Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam, hai loại hình dân gian trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam ghi dấu tại Festival thể thao khuyết tật thế giới nằm trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
Ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam vì liên quan đến 2 vụ án kinh tế
Ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 522/C46 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46 đối với ông Đinh La Thăng để làm rõ liên quan của ông này đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra hai vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 456/NQ- UBTVQH14 ngày 08/12/2017 “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV”.​

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 1Ông Đinh La Thăng. (Nguồn: TTXVN)
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Ngày 7​/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.

Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.

Đến ngày 8/12, Hát Xoan Phú Thọ cũng đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Như vậy, Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó đã có: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017), Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (được công nhận năm 2016); Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines (hồ sơ đa quốc gia năm 2015); Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010); Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Nhã nhạc cung đình Huế (2003). Ngoài ra Việt Nam còn có 01 di sản văn hóa khác cần bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO công nhận là: Ca trù.

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 2Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)
Lê Văn Công phá kỷ lục người khuyết tật thế giới
Sáng 5​/12, lực sỹ Lê Văn Công đã giành Huy chương ​Vàng đồng thời phá kỷ lục thế giới tại Festival thể thao khuyết tật thế giới đang diễn ra tại Mexico.

Ở lần đẩy thứ hai, Lê Văn Công đã giành Huy chương Vàng với thành tích 181 kg.

Sang lần đẩy thứ ba, Lê Văn Công nâng mức tạ lên 183,5 kg nhưng không thành công.

Tuy nhiên, do là người giành Huy chương Vang, Lê Văn Công được thực hiện thêm lần thứ tư và anh đã xác lập kỷ lục thế giới mới của người khuyết tật là 183,5kg (hơn 0,5 kg so với kỷ lục cũ của chính mình).

Chiến thắng tại Mexico là tấm Huy chương Vàng thế giới thứ 2 liên tiếp của Văn Công trong 2 năm qua. Trước đó, anh cũng phá kỷ lục thế giới ở Paralympic tổ chức tại Rio năm 2016.

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 3Lê Văn Công nhận huy chương vàng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đỉnh triều cao nhất trong 66 năm qua tại Bình Dương
Từ ngày 5 đến 6​/12, mực nước triều tại khu vực tỉnh Bình Dương đạt đỉnh là 1,62m, cao hơn mức báo động III là 0,32m, cao hơn đỉnh triều lớn nhất năm 2016 là 0,03m và là đỉnh triều cao nhất trong 66 năm qua.

Triều cường kết hợp với mưa vừa, mưa nhỏ đã gây ảnh hưởng nặng: làm vỡ 3m bờ bao sông Sài Gòn, 3m bờ rạch; tràn 110m đê bao, 8 cống dưới đê và nhiều bờ rạch; gây ngập 63,7 ha, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của 459 hộ dân; ngập 510m đường giao thông.

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 4(Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN)
Khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – 111
Ngày 6​/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 trên cơ sở nâng cấp từ đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã hoạt động hơn 13 năm qua.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 góp phần chăm sóc, bảo vệ, đặt trẻ em ở vị ưu tiên hàng đầu của đất nước.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt, có chức năng tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại.

Sự ra đời Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin, kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha mẹ, thành viên gia đình trong chăm sóc trẻ em...

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 5(Ảnh: Bộ Lao động-thương binh và Xã hội)
Ngưng hiệu lực quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Thông tư số 53/TT-BTNMT về việc ngưng hiệu lực quy định ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn và tổ chức thi hành Thông tư 53/2017 có hiệu lực từ ngày 5-12. Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Theo Thông tư 53, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết.

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thương hiệu Viettel được định giá 2,569 tỷ USD, đứng số 1 Việt Nam
Ngày 4​/12, tại Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2017, Brand Finance - nhà tư vấn định giá thương hiệu và chiến lược kinh doanh độc lập hàng đầu thế giới đã công bố danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2017.

Theo đó, Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) là thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam với giá trị 2,569 tỷ USD. Đứng thứ 2 trong danh sách năm nay là Vinamilk với giá trị 1,362 tỷ USD, đứng thứ ba là VNPT với giá trị 726 triệu USD.

Viettel chiếm gần 22,8% tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017. Giá trị của thương hiệu Viettel năm nay gấp gần ba lần so với lần công bố trước đó của Brand Finance (năm 2016). Ngành viễn thông nói chung (gồm Viettel) cũng chiếm tới 35% tổng giá trị trong bảng xếp hàng 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 của Brand Finance.

Trước đó, Viettel cũng được Vietnam Report xếp số 1 trong số một nghìn công ty có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2017 và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xếp số 1 trong danh sách một nghìn công ty nộp thuế lớn nhất Việt Nam.

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 7Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Viettel)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri
Trong tuần, Đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 4​/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Kiến An để báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV.

Trả lời các câu hỏi, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới Chính phủ sẽ nỗ lực chỉ đạo khắc phục một số mặt còn bất cập trong công tác, không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nỗ lực chỉ đạo khắc phục một số mặt còn bất cập trong công tác như việc khắc phục hậu quả thiên tai, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, đảm bảo tốt hơn an ninh trật tự của đất nước.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà Chính phủ còn có trách nhiệm đảm bảo công tác an sinh xã hội. “Một đất nước tự cường thì từng gia đình phải tự cường,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngày 5 và 6​/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền); phường Ba Láng, (quận Cái Răng) và phường An Hòa (quận Ninh Kiều).

Giải đáp ý kiến cử tri về các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong lúc Nhà nước thiếu ngân sách thì chủ trương huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư những công trình mà chủ yếu là hạ tầng giao thông là đúng đắn.

Nhiều công trình BOT đã góp phần thúc đẩy kinh tế nhiều địa phương và cả nước đi lên nhanh hơn. Vấn đề chưa hợp lý ở 1 số dự án là việc: Vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí và thời gian thu phí.

Sự kiện trong nước 4-10/12: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng ảnh 8Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với cử tri phường An Hòa. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục