Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công

Chính phủ nói "không" với việc xin tăng trần nợ công và Việt Nam lần đầu ghép thành công tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 và các Hội nghị liên quan tại Philippines

Từ ngày 12 đến 14/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị liên quan tại Manila, Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 30 hoạt động song phương và đa phương.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc của mình thông qua thúc đẩy những cái chung, đặc biệt là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân Cộng đồng và đóng góp nỗ lực để tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN.

Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN chú trọng hơn nữa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong Cộng đồng; ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế của mình trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí ký kết 1 văn kiện, thông qua 11 văn kiện và ghi nhận 11 văn kiện khác.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên họp Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN

Việt Nam lần đầu ghép thành công tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống
Ngày 16/11, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh công bố đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân Q.D.A, sinh năm 1992, ngụ tại tỉnh Cà Mau, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML). Đối với bệnh lý huyết học ác tính này, phương pháp duy nhất để điều trị hiệu quả và có thể hết bệnh là dị ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho khỏe mạnh.

Tuy nhiên, do không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp với kháng nguyên hòa hợp tổ chức (HLA) với bệnh nhân nên các bác sỹ Bệnh viện Truyền máu-Huyết học đã liên kết với Trung tâm Tzu Chi (Đài Loan, Trung Quốc) và tìm được người đồng ý hiến tế bào gốc có HLA phù hợp với người bệnh.

Sau ca ghép, người bệnh dần ổn định, kết quả xét nghiệm xác định tỷ lệ mọc mảnh ghép cho thấy 100% số tế bào mới là của người hiến tặng tế bào gốc./.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 2Buổi họp báo công bố của Bệnh viện Huyết học TP.HCM (Nguồn: bthh.org)

Xem thêm: Việt Nam ghép thành công tế bào gốc tạo máu không cùng huyết thống

Thị trường vốn Việt Nam trỗi dậy nhờ động lực tăng trưởng mới
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á, sau 17 năm phát triển. Quy mô của thị trường cổ phiếu tăng gấp 3 lần, từ 22% GDP (năm 2006) lên 44% GDP (năm 2010) và thời điểm hiện tại (11/2017) đạt hơn 63% GDP.

Theo các chuyên gia, thị trường vốn bước vào giai đoạn “làn sóng thứ hai” sau lần đầu trỗi dậy vào thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.

“Trong thời gian ngắn, nền kinh tế đã huy động khối lượng vốn rất lớn từ mọi thành phần chảy vào. Tuy nhiên, đây không phải là hiệu ứng trước mắt, nó khẳng định niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư. Họ kỳ vọng vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới rất cao,” ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhấn mạnh.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thị trường vốn Việt Nam trỗi dậy nhờ động lực tăng trưởng mới

Phó Thủ tướng: "Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công"
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng của các đại biểu Quốc hội tại hội trường sáng 16/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến vấn đề nợ công hiện nay và các giải pháp bảo đảm an toàn nợ công.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2015, nợ công đã đến sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 50%, vượt trần cho phép… Đại hội Đảng XII đánh giá nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn và xác định nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ bao gồm trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay để đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm.

“Do đó, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 4Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Xem thêm: Phó Thủ tướng: "Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công"

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2018
Với 86,56% đại biểu tán thành, sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP.

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 5Quốc hội thông qua toàn văn biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Xem thêm: Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2018

Đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ năm 2020
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương nêu rõ sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã cấp gần 8 triệu số định danh cho công dân tại 16 địa phương và trên 700.000 mã số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh.

Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu nền tảng trong hệ thống các cơ sở dữ liệu của quốc gia, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ. Theo quy định, chậm nhất tới ngày 1/1/2020 phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 6Người dân đến làm chứng minh nhân dân 12 số tại Phòng PC64 Công an Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Xem thêm: Đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ năm 2020

Ngân hàng Nhà nước: Đồng VND ổn định nhất khu vực châu Á
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng 1,41%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,22%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,18% so với cuối năm 2016.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực châu Á, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Như vậy, thực chất VND đang giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính so với cuối năm ngoái (VND giảm giá 4,78% so với CNY, giảm 9,49% so với EUR, giảm 7,99% so với KRW, giảm 2,32% so với JPY, giảm 6,48% so với TWD, giảm 7,48% so với THB, giảm 5,67% so với SGD).

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản tiền đồng hợp lý, theo dõi sát tình hình thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá mua phù hợp. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng, nâng mức dự trữ ngoại hối nhà nước lên khoảng 45 tỷ USD.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước: Đồng VND ổn định nhất khu vực châu Á


Du khách sắp được ngắm Hạ Long từ trên cao bằng thủy phi cơ
Ngày 15/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã chính thức thông qua phương án đề xuất của Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu về việc mở đường bay Hạ Long-Cô Tô bằng thủy phi cơ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh, đây là loại hình dịch vụ phát triển du lịch mới, góp phần bổ sung, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Quảng Ninh; thêm phương thức vận chuyển hành khách cho tỉnh, phù hợp với chiến lược phát triển dịch vụ-du lịch theo hướng hiện đại, trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Dự kiến thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Cô Tô và ngược lại khoảng 15-17 phút, máy bay được sử dụng là loại thủy phi cơ cỡ nhỏ, 12 chỗ ngồi, cất và hạ cánh tại mặt nước khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và đảo Cô Tô lớn. Trên mỗi chuyến bay, du khách sẽ được ngắm vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trên cao.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 8Vịnh Hạ Long nhìn từ trên thủy phi cơ ở độ cao 300m. (Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN)

Xem thêm: Du khách sắp được ngắm Hạ Long từ trên cao bằng thủy phi cơ

Bộ Tài chính cảnh báo việc lợi dụng bão lụt để nâng giá hàng thiết yếu
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị kiểm tra, theo dõi, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trong điều kiện bão lụt diễn biến phức tạp.

Theo văn bản vừa được Bộ Tài chính công bố sáng 13/11, lãnh đạo bộ này đề nghị các bộ, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp theo dõi không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng về vùng bão, lụt.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng lưu ý các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, hỗ trợ, cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, hàng hóa, vật tư để ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Bộ Tài chính cảnh báo việc lợi dụng bão lụt để nâng giá hàng thiết yếu

Chủ động ứng phó với đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu năm đến nay
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm ngày 19/11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp phổ biến từ 14-16 độ C, vùng núi từ 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.

Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu năm đến nay, để chủ động ứng phó với không khí lạnh, rét đậm. Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ và các cơ quan liên quan chỉ đạo triển khai tăng cường công tác dự báo, thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh.

Sự kiện trong nước 13-19/11: Chính phủ nói không với tăng trần nợ công ảnh 10Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Chủ động ứng phó với đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu năm đến nay

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục