Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo

Tình tiết mới vụ xét xử PVP Land, Ngày Thơ Việt Nam, khai ấn đền Trần tại Nam Định nằm trong số những sự kiện nổi bật của Việt Nam trong tuần qua.
Vụ tham ô tài sản tại PVP Land: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo, kêu oan
Sau gần 1 tháng Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) cùng 7 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), đến nay, 6 bị cáo trên tổng số 8 bị cáo trong vụ án đã làm đơn kháng cáo.

Hầu hết các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường mà Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 5/2 đã tuyên đối với các bị cáo. Duy chỉ có bị cáo Trịnh Xuân Thanh kháng cáo kêu oan.

Bị cáo Thanh cho rằng bị cáo không tham ô tài sản và bị cáo vô tội, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ kết luận của bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự, dân sự cho bị cáo.

Trước đó, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về tội “Tham ô tài sản."

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) kháng cáo đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét lại tội danh và giảm nhẹ mức hình phạt đối với bị cáo.

Nêu trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân) phân tích việc Tòa cấp sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” và tuyên phạt 6 năm tù là không đúng, do bị cáo không được hưởng lợi gì trong vụ án này. Bị cáo Thoa kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án, đề nghị xem xét bản án và mức hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vietsan) cho rằng mức án 10 năm tù về tội “Tham ô tài sản” mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo là quá cao. Vì vậy, bị cáo Hương đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại hồ sơ vụ án và xem xét lại trách nhiệm của bị cáo trong việc chuyển số tiền 5 tỷ đồng cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng và 14 tỷ đồng cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (thông qua Thắng).

Hiện tại, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn chưa nhận được đơn kháng cáo của 2 bị cáo còn lại trong vụ án là: Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) và Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân).

Trong bản án sơ thẩm tuyên ngày 5/2/2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh 13 năm tù và bị cáo Lê Hòa Bình 8 năm tù về cùng tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 1999.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 1Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nữ dịch giả Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng toàn cầu Andersen năm 2018
Nữ dịch giả văn học thiếu nhi Trần Thị Minh Tâm của Việt Nam là một trong 3 người giành được Giải thưởng Hans Christian Andersen toàn cầu năm 2018.

Giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của dịch giả Trần Thị Minh Tâm trong việc phổ biến rộng rãi các tác phẩm của bậc thầy kể truyện cổ tích Hans Christian Andersen tại Việt Nam.

Hơn 20 năm gắn bó với các tác phẩm văn học Andersen, dịch giả Trần Thị Minh Tâm đã cho ra đời một tuyển tập truyện cổ tích thiếu nhi gồm 100 truyện ngắn. Tuyển tập này đã được tái bản 16 lần và một ấn bản nữa sẽ được phát hành trong năm 2018.

Thông qua các tác phẩm dịch của mình, Trần Thị Minh Tâm đã góp phần đưa thế giới cổ tích đầy màu sắc hấp của Andersen đến với độc giả Việt Nam, truyền cảm hứng cho công chúng không chỉ trong lĩnh vực văn học, mà còn trong các môn nghệ thuật hình ảnh, âm nhạc và kịch.

Giải thưởng Hans Christian Andersen được trao tặng hàng năm nhằm tôn vinh những sứ giả văn học của đại văn hào người Đan Mạch trên toàn cầu, các thành tựu xuất sắc liên quan đến tác phẩm của ông.​

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 2Tượng đại văn hào Đan Mạch Hans Christian Andersen. (Ảnh: Getty Images)
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 năm 2018 chính thức khai mạc sáng 2/3, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tổ chức trong cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm bài thơ "Nguyên tiêu" bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời.

Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng là một hình thức thể nghiệm để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.

Năm nay cũng là lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 27-28/2 và ngày 1-2/3, tức ngày 12-15 tháng Giêng năm Mậu Tuất.

Với chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước," Ngày Thơ hướng tới việc đồng hành với những vấn đề sống còn của dân tộc, của nhân dân; với người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là những con người đang đứng ở "đầu sóng, ngọn gió" bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc. Đó cũng chính là những nhân vật trung tâm của văn học thời kỳ đổi mới, là cảm hứng không bao giờ vơi cạn của nhà thơ cũng như người "lao động văn học" trên cả nước.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 3Người yêu thơ tìm hiểu về chân dung các nhà thơ trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Có 94 ứng viên không đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư sau rà soát
Chiều 1​/3, tại họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết​ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức báo cáo Thủ tướng về việc rà soát lại toàn bộ các ứng viên xét công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

Trong số 1.226 ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư có 94 ứng viên có phản ánh về hồ sơ như chưa đủ đề tài, chưa đủ bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học...

Trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 4(Ảnh minh họa: TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần đầu thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Ấn Độ
Từ ngày 2 đến 4​/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ.

Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào trưa 3/3 theo giờ địa phương, tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô New Delhi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của quan hệ Việt Nam​-Ấn Độ sau hơn 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và tái khẳng định tình hữu nghị thắm thiết, bền chặt giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao, các văn kiện về khuôn khổ quan hệ chính trị đã thông qua; tích cực trao đổi, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của hai nước để tiếp tục đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu.

Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam​-Ấn Độ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh chặng đường phía trước của quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam​-Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội to lớn. Tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hai nước.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc tiếp Chủ tịch Hạ viện Sumitra Mahajan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sushma Swaraj và Nguyên Chủ tịch đảng Quốc đại Sonia Gandhi đến chào.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 5Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Hàng vạn người dự lễ Khai ấn đền Trần trong đêm
Đêm 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), hàng vạn du khách thập phương đã có mặt tại Khu Di tích lịch sử đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tham dự lễ Khai ấn đền Trần Xuân Mậu Tuất năm 2018.

Đây là nghi lễ truyền thống với ý nghĩa cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương.

Khai Ấn, phát Ấn đền Trần nhằm tri ân công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ ra sức phấn đấu học tập, lao động, cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Từ 23 giờ 55 phút đền Trần được mở cửa để nhân dân và du khách vào đi lễ đầu năm.

Theo Ban Tổ chức lễ hội, họ đã chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho nhân dân, du khách từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 2/3 dương lịch) cho đến khi hết ấn.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 6Quang cảnh buổi Lễ khai Ấn đền Trần. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Khai mạc Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh
Tối 3/3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2018 với chủ đề "Duyên dáng Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh" chính thức khai mạc, bắt đầu cho chuỗi hơn 16 hoạt động phong phú, hấp dẫn sẽ diễn ra liên tục ở nhiều địa điểm tại thành phố mang tên Bác.

Đây là sự kiện do Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh chiếc áo dài truyền thống Việt Nam; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc; đồng thời mang đến cho du khách trong và ngoài nước nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích khi lưu trú, trải nghiệm du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2018 sẽ diễn ra đến ngày 25/3, với sự tham gia của hơn 20 nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam.

Hơn 1.200 thiết kế áo dài đặc sắc sẽ được giới thiệu đến công chúng. Đặc biệt, 16 hoạt động liên tục diễn ra tại Lễ hội như màn đồng diễn của hơn 3.000 người trong trang phục áo dài (ngày 4/3); diễn đàn “Nét đẹp áo dài Việt” (ngày 8/3); talk show về áo dài tại các trường học, giao lưu văn hóa Việt Nhật "Áo dài và hoa vải Tsumami"... sẽ là những trải nghiệm thú vị dành cho người dân và du khách khi đến lưu trú tại thành phố trong dịp này.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 7Các thiếu nữ mặc áo dài "cô Ba Sài Gòn". (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
APG gặp sự cố, Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng
​Vào hồi 6 giờ 30 phút ngày ​27/2 đã xảy ra sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway).

Trước đó, vào đầu tháng Một, tuyến cáp quang biển này cũng được sửa chữa. Tuy nhiên, chỉ trong một ngày, việc sửa chữa đã hoàn tất.

Nguyên nhân sự cố cũng như lịch trình cụ thể của việc sửa chữa tuyến cáp trong sự cố lần này chưa được tiết lộ.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, VNPT đã lập tức thực hiện phương án khắc phục như chủ động định tuyến lưu lượng kênh quốc tế sang các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định, phối hợp với đối tác quốc tế bố trí lưu lượng ứng cứu các kênh quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi sự cố.

Phía nhà mạng cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp với đối tác quốc tế khắc phục sự cố sớm nhất có thể để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dùng.

Sự kiện trong nước 26/2-4/3: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo ảnh 8Đường đi của cáp quang biển APG. (Nguồn: Internet)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục