Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm

Sáu vụ đại án tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử trong những tháng cuối năm và GDP cả nước năm nay ước đạt 6,3% là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Sáu vụ đại án tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử trong những tháng cuối năm và GDP cả nước năm nay ước đạt 6,3% là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Đưa sáu vụ đại án tham nhũng ra xét xử trong những tháng cuối năm 2016
Ngày 1/10, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/4 và một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương đưa sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017.

Đó là (1) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank; (2) vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; (3) vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; (4) vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin; (5) vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của năm công ty); (6) vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương. Đồng thời, khẩn trương đưa ra xét xử phúc thẩm sáu vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Đưa sáu vụ đại án tham nhũng ra xét xử trong những tháng cuối năm 2016

Nhiều khả năng GDP cả năm đạt 6,3%, lạm phát dưới mức 5%
Chiều 30/9, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên thường kỳ quý 3/2016 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã phân tích đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2016, dự báo cả năm 2016, triển vọng kinh tế năm 2017 và định hướng các năm tiếp theo, trong đó tập trung các cân đối lớn như chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, cân đối ngân sách và nợ công.

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tại phiên họp cho thấy 9 tháng năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,93%. Ước cả năm, GDP đạt từ 6,3-6,5%, nhiều khả năng đạt mức 6,3%.

Lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,34% so với cùng kỳ. Ước cả năm, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng sẽ được kiểm soát ở dưới mức 5% như Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp hơn cùng kỳ. Tổng đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33,1% GDP, trong đó vốn FDI tiếp tục tăng trưởng khả quan, 9 tháng ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% cao hơn mức tăng 8,4% cùng kỳ. Ước cả năm giải ngân vốn FDI đạt 15,5 tỷ USD.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Nhiều khả năng GDP cả năm đạt 6,3%, lạm phát dưới mức 5%

Vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016
Tối 29/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Forbes Việt Nam đã tổ chức vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016.

Năm nay, các doanh nghiệp lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố gồm: Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty cổ phần Thế giới di động, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...

Tổng vốn hóa thị trường của 50 công ty này đạt 829.010 tỷ đồng, chiếm 64,14% giá trị vốn của hai sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cộng lại (tính đến 16/5/2016). Tổng doanh thu của 50 công ty đạt 47.546 tỷ USD, chiếm 37,77% tổng doanh thu thị trường; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 53.482 tỷ đồng, chiếm 53,08% tổng lợi nhuận của thị trường.

Đánh giá về danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố, bà Lê Thị Hoa, Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank, cho rằng những những đánh giá độc lập, khách quan theo phương pháp của Tạp chí Forbes Việt Nam đã phản ánh đúng chất lượng tài sản và giá trị doanh nghiệp niêm yết. Thông qua đó, góp phần mang lại giá trị thông tin cùng lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 4 Tạp chí Forbes Việt Nam thực hiện công bố danh sách xếp hạng những công ty niêm yết tốt nhất thị trường Việt Nam, từ đó góp phần phản ánh những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam.

Điển hình, kết quả năm 2016 cho thấy các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tiếp tục phát triển mạnh, ngành xây dựng và bất động sản tăng trưởng nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, trong khi ở lĩnh vực dầu khí không có công ty nào lọt vào danh sách.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 3(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Xem thêm: Vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016

Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý 3 ổn định
“80,3% số doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 khá ổn định và tốt hơn quý 2, tuy nhiên vẫn có 19,7% số doanh nghiệp đánh giá còn gặp khó khăn.”

Đây là kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất ổn định và tốt hơn là 85,6%, trong đó có 48,8% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên và 36,8% số doanh nghiệp nghiêng về sự ổn định, song có 14,4% doanh nghiệp được hỏi lại đưa ra dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng - Tổng Cục Thống kê, triển vọng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 4 sẽ khả quan hơn so quý 3, tập trung tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước.

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đạt 629.100 tỷ đồng, tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so. Như vậy, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Theo đó, số việc làm mới sẽ đạt khoảng 928.700 người, bằng 92,9% cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng là 20.510, tăng 59,6% (trước đó, chín tháng năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động gần 102.000 doanh nghiệp.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh quý 3 ổn định

Ban hành định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển
Ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.

Định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh nêu trên.

Cũng liên quan vấn đề sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, Hội Nghề cá Việt Nam vừa có Công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tổng cục Thủy sản) xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác cá tầng đáy.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng - người đứng đầu Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ, bản đồ này cần xác định rõ diện tích vùng biển, vĩ độ và kinh độ đường biên của vùng biển không an toàn, để ngư dân khi khai thác cá tầng đáy có thể nhận biết và không khai thác cá ở những vùng biển này.

Theo nội dung Công văn này, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề xuất việc xây dựng “tờ rơi nhận biết cá biển tầng đáy” phát cho người tiêu dùng. Bởi theo, Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, chỉ có các chuyên gia ngư loại học mới có thể phân biệt chính xác thủy sản biển tầng nổi và tầng đáy.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 5Người phụ nữ này ở tỉnh Quảng Trị phải trông nuôi 5 đứa cháu nội ngoại do bố mẹ chúng đi làm xa sau sự cố môi trường biển. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Ban hành định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam do ngành nông nghiệp giảm sút
Ngày 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2016 đánh giá nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vận hành tốt, nhưng đang bị cản trở bởi một số thách thức.

Theo đó, do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm nên ADB đã có sự điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,0% trong năm 2016 (trước là 6,7%) và 6,3% năm 2017 (trước là 6,5%).

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với giá cả hàng hóa toàn cầu thấp, đã làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay, nhưng các ngành khác có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lĩnh vực chế tạo tăng trưởng hai con số do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài mới đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng trong ngành dịch vụ do thương mại trong nước gia tăng, ngân hàng tăng cường cho vay và khách du lịch đến Việt Nam tăng 25%.”

Cũng theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tăng trong sáu tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng mạnh hơn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam do ngành nông nghiệp giảm sút

Chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8 tỷ USD
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Du lịch, tổng giá trị xuất khẩu tại chỗ (từ chi tiêu của khách quốc tế đến) 9 tháng qua ước đạt 8 tỷ USD - tương đương 175.360 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, tổng số khách quốc tế đến đạt 7.265.380 lượt khách, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Riêng trong tháng Chín, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 28% so với tháng 9/2015, đạt 813.007 lượt khách. Tuy nhiên, so với tháng Tám con số này lại giảm 9,6%. Đây cũng là kết quả các chuyên gia đã dự báo trước đó.

Được coi là năm lên ngôi của du lịch nội địa, tính đến thời điểm này, tổng số khách nội đã đạt 48,8 triệu lượt, trong đó, khách lưu trú đạt 22,5 triệu lượt. Tổng thu từ chi tiêu của khách du lịch nội địa ước đạt 121.801 tỷ đồng.

Tổng thu từ khách du lịch quốc tế và khách trong nước (tổng giá trị xuất khẩu tại chỗ và tổng thu từ khách du lịch nội địa) ước đạt 297.161 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số các thị trường khách quốc tế Việt Nam 9 tháng qua, thống kê cho thấy so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các thị trường đều tăng, trong đó: Hong Kong tăng 79%; Trung Quốc tăng 57,7%; Hàn Quốc tăng 39,9%; Thái Lan tăng 34,1%; New Zealand tăng 31,7%, Italy tăng 31,1%; Tây Ban Nha tăng 27,9%; Nga tăng 26,5%; Hà Lan tăng 24,4%; Thụy Điển tăng 23,8%…. Chỉ có thị trường khách du lịch Campuchia giảm 13,0%.

Các chuyên gia đánh giá đây là mức tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự phục hồi của du lịch Việt Nam sau hơn một năm suy giảm liên tục. Nay lượng khách quốc tế đến đã liên tục tăng trở lại ở mức 2 con số so với năm 2015.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 7Du khách đua thuyền ở Ninh Thuận. (Nguồn ảnh: Amanoi Resort)

Xem thêm: Chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8 tỷ USD

Thị trường lúa gạo: Giá giảm mạnh và tồn kho lớn trong tháng Chín
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong tháng Chín, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm do lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Đông sớm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ.

Đặc biệt, khác với những lần trước, việc trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines lần này không có chút tác động nào đến thị trường lúa gạo trong nước. Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục “rớt giá” mạnh.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm giá gạo trong tháng này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, mặc dù trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo nhưng lượng gạo trúng thầu quá nhỏ so với nguồn cung dự trữ hiện tại. Trong bối cảnh lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Đông sớm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ ở một số nơi nên giá giảm do hiện cung cao hơn cầu.

Tính chung trong 9 tháng năm nay, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn biến theo xu hướng giảm mạnh, với mức giảm từ 400-800 đồng/kg.

Cùng xu hướng giá gạo trong nước thấp, thị trường xuất khẩu gạo trong tháng cũng giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị.

Cụ thể, xuất khẩu gạo giảm đến 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Với khối lượng gạo xuất khẩu tháng Chín ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng qua ước đạt 3,76 triệu tấn và 1,69 tỷ USD.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 8Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Xem thêm: Thị trường lúa gạo: Giá giảm mạnh và tồn kho lớn trong tháng Chín
Chính thức chốt phương án thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017
Chiều 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo, công bố phương án chính thức trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.

Theo đó, phương án thi không có nhiều thay đổi so với dự thảo. Môn thi và hình thức thi không thay đổi. Điểm mới cơ bản là số lượng câu hỏi và thời gian thi bài thi tổ hợp sẽ tăng lên so với dự kiến ban đầu.

Về tổ chức cụm thi, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh của địa phương.

Về bài thi, gồm 5 bài: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa lí đối với giáo dục thường xuyên).

Hình thức thi: các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận.

Thời gian làm bài thi: Toán: 90 phút; Ngữ văn: 120 phút; Ngoại ngữ: 60 phút. Mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội là 50 phút.

Về nội dung thi, chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT. Năm 2018, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 trung học phổ thông. Từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm trung học phổ thông.

Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày của tháng 6: Ngày thứ nhất: sáng: Ngữ văn và Ngoại ngữ; chiều: Toán. Ngày thứ hai: sáng: Khoa học tự nhiên; chiều: Khoa học Xã hội.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 9Học sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Chính thức chốt phương án thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017

Công bố báo cáo môi trường quốc gia: Quản lý yếu kém, ô nhiễm gia tăng
Chiều 29/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, nhằm phác họa bức tranh môi trường Việt Nam với mối hiểm họa ô nhiễm trên các lĩnh vực như đất đai, nguồn nước, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, việc công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia trong 5 năm qua có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải các bon thấp, xanh và bền vững.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là, công tác bảo vệ môi trường tại hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhất là trong bối cảnh hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Diễn giải rõ hơn về những khoảng tối trong “bức tranh môi trường,” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thẳng thắn cho biết: Hiện nay, hoạt động khai thác khoảng sản ở nhiều địa phương còn thiếu sự quản lý chặt chẽ; một số nơi chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, việc người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan đang khiến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, thậm chí một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều khu công nghiệp xả thải, làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao cũng đã và đang “đầu độc” môi trường.

Điển hình như, sự cố ô nhiễm môi trưởng biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vào tháng Tư vừa qua được đánh giá là sự cố ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

Sự kiện trong nước 26/9-2/10: Xử 6 vụ đại án tham nhũng vào cuối năm ảnh 10Ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Xem thêm: Công bố báo cáo môi trường quốc gia: Quản lý yếu kém, ô nhiễm gia tăng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục