Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm

Ngôi làng châu Âu tại Hà Nôi, thực hư chuyện mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, thi hành kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nằm trong số những sự kiện nổi bật của Việt Nam tuần qua.
"Những ngày châu Âu 2018" tại Hà Nội
Tối 4/5, tại Hà Nội, kỷ niệm Ngày châu Âu (9/5), Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Đại sứ quán các quốc gia thành viên và các Trung tâm Văn hóa châu Âu tổ chức Chương trình "Những ngày châu Âu 2018" tại Hà Nội.

Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết ngày châu Âu (9/5) là một ngày đặc biệt kỷ niệm sự hội nhập chính trị trên lục địa châu Âu. Quá trình này đã giúp Liên minh châu Âu tránh được chiến tranh có thể xảy ra cũng như sự tàn phá của nó.

Ông Bruno Angelet nhấn mạnh, các hoạt động của chương trình diễn ra ngay tại trung tâm văn hóa của Hà Nội cũng nhằm mục đích đưa văn hóa của châu Âu đến gần hơn với người dân Việt Nam.

Điểm nhấn đặc biệt trong "Những ngày châu Âu 2018" là Chương trình "Ngôi làng châu Âu," mang đậm nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của châu Âu từ nghệ thuật, ẩm thực đến phong cách sống và diễn ra ngay tại Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội trong ba ngày từ ngày 4- 6/5.

Khách tham quan tới "Ngôi làng châu Âu" sẽ có cơ hội trải nghiệm một không khí châu Âu qua 30 sự kiện phong phú từ hòa nhạc, thể thao, chương trình biểu diễn văn hóa, thời trang, tới các trò chơi sáng tạo dành cho trẻ em và các hoạt động tương tác kiến thức thú vị...

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 1Tiết mục biểu diễn đi cà kheo của các nghệ sỹ đến từ Vương quốc Bỉ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017
Sáng 2/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị công bố chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 (PAR INDEX 2017) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017).

Kết quả Chỉ số PAR INDEX 2017 được công bố tại Hội nghị cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu danh sách khối bộ, ngành với điểm số đạt được là 92,36%, Ủy ban Dân tộc đứng cuối bảng với 72,13% điểm, khoảng cách chênh lệch giữa hai đơn vị này là 20,23%.

Về PAR INDEX của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: năm 2017, được đánh giá là có nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy lãnh đạo của các địa phương dành sự quan tâm tới cải cách hành chính. Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng với 89,45 điểm, tỉnh Quảng Nam có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.

SIPAS 2017 cho thấy tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí đối với người dân, tổ chức trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công hiện nay vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố. 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 2(Ảnh minh hoạ: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can vụ vỏ cà phê trộn sỏi và nhuộm than pin tại Đắk Nông
Ngày 4/5, liên quan đến vụ pha trộn hỗn hợp tại cơ sở thu mua nông sản, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu-Công an tỉnh Đắk Nông cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với 5 bị can về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự.

Các bị can bị khởi tố gồm Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1975, hộ khẩu thường trú ở thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông; Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông; Phan Thị Dung, sinh năm 1962, hộ khẩu thường trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; Lê Thị Hồng Thơ, sinh năm 1979, hộ khẩu thường trú ở thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông; Trần Ngưỡng (Trần Văn Tuấn), sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Trước đó, từ ngày 15 đến 17/4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Chi cục Quản lý nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông) tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện tại cơ sở thu mua nông do bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông làm chủ, đang sử dụng dung dịch màu đen (nước hòa với bột than lấy từ lõi cục pin), để ngâm, tẩm, nhuộm đen hỗn hợp (gồm: vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ khoảng 0,5-3,0mm), dùng cối trộn bêtông trộn hỗn hợp, sau đó sấy khô, đóng bao để đưa đi tiêu thụ.

Sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Đắk Nông đã điều tra, xác minh. Căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phê chuẩn.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 3Chế biến càphê bẩn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan. (Nguồn: TTXVN phát)
Công bố kết quả thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới
Chiều 3/5, Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây là lần đầu tiên, việc thực nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện.

Thực nghiệm được tiến hành ở 6 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ - đại diện cho 6 vùng kinh tế- xã hội trên cả nước. Mỗi vùng chọn 1 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau.

Kết quả thực nghiệm cho thấy, chương trình các môn học đã xác định đúng các phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển cho học sinh.

Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học, chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh.

Tuy nhiên, một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó. Một số bài học vẫn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học…

Đây là những hạn chế, bất cập cần được mỗi nhóm tác giả Chương trình môn học nghiêm túc xem xét và khắc phục trong thời gian tới.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 4(Ảnh minh họa: TTXVN)
Chùa Đọi Sơn, Hà Nam được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
Ngày 3-5-2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn năm 2018.

Chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có tên chữ là Diên Linh tự.

Chùa do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng vào năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121.

Chùa Long Đọi Sơn được xây dựng trên đỉnh núi, trong khuôn viên 2 ha vườn rừng. Đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa và tháp đã bị phá hủy hoàn toàn. Dưới thời Hậu Lê, Mạc, Nguyễn, chùa được xây dựng và tu tạo liên tục dần dân khôi phục được kiến trúc.

Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2028/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tuyên tỉnh Hà Nam là Di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức hằng năm vào ngày 21 tháng 3 âm lịch và đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn nói riêng, huyện Duy Tiên nói chung.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 5Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Duy Tiên và sư trụ trì Chùa Đọi Sơn. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Phản ứng của Việt Nam về Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Ngày 4/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Cũng như với các nước khác, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam coi đây là phương thức hiệu quả nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giải quyết những vấn đề hai bên còn khác biệt”.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 6Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ban Bí thư thi hành kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai
Ngày 4/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 111-TTr/UBKTTW, ngày 27/4/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ban Bí thư nhận thấy nững vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí.

Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 7Bà Phan Thị Mỹ Thanh. (Nguồn: TTXVN)
Tranh cãi xung quanh bản đồ Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000
Chiều 6/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định không có chuyện không có bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 và cũng không thể có chuyện mất bản đồ này như thông tin của nhiều người đưa ra trong thời gian qua.

Hiện tại bản thân ông Võ Viết Thanh đang giữ 13 tấm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại nhà riêng, trong đó mỗi bản đồ quy hoạch cho từng lĩnh vực khác nhau như điện, nước, giao thông.

Trước đó, thông tin về bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác lưu trữ không tìm thấy bản gốc bản đồ chứ không phải không có, các bộ, ngành cũng đang tìm kiếm.

Còn theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nhiều bản đồ quy hoạch. Dự án này có 2 lần điều chỉnh quy hoạch, một lần là theo quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996 và một lần là điều chỉnh quy hoạch năm 2005.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc không có bản đồ quy hoạch kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến nhiều người dân bị giải tỏa khiếu nại, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch trong khi thành phố lại cố tình đưa vào ranh để tiến hành giải tỏa.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, bản đồ khu đô thị Thủ Thiêm bị thất lạc là bản từ năm 1996 hiện đã được thay thế bằng bản đồ khác.

Nói thông tin trên tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/5, ông Hùng cho biết thêm, bản đồ khu vực Thủ Thiêm có nhiều loại bao gồm bản quy hoạch chung và quy hoạch riêng. Chưa kể, bản đồ còn được phê duyệt quy hoạch qua 2 lần, 1 lần năm 1996 và lần 2 là năm 2005.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, khu đô thị Thủ Thiêm hiện đang được triển khai dự án theo bản quy hoạch của năm 2005.

“Bản đồ bị thất lạc là bản quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Về pháp lý, cái này đã được thay thế bằng bản đồ năm 2005,” ông Hùng nói.

Sự kiện trong nước 30/4-6/5: Thực hư thông tin về bản đồ Thủ Thiêm ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục