Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết

Việt Nam hoan nghênh nghị quyết bãi bỏ giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ và hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 11 người tử vong là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết bãi bỏ giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ và hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 11 người tử vong là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 30/5-5/6:

Kiềm chế lạm phát, khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững
Ngày 2/6, Chính phủ dành trọn một ngày trong họp Phiên thường kỳ tháng Năm để đánh giá, phân tích kỹ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm; đồng thời thống nhất những giải pháp quan trọng tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Cuối buổi làm việc chiều 2/6, kết luận Phiên họp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc chống tư tưởng chủ quan trong kiềm chế lạm phát; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để huy động nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành triển khai hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành quyết đoán, tích cực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đề cao vai trò người đứng đầu trong quản lý điều hành với tư cách tư lệnh lĩnh vực để sớm có những chuyển biến tốt trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Kiềm chế lạm phát, khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững

Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ bãi bỏ giám sát cá da trơn
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Đây là chương trình gây tốn kém không cần thiết và có thể trở thành hàng rào thương mại phi thuế quan, vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tinh thần Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)."

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc ngày 25/5, Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua dự thảo Nghị quyết lưỡng viện số 28 đồng ý bãi bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ngày 31/5, ông Lê Hải Bình nêu rõ: "Chúng tôi đánh giá cao việc Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự thảo Nghị quyết bãi bỏ chương trình trên."

"Đây là bước đi đúng đắn, góp phần thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với các cơ chế thương mại song phương và đa phương với Việt Nam, phù hợp với bước phát triển mới của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ thể hiện rõ qua chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Việt Nam kêu gọi Hạ viện và Chính quyền Hoa Kỳ sớm có các bước đi tiếp theo để dỡ bỏ hoàn toàn chương trình này.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 2Chế biến cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết bãi bỏ giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ

22 tỷ vốn vay ODA sẽ được giải ngân theo đúng tiến độ
Trước thông tin về khoản vốn vay ODA 22 tỷ USD đã ký kết nhưng chưa được giải ngân (thống kê của Bộ Tài chính) gây lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án, ngày 2/6, trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5/2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.

Hiện, còn khoảng 22 tỷ USD đã ký kết đang trong quá trình thực hiện; trong đó có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 3Đường vành đai 3 thành phố Hà Nội từ ngã tư Mai Dịch đến điểm đầu của cầu Thanh Trì, với tổng vốn đầu tư 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xem thêm: 22 tỷ vốn vay ODA sẽ được giải ngân theo đúng tiến độ cam kết

Doanh nghiệp Việt gần như "vô hình" với thế giới trực tuyến
Lợi ích từ nền kinh tế số đem lại là rất rõ ràng, song khảo sát của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự đón nhận và ứng dụng công nghệ số trong việc kinh doanh, đem lại hiệu quả cao.

Tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” do VCCI phối hợp cùng Công ty Google châu Á Thái Bình Dương tổ chức sáng 2/6, ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho hay, hiện nay có tới 97% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ.

Khảo sát mẫu trên toàn quốc của VCCI cho thấy, có tới 95% doanh nghiệp sử dụng internet, 80% sử dụng email. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ thông tin hiện còn chưa hiệu quả chiếm tới 59%; chỉ có 35% sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ...

Ông Kevin O’Kane, Giám đốc điều hành khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Google châu Á, Thái Bình Dương cho rằng, mỗi doanh nghiệp dù hoạt động ở bất cứ ngành nghề nào đều có thể trở thành doanh nghiệp thương mại điện tử vì Việt Nam đã có sẵn lượng khách hàng kết nối trực tuyến và trên nền tảng di động.

Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa thể cung cấp trải nghiệm thương mại di động tốt, thậm chí còn chưa triển khai thương mại điện tử. Điều này khiến các doanh nghiệp gần như “vô hình” với thế giới đang kết nối trực tuyến.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 4Ảnh minh hoạ. (Nguồn: www.huffingtonpost.com)

Xem thêm: Phần lớn doanh nghiệp Việt gần như "vô hình" với thế giới trực tuyến

Hai mươi năm nữa Hà Nội sẽ đạt tiêu chuẩn siêu thành phố
“Hai mươi năm nữa Hà Nội sẽ đạt tiêu chuẩn phát triển của một siêu thành phố. Hà Nội sẽ chuyển mô hình hướng tâm tập trung vùng nội đô sang mô hình hướng biên, phát triển các khu vực ngoại vi,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị "Hà Nội 2016-Hợp tác đầu tư và phát triển", ngày 4/6.

Bộ trưởng Dũng phân tích, việc tạo điều kiện mở rộng thành phố, nhằm giảm sức ép về dân số cũng như kéo giãn đối với tất cả các hoạt động trong khu vực trung tâm. Như vậy, với việc diện tích thành phố được mở rộng và phát triển hướng biên trên nền tảng năm thành phố vệ tinh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhà đầu tư trong các lĩnh vực, hạ tầng, giao thông đô thị, bất động sản…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề xuất, Hà Nội có thể xem xét phát triển ​năm thành phố vệ tinh theo hướng chuyên đề như thành phố khoa học, thành phố công nghệ cao, thành phố tài chính, thành phố dịch vụ…, các thành phố có sự kết nối với nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hơn thế nữa, điểm nhấn trong sự phát triển của Hà Nội còn hướng tới một đô thị xanh.

“Không chỉ phát triển diện tích mặt nước, cây xanh và môi trường, mà thành phố còn phải xây dựng định hướng tăng trưởng xanh, theo đó khuyến khích và thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực. Nhất là trong các ngành khoa học công nghệ, khoa học quản lý sản xuất-kinh doanh, trung tâm ứng dụng cộng nghệ, vườn ươm doanh nghiệp…”

Với những động thái này, ông tin tưởng Hà Nội sẽ phát triển theo hướng nền kinh tế tri thức, đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 5Hội nghị "Hà Nội 2016-Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra ngày 4/6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xem thêm: Hà Nội cần khoảng 2,6 triệu tỷ đồng đầu tư trong 5 năm tới

Liên tiếp các vụ tai nạn nghiêm trọng, 11 người tử vong
Trong tuần qua đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó một vụ nổ xe khách ở Lào đã khiến 8 người Việt tử vong và vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn làm 3 người chết.

Cụ thể, vào lúc 4 giờ sáng 2/6, trên địa bàn huyện Bualapha, tỉnh Khammuane, Lào, cách cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình khoảng 15km, đã xảy ra vụ nổ xe khách mang biển kiểm soát Lào UN 3897 (do cơ quan chức năng của Lào cấp) làm 8 người chết, 3 người bị thương.

Các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn đều là người Việt Nam, quê ở tỉnh Nghệ An. Tại hiện trường vương vãi nhiều vỏ pháo nổ dạng bi tròn có màu đen. Khối lượng pháo gây vụ nổ ước tính khoảng 200kg.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương, đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Lào khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào xử lý, khắc phục hậu quả, cứu chữa các nạn nhân trong vụ tai nạn nhằm giảm tối đa thiệt hại về người; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục sớm đưa các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn về quê mai táng.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình, Nghệ An tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải liên vận giữa Việt Nam và Lào đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn hai tỉnh.

Vào khoảng hơn 20 giờ ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa-0016 đang chở khách trên sông Hàn (Đà Nẵng) đã bị lật và chìm. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người quy định.

Đến nay, đã xác định tổng số 56 người có mặt trên tàu, trong đó có 53 khách (4 người nước ngoài, quốc tịch Malaysia) và 3 nhân viên của tàu. Ba người tử vong gồm: Phạm Tấn Cường (1970), quê ở tỉnh Bình Định; hai chị em ruột Trịnh Kim Phượng (2009) và Trịnh Tiến Huy (2012) ở tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế tích cực điều trị cho các nạn nhân đang nằm tại các bệnh viện và chăm sóc cho người nhà nạn nhân; hỗ trợ kinh phí mỗi nạn nhân là 1 triệu đồng và tiền tàu xe, phương tiện để các nạn nhân trở về địa phương. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vả xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc theo quy định của pháp luật.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 6Hiện trường vụ nổ và cháy xe khách Việt trên đất Lào. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Kết luận ban đầu nói vụ nổ xe ở Lào có thể do pháo gây ra

Nóng vấn đề chạy trường, chạy lớp, Bộ Giáo dục "siết" mở lớp chọn
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước yêu cầu khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp.

Tuy nhiên, hiện tượng chạy trường, chạy lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.

Để khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tổ chức tuyển sinh đảm bảo quyền được học tập của học sinh, công khai, minh bạch và thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục của địa phương.

Bộ cũng yêu cầu các cơ sở nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kỳ hình thức nào.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 7(Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Xem thêm: Nóng vấn đề chạy trường, chạy lớp, Bộ Giáo dục "siết" mở lớp chọn

Sẽ có thêm đường băng, sân đỗ máy bay tránh quá tải sân bay Nội Bài
Quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài có nhà ga T3, T4 nhưng đại diện ngành giao thông cho biết, việc xây mới 2 nhà ga trên có thể mất 10 năm và không kịp đáp ứng nhu cầu trước mắt.

Cho biết trong phiên họp báo Chính phủ tối 2/6, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, trong tổng thể quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt cho sân bay Nội Bài có 4 nhà ga là: T1, T2, T3 và T4.

Hiện tại, nhà ga T1 và T2 đã hoàn thiện, còn lại nhà T3, T4 dự kiến sẽ xây dựng đối diện qua trục đường trước 2 nhà ga hiện tại.

Theo ông Trường, tốc độ tăng trưởng hàng không những năm qua tương đối lớn, khoảng 14-17% mỗi năm. Dự báo, trong năm nay, sân bay sẽ đón khoảng 17 triệu khách, tới năm 2017, con số này dự kiến lên khoảng 19,4 triệu và tới năm 2020, sân bay sẽ đón khoảng 20 triệu khách/năm.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nếu xây mới nhà ga T3, T4 thì đây sẽ là dự án lớn, cần thời gian ít nhất 5-7 năm hoặc thậm chí 10 năm. Tiến độ trên sẽ không đáp ứng được tình trạng quá tải trong thời gian tới.

Do vậy, ngành giao thông đã giao đơn vị liên quan mở rộng nhà ga T1, T2 hiện tại theo hướng có thể đáp ứng ít nhất 20-25 triệu hành khách mỗi năm. Phương án sơ bộ được ông đề cập tới là xây thêm 1 đường hạ cánh nâng tổng số đường băng hạ cánh lên con số 3.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 8Nhà ga T2 hiện đại nhất Việt Nam nhìn từ trên cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xem thêm: Sẽ có thêm đường băng, sân đỗ máy bay tránh quá tải sân bay Nội Bài

Đợt nắng nóng đầu tiên trong năm khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn
Trong tuần qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng lớn nhất từ đầu mùa hè tới nay, với nhiệt độ lên tới 40 độ C.

Thời tiết khắc nghiệt khiến cuộc sống người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và Thủ đô có nhiều xáo trộn, gây bất lợi trong sinh hoạt thường ngày.

Ngay từ đầu giờ sáng, thời tiết đã trở nên oi nóng và đặc biệt tăng cao vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Với những người không có nhu cầu giải quyết công việc cấp bách, mọi người thường lựa chọn giải pháp tránh nắng ở nhà.

Ngay cả những người có cuộc sống mưu sinh ngoài đường phố, trong thời điểm nhiệt độ tăng cao, họ cũng tìm những tán cây trú nắng, gìn giữ sức khỏe.

Đường phố Hà Nội trở nên thông thoáng hơn vào thời điểm cao điểm, bởi lượng người đi lại ít hơn ngày thường. Trong dịp này, hàng chống nóng được tiêu thụ mạnh, các bể bơi trở nên đông đúc, quá tải.

Sự kiện trong nước 30/5-5/6: Đau lòng 2 vụ tai nạn khiến 11 người chết ảnh 9Người dân phải trang bị đầy đủ các trang phục tránh nắng nóng mỗi khi ra đường trong những ngày nắng nóng. (Ảnh: TTXVN)

Xem thêm: Người Hà Nội gồng mình chống chọi với nắng nóng trên 40 độ C

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục