) góp phần giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình. Các tỉnh chịu thiệt hại cũng cần chuẩn bị sẵn phương án, để ngay sau lũ rút đến đâu huy động lực lượng vũ trang, thanh niên và các lực lượng khác hỗ trợ: dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường; chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Sự kiện trong nước 12-18/12: Không để người dân vùng lũ bị đói rét ảnh 10Phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định bị nước lũ cô lập. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng: Tuyệt đối không để người dân các vùng mưa lũ bị đói, rét

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục