Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương

​Thủ tướng hài lòng với việc tháo dỡ, trả vỉa hè cho người đi bộ và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia hỗ trợ tìm luật sư bảo vệ nghi phạm Đoàn Thị Hương là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

​Thủ tướng hài lòng với việc tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia hỗ trợ tìm luật sư bảo vệ nghi phạm Đoàn Thị Hương là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng: Cần có giải pháp quyết liệt để đạt tăng trưởng 6,7%
Sáng 1/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Phiên họp nhằm đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội tháng 2, tháng đầu tiên sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác xây dựng thể chế, kỷ luật, kỷ cương công vụ và các vấn đề an sinh, xã hội khác.

Thủ tướng cho biết, các nhận định, dự báo của các cơ quan, tổ chức quốc tế đều cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khá, nhưng chưa có đánh giá nào nhận định kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2017. Đây là một thách thức đối với công tác quản lý điều hành kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng nói.

Công tác thu hút đầu tư nước ngoài, lượng khách du lịch đến Việt Nam đều tăng đột biến; trong đó chỉ riêng tháng 2, các cơ quan chức năng đã cấp giấy phép đến 2,2 tỷ USD FDI; tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập tăng… là những tín hiệu đáng mừng.

Về tình hình chung, Thủ tướng đánh giá kinh tế vĩ mô của đất nước tương đối ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,23%.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước để có những phân tích, biện pháp phản ứng nhanh chóng, cụ thể và phù hợp hơn nhằm đảm bảo tăng trưởng tốt và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng chỉ đạo cần sớm có các giải pháp khắc phục các tồn tại như giá nông sản trong nước còn thấp, năng suất lao động còn thấp, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn.

Thủ tướng cũng đề nghị các cấp chính quyền lưu ý trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên vật liệu, lãi suất USD để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2017. Thủ tướng nhấn mạnh đây là một chỉ tiêu rất khó thực hiện theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, bởi vậy cần có sự phối hợp, kiểm soát hết sức chặt chẽ, nhuần nhuyễn với các giải pháp phù hợp giữa các bộ, ngành nhất là giải pháp quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mỗi bộ, ngành cần có kịch bản tăng trưởng và giải pháp quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng: Cần có giải pháp quyết liệt để đạt tăng trưởng 6,7%

Hỗ trợ tìm luật sư bảo vệ quyền lợi cho công dân Đoàn Thị Hương
Theo trang Thông tin Chính phủ, sáng 1/3, sau khi hết thời hạn tạm giữ 14 ngày, các nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, trong đó có công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, đã được đưa ra Tòa án quận Sepang, bang Selangor, Malaysia để nghe công tố viên đọc bản luận tội.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho công dân Đoàn Thị Hương tại phiên tòa.

Ngày 2/3, đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với gia đình công dân Đoàn Thị Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Trước đó, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã thông báo cho gia đình công dân Đoàn Thị Hương về việc thăm lãnh sự và sức khỏe của Đoàn Thị Hương.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang tiếp tục triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong phạm vi thẩm quyền để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử, cũng như đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ tìm luật sư phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại .

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 2Nghi phạm Đoàn Thị Hương (áo vàng) che mặt khi bị cảnh sát áp giải tới phiên tòa. (Ảnh: AFP)

Xem thêm: Hỗ trợ tìm luật sư bảo vệ quyền lợi cho công dân Đoàn Thị Hương

Hải quân làm Lễ thượng cờ hai tàu ngầm Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu
Sáng 28/2, tại Quân cảng Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân long trọng tổ chức Lễ thượng cờ cho hai tàu ngầm: Tàu 186 mang tên Đà Nẵng và Tàu 187 mang tên Bà Rịa Vũng Tàu.

Đây là hai chiếc tàu ngầm cuối cùng trong số 6 tàu ngầm hiện đại được Liên bang Nga đóng mới theo hợp đồng ký kết giữa hai bên từ năm 2009 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự, chứng kiến Lễ Thượng cờ và động viên, căn dặn cán bộ, chiến sỹ Hải quân và chỉ huy, thuyền viên làm nhiệm vụ trên hai tàu.

Theo hợp đồng giữa hai bên, từ năm 2009 đến nay, Quân chủng Hải Quân đã lần lượt tiếp nhận 4 tàu ngầm trước đó gồm: Tháng 1/2014: Tàu 182-Hà Nội; Tháng 3/2014: Tàu 183-Thành phố Hồ Chí Minh; Tháng 2/2015: Tàu 184​-Hải Phòng; Tháng 6/2015: Tàu 185 Khánh Hòa; Tháng 2/2016: Tàu 186​-Đà Nẵng và Tháng 1/2017: Tàu 187​-Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ, chiến sỹ tàu 187 - Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Hải quân làm Lễ thượng cờ hai tàu ngầm Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu

Việt Nam phản đối Quy chế nghỉ đánh bắt cá trên biển của Trung Quốc
Ngày 28/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo chính thức điều chỉnh và áp dụng Quy chế mới về nghỉ đánh bắt cá trên biển, phạm vi áp dụng bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh:

“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ Quy chế này của phía Trung Quốc.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Quyết định đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng”./.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 4Tàu cá của ngư dân chuẩn bị ra khơi. (Ảnh: Thế Lập/Vietnam+)

Xem thêm: Việt Nam phản đối Quy chế nghỉ đánh bắt cá trên biển của Trung Quốc

Đại án Oceanbank: Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm
Sáng 27/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - Oceanbank) cùng các đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281 và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ Luật Hình sự.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Cáo trạng nêu rõ, trong thời gian giữ cương vị cao nhất tại Oceanbank, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cấp dưới giải quyết cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng) vay tiền thông qua Công ty Trung Dung nhưng không đảm bảo các điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo và sử dụng vốn vay không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 350 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Xuân Sơn, trong thời gian được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cử sang Oceanbank tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức vụ Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank, lợi dụng sự phụ thuộc của Oceanbank về lượng tiền gửi rất lớn của PVN, vì mục đích và động cơ cá nhân, Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua Công ty BSC trái quy định của Ngân hàng Nhà nước để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Chủ trương này của Sơn và Thắm đã gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng gần 69 tỷ đồng.

Cuối năm 2010, Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển trở lại và được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc PVN nhưng vẫn tiến cử Nguyễn Minh Thu (khi đó là Phó Tổng Giám đốc Oceanbank) giữ chức Tổng Giám đốc, đồng thời đề nghị Thắm cho Thu tiếp tục phụ trách công tác huy động vốn.Với cùng cách thức trả lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi như nêu trên, trong thời gian giữ chức Tổng Giám đốc Oceanbank, Nguyễn Minh Thu đã chỉ đạo cấp dưới, các khối, ban nghiệp vụ thuộc hội sở và các chi nhánh của hệ ngân hàng này thực hiện việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định: Hà Văn Thắm là người ra chủ trương chi trả lãi ngoài huy động vốn trên toàn hệ thống Oceanbank, trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Minh Thu (khi đó là Tổng Giám đốc Oceanbank) tự quyết định việc chăm sóc khách hàng, chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng; đồng thời chỉ đạo cán bộ, nhân viên chi trả lãi ngoài cho các khách hàng trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn, gây thiệt hại cho Oceanbank.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 20 ngày.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 5Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Xem thêm: Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm

Xử lý vụ Formosa: "Không có ngoại lệ, không có vùng cấm"
Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc nghiêm túc, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong vụ Formosa theo đúng tinh thần không có ngoại lệ, vùng cấm.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu lên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 1/3.

Theo Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và thông báo kết luận liên quan tới các tổ chức, cá nhân trong vụ Formosa. Đây là việc làm theo Bộ trưởng được người dân đồng tình và đúng như lời Tổng Bí thư là “không có ngoại lệ, không có vùng cấm.”

Tinh thần chỉ đạo theo Bộ trưởng là tiếp tục rà soát, xem xét các nội dung thuộc thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, nếu có vi phạm, sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.

“Hiện Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan tiếp tục làm rõ vấn đề,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Trước đó, ngày 22/2, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận các nội dung liên quan tới dự án Formosa. Cụ thể, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cá nhân liên quan giai đoạn 2008-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.

Ngoài ra, Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Xử lý vụ Formosa: "Không có ngoại lệ, không có vùng cấm"

Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC 2017 
Trong hai ngày 2 và 3/3, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017.

Gần 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC)… đã tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu khởi động triển khai các kế hoạch hành động chung nhằm mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực để người dân, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung tận dụng được các cơ hội của một thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng.

Trước đó, từ ngày 18/2 đến 3/3, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 và các cuộc họp liên quan, các nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Cụ thể hóa các nội hàm, đề xuất các sáng kiến triển khai 4 ưu tiên của Năm APEC 2017; thảo luận Kế hoạch triển khai các ưu tiên của 4 Ủy ban về thương mại và đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, ngân sách và quản lý và các nhóm công tác liên quan của APEC; định hướng các hoạt động của Diễn đàn trong năm 2017.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 7Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn và các đại biểu Việt Nam tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Xem thêm: Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC 2017

Nhật hoàng và Hoàng hậu kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam
Trưa 5/3, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3/2017 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu đã hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang và dự Quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chủ trì; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; dự Tiệc trà do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì. Nhân dịp này, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu đã đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước; tin tưởng chuyến thăm của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu góp phần tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và tình cảm giữa nhân dân hai nước, qua đó phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu đã tiếp nhân viên tình nguyện của Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; giao lưu với các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Nhật Bản; gặp cộng đồng người Nhật tại Việt Nam; gặp gia đình các cựu binh Nhật đang sống tại Việt Nam; thăm Bảo tàng Sinh học (Đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội); thăm Đại Nội và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường; thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu./.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 8Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân hội kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Xem thêm: Nhật hoàng và Hoàng hậu kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam

Thủ tướng hài lòng với việc tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 sáng 1/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng với nhiều cách làm tích cực, tinh thần quyết tâm của một số bộ, ngành, địa phương thời gian qua trong công tác quản lý Nhà nước.

Tiêu biểu như thái độ quyết liệt của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc ra quân tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ; Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe máy cũ nát và dẹp bỏ vỉa hè nội đô.

“Người dân mong muốn có một hành lang, vỉa hè đi bộ đúng nghĩa. Vỉa hè này ta hiểu là thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói nói trong buổi họp báo Chính phủ cùng ngày.

Việc lấn chiếm vỉa hè theo Bộ trưởng “không cẩn thận sẽ có lợi ích nhóm” như chỗ gửi xe, bán hàng. Bởi vây, ông khẳng định lại, việc giải tỏa những hành vi lấn chiếm vỉa hè là cần thiết.

Việc các lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo theo Bộ trưởng “có lẽ trước nay chưa từng có” và là việc cần làm. Sau hành động tích cực của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng cũng cho biết, các địa phương khác cũng đang làm quyết liệt vấn đề xử lý lấn chiếm vỉa hè.

“Nếu ta không có động thái mạnh mẽ, cứng rắn thì vấn đề lấn chiếm vỉa hè sẽ tái diễn thường xuyên,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 9Xử lý ôtô đỗ lấn chiếm vỉa hè, lề đường ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng hài lòng với việc tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ
Lễ hội hoa hồng Bulgaria ở Hà Nội bị tố "treo đầu dê, bán thịt chó"
Lễ hội hoa hồng Bulgaria lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội đã bị phàn nàn vì cảnh hoa héo úa, sử dụng hoa giả, nhất là tình trạng phe vé lộng hành.

"Lễ hội hoa hồng Bulgaria và bạn bè" khai mạc vào sáng 3/3, theo kế hoạch kéo dài đến ngày 8/3 tại đảo Công viên Thống Nhất. Những lời quảng cáo rầm rộ của Ban tổ chức trước đó cho biết đây là lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, quy tụ 300 loài hoa hồng đặc trưng trên thế giới và các chế phẩm hoa hồng đến từ Bulgaria, biến đảo Công viên Thống Nhất thành thiên đường của hoa hồng, cùng nhiều sự kiện tôn vinh văn hóa hoa hồng khác.

Tuy nhiên, ngay trong buổi khai mạc đã xảy ra tình trạng lộn xộn, gây bức xúc cho khách tham quan. Khách mua vé vào tham quan lễ hội hoa hồng sáng 3/3 nhưng đợi đến gần trưa vẫn không được vào vì Ban tổ chức yêu cầu khai mạc xong mới đón khách đại trà. Tuy vậy, trong vé không ghi rõ thời gian quy định vào tham quan lễ hội.

Nhiều người bức xúc đòi trả lại vé gây tình trạng lộn xộn tại cổng lễ hội kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Hơn nữa, một lượng lớn hoa trang trí ở lễ hội là hoa giả hoặc hoa thật thì cũng nhiều hoa đã héo rũ, gần tàn và số lượng hoa trang trí rất ít khiến mọi người thất vọng. Trong khi đó, giá vé bán ra khá đắt, ngày thường vé người lớn có giá 120.000 đồng/vé, ngày Chủ nhật và khai mạc 150.000 đồng/vé.

Sự kiện trong nước 27/2-5/3: Tìm luật sư bảo vệ cho Đoàn Thị Hương ảnh 10Rất nhiều người đến tham dự lễ hội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Xem thêm: Nhiều người đòi lại tiền vé vì bức xúc với "Lễ hội hoa hồng Bulgaria"

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục