Sự kiện trong nước 13-19/9: Tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em

Hà Nội bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em tại quận Hoàng Mai và sự kiện Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo thiên đường của châu Á là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Hà Nội bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em tại quận Hoàng Mai và Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo thiên đường của châu Á là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Hà Nội: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em tại Hoàng Mai
Những ngày gần đây dư luận xã hội đang vô cùng bức xúc trước các nghi án xâm hại tình dục trẻ em tại 3 địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Cao Mạnh Hùng (sinh năm 1983, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội dâm ô trẻ em.

Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em cho biết mỗi năm có hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Trước tình hình trẻ em bị xâm hại, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đề xuất, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường giáo dục, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị xâm hại.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 1

Xem thêm: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em tại Hoàng Mai

Báo cáo PCI 2016: Vẫn phổ biến tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp
Theo Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, nhìn chung chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện.

Tuy nhiên tại Báo cáo được công bố ngày 14/3, khối doanh nghiệp trong nước vẫn phàn nàn trở ngại lớn nhất đối với họ vẫn là việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng như việc tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý còn thiếu an toàn.

Theo Báo cáo, chỉ số tiếp cận đất đai đã giảm sau khi liên tục tăng trong giai đoạn 2008-2013. Riêng năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng, rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỉ lục (1,73 điểm), chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng trong trường hợp bị thu hồi đất, tỷ lệ này giảm mạnh so với các năm trước đó là 30%-40%.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI khuyến nghị, “nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng thống kê rõ ràng về mối quan hệ chặt chẽ giữa các nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành và sự phát triển của khu vực tư nhân. Do đó, để thúc đẩy hoạt động kinh tế, các địa phương nên chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, cải thiện tính minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Ngoài ra, các chính quyền cần cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng và giảm thiểu các chi phí không chính thức.”

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 2Các đại biểu tại lễ Công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016. (Ảnh: Thi Uyên/Vietnam+)

Xem thêm: Báo cáo PCI 2016: Vẫn phổ biến tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp

Phối hợp, thu xếp hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương
Chiều 15/3, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết đã thông tin về tình hình của Đoàn Thị Hương cho gia đình tại Nam Định.

Theo đề nghị của Đoàn Thị Hương và gia đình, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cùng với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Hiệp hội Luật sư Malaysia thu xếp các biện pháp hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật Malaysia và thông lệ quốc tế.

Sáng cùng ngày, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tới thăm lãnh sự công dân Đoàn Thị Hương.

Tại cuộc gặp, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm hỏi tình hình sức khỏe và sự đối xử nhân đạo đối với công dân Đoàn Thị Hương.

Đoàn Thị Hương cho biết bản thân hiện có sức khỏe tốt và đã bị lừa tham gia vào vụ án sát hại ông Kim Chol, công dân Triều Tiên./.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 3Đoàn Thị Hương. (Nguồn: AFP)

Xem thêm: Phối hợp, thu xếp hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an làm rõ việc đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh
Theo Chinhphu.vn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê," đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê," đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017 về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu./.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 4Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh. (Nguồn: bacninh.gov.vn)

Xem thêm: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an làm rõ việc đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh

"TPP không làm thay đổi xu thế và định hướng hội nhập của Việt Nam"
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã từng là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu.

Song, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sớm phát đi thông cáo cho biết nước Mỹ sẽ rút khỏi TPP.

Với câu hỏi "Mỹ rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng gì tới Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho tiến trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới," Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Đỗ Thắng Hải cho rằng mặc dù rất quan trọng nhưng TPP chỉ là một khuôn khổ hợp tác nhiều bên mà Việt Nam mong muốn tham gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc có TPP hay không sẽ không làm thay đổi xu thế và định hướng hội nhập của Việt Nam. Điều này có thể có tác động nhất định đến các kế hoạch ngắn hạn, nhưng không làm thay đổi các mục đích dài hạn trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 5Công nhân may hàng may mặc xuất khẩu tại Tiền Giang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Xem thêm: "TPP không làm thay đổi xu thế và định hướng hội nhập của Việt Nam"

Sức ép của thị trường thế giới gây áp lực điều chỉnh tỷ giá
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại tiếp tục nâng lãi suất (ngày 16/3), phản ứng của thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn ổn định trong hai ngày qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc điều chỉnh tỷ giá để giữ lợi thế cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc Fed tăng lãi suất cũng có ảnh hưởng tương tự như những lần trước, đồng USD sẽ mạnh lên và nó ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cũng như động thái của thị trường Việt Nam.

Ông Thành dẫn chứng, bối cảnh của nước Mỹ hiện nay đang ổn định và Mỹ sẽ tăng dần lãi suất trong năm, điều này sẽ làm thay đổi cục diện của đồng USD, đồng thời nó làm thay đổi sức mạnh của đồng tiền và là luồng vốn đi ra đi vào.

“Đối với Việt Nam, để ứng xử với những trường hợp như thế này thì phải thay đổi tỷ giá, tức là làm cho VND yếu đi một chút để giữ lợi thế về xuất nhập. ​Cũng có thể chúng ta vẫn chọn theo hướng là giữ đồng USD để tỷ giá ổn định, nhưng như vậy chúng ta sẽ phải tăng lãi suất huy động đối với VND. Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất huy động thì nó sẽ ảnh hưởng đến một loạt thị trường khác, đặc biệt là thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Đó là những điều Việt Nam phải chấp nhận,” ông Thành phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nếu VND không tăng nhiều so với USD thì hàng xuất khẩu sẽ mất sự cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, ông Hiếu kiến nghị, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá khoảng 3% để làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Xem thêm: Sức ép của thị trường thế giới gây áp lực điều chỉnh tỷ giá

Theo đuổi “giấc mơ” công nghiệp ôtô trong bối cảnh hội nhập
Sau 20 năm với mọi nỗ lực, quyết tâm bảo hộ, "giấc mơ" về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã không thành hiện thực.

Không chấp nhận thất bại, trong kế hoạch phát triển của ngành này, Bộ Công Thương tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng với mục tiêu cụ thể, theo đó, trong giai đoạn 2025-2035, sản xuất ôtô sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%.

Tuy nhiên, thời điểm Việt Nam thực hiện cam kết Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, khi đó thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ về mức 0%. Câu hỏi đặt ra là liệu “vết xe đổ” có lặp lại?

Nhìn lại ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sau 20 năm, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết đến nay, tổng năng lực sản xuất-lắp ráp ôtô đạt khoảng 500.000 xe/năm, đáp ứng 70% nhu cầu xe trong nước.

Cùng với sản xuất, lắp ráp xe, bước đầu, Việt Nam đã hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hoài cũng thừa nhận ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra theo cam kết của doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.

Cụ thể, mục tiêu đề ra đối với xe đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân từ 7-10%.

Không chỉ vậy, chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, sản xuất ôtô mới dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản với 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Theo đuổi “giấc mơ” công nghiệp ôtô trong bối cảnh hội nhập

Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo thiên đường của châu Á
Mạng truyền hình cáp CNN (Mỹ) vừa công bố danh sách những hòn đảo thiên đường của châu Á về nghỉ dưỡng với những bãi biển trong xanh và không gian yên bình, trong số này có Côn Đảo của Việt Nam.

CNN gợi ý du khách có thể tới Côn Đảo bằng cách đi máy bay từ thành phố Hồ Chí Minh hoặc đi tàu từ Vũng Tàu.

Theo CNN, thiên đường biển Côn Đảo sở hữu rạn san hô nguyên sơ, những vách đá granit sừng sững tuyệt đẹp, những hàng dừa tươi mát nằm dọc bờ biển màu xanh pha lê óng ánh nắng vàng, những cung đường bộ xuyên rừng và các khách sạn, biệt thự sang trọng ven biển sẵn sàng phục vụ du khách. Bảo tàng cách mạng hoặc các nhà tù thời xưa trên đảo sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn đối với những người đam mê lịch sử.

Trước đó, Côn Đảo đã được tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet tôn vinh trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Địa danh nổi tiếng này cũng có mặt trong top 5 hòn đảo hứa hẹn nhiều bí ẩn kỳ thú đối với khách du lịch trên thế giới, do tạp chí Travel and Leisure bình chọn./.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 8Một góc Côn Đảo. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Xem thêm: Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo thiên đường của châu Á

Phá dỡ nhà thờ Trà Cổ: Công trình nghệ thuật cũng có "tuổi thọ"
Thông tin về việc nhà thờ Trà Cổ, nơi có kiến trúc được đánh giá là đẹp nhất Đông Nam Á, một cảnh quan thu hút du lịch hàng đầu của Móng Cái bị phá dỡ khiến nhiều người xót xa, tiếc nuối.

Theo đại diện Giáo xứ Trà Cổ, nhà thờ xây dựng từ lâu, đã xuống cấp nên nay Giáo xứ phải tiến hành xây mới.

Mặc dù đã trải qua hơn trăm năm (xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ XIX). qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt và nhà thờ đã tu bổ, nhưng sự xuống cấp trầm trọng của nhà thờ hơn trăm năm tuổi này khiến nó không những chỉ không đủ che mưa nắng cho các giáo dân ở mỗi buổi đến cầu nguyện mà còn tiềm ẩn những tai nạn rủi ro cho giáo dân.

Giờ đây, giáo dân cũng như du khách chỉ còn biết hy vọng với những tính toán rất kỹ của giáo xứ Trà Cổ và tòa thánh, sắp tới đây Trà Cổ sẽ có một nhà thờ mới trên nền móng cũ, vẫn mang hồn cốt của một kiến trúc đẹp nghiêm trang mà cổ kính từng có trong quá khứ.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 9Nhà thờ với những đường nét kiến trúc Gothic đặc trưng. ​(Nguồn: Tổng cục Du lịch)

Xem thêm: Phá dỡ nhà thờ Trà Cổ: Công trình nghệ thuật cũng có "tuổi thọ"

Phát triển lúa gạo bền vững: Chú trọng đổi mới 3 "trụ cột"
Theo dự báo của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, năm nay tiếp tục là năm khó khăn và cạnh tranh gay gắt đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức đối với ngành gạo, do đó cần những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững ngành hàng này.

Tại Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra ngày 15/3 tại An Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành hàng lúa gạo đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân.

“Tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt đã hiện hữu và xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn so với kịch bản mà chúng ta đã dự đoán. Những hạn chế trong nội tại của ngành cũng làm giảm năng lực cạnh tranh, chưa tạo được vị thế vững chắc của hạt gạo Việt trên thương trường, các vấn đề về khoa học công nghệ, chọn tạo và sản xuất giống lúa, các quy trình canh tác tổng hợp và trên hết đó là hiệu quả của sản xuất thấp,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Giải pháp căn cơ để phát triển lúa gạo bền vững trong năm nay và những năm tiếp theo, xuất khẩu gạo cần tập trung đổi mới, hoàn thiện 3 trụ cột gồm việc chuẩn bị nguồn hàng, phát triển thị trường và tổ chức xuất khẩu.

Sự kiện trong nước 13-19/9: Bắt tạm giam nghi phạm dâm ô trẻ em ảnh 10Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Xem thêm: Phát triển lúa gạo bền vững: Chú trọng đổi mới 3 "trụ cột"

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục