Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài

PVN lên tiếng về một lãnh đạo PV Power vắng mặt, ra nước ngoài và hàng chục dự án BOT vào tầm ngắm kiểm toán năm 2017 là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

PVN lên tiếng về một lãnh đạo PV Power vắng mặt, ra nước ngoài và hàng chục dự án BOT vào tầm ngắm kiểm toán tnăm 2017 là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động: Động lực mới cho phát triển,” Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016) đã diễn ra sáng 9/12 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn đối tác phát triển với vai trò ​người đứng đầu Chính phủ.

Lắng nghe các tham luận và phản biện tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là những đóng góp hết sức quan trọng ở tầm xây dựng chính sách vĩ mô, giúp các cơ quan của Chính phủ nhận định, đánh giá đúng tình hình, triển vọng phát triển của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Từ đó, đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển phù hợp nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2017, Chương trình hành động Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, với các nhiệm vụ, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực.

Thông tin đến các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dự kiến năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,3%; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh nhưng xuất khẩu vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP (vốn FDI thực hiện đạt gần 15 tỷ USD).

Nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5-7% giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nhất trí với các ý kiến đánh giá, phân tích những yếu tố sẽ tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam như biến động khó lường của giá dầu; xu hướng tăng bảo hộ thương mại (việc phê chuẩn Hiệp định TPP gặp trở ngại); biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán diễn biến phức tạp; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, nợ công tăng nhanh, sức ép trả nợ lớn…

“Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nguời dân, doanh nghiệp; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016-2020,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra một số định hướng và giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế của Chính phủ. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thế chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, chuyên nghiệp. Chính phủ sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu; giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính; xử lý nghiêm vi phạm.

“Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh; có các chính sách giải pháp đột phá cho phát triển. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chú yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ và mong muốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ kinh nghiệm và các nguồn lực cho mục tiêu này của Việt Nam.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thủ tướng: Cộng đồng doanh nghiệp là động lực liên kết kinh tế ASEAN
Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 được tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội với tư cách là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Hội nghị tập trung đánh giá về những chính sách trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chính sách trong khu vực hiện tại, giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam và ASEAN, thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực. Các cuộc thảo luận chi tiết tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng, như hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, hàng hóa và năng lượng, tài chính ngân hàng, các phương tiện truyền thông và công nghệ.

Trong lời phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thực hiện tầm nhìn 2025, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN quyết tâm tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn nữa liên kết ASEAN, xây dựng một cộng đồng ASEAN vận hành theo luật, thực sự hướng tới người dân, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích cho người dân; có quan hệ rộng mở với các đối tác có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở cả trong khu vực và toàn cầu.

Theo Thủ tướng, ASEAN không chỉ là thị trường rộng lớn với dân số hơn 600 triệu người mà còn là khu vực kinh tế có quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, đang phát triển mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN năng động, sáng tạo. Vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đã nhận được sự tham gia ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, bao gồm cả những tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Thông tin đến các diễn giả, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, có dân số hơn 90 triệu người, có nền kinh tế năng động. Năm 2016, tăng trưởng GDP ước đạt 6,3%, bình quân giai đoạn ‎2016-2020 sẽ tăng 6,5 đến 7%; thương mại có độ mở cao với tổng kim ngạch 2016 gấp 1,7 lần GDP, ước đạt 360 tỷ USD.

Bên cạnh là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015, Việt Nam đã ký tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) có độ mở tiêu chuẩn cao, mở ra không gian hợp tác và phát triển rộng lớn với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có các nước G7, 15/20 nước thuộc nhóm G20.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại... Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển.

Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN cần đoàn kết đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông và liên kết mềm nhằm tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng thương mại, đầu tư và dịch vụ qua biên giới, xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng: Cộng đồng doanh nghiệp là động lực liên kết kinh tế ASEAN

Hàng chục dự án BOT vào tầm ngắm kiểm toán trong năm 2017
Hàng chục dự án BOT, các công trình giao thông lớn và doanh nghiệp “cỡ bự” đều trong danh sách sẽ được kiểm toán trong năm 2017.

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, đáng chú ý là các dự án trong lĩnh vực hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư. Tại lĩnh vực này, trong 83 dự án sẽ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chọn 20 dự án BOT vào tầm ngắm năm 2017.

Cụ thể, một số dự án được nhắc tên là Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; Dự án đầu tư cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô trên Quốc lộ 2; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh - nút giao Vực Vòng,…

Ngoài 20 dự án BOT, một số dự án giao thông đáng chú ý trong diện kiểm toán như dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau; Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng…

Một mảng khác luôn nhận được nhiều sự quan tâm là lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính-ngân hàng. Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho hay, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản, vốn Nhà nước trong đó bao gồm công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Những cái tên lớn được nhắc tới là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn,…

Cũng trong diện này, một số ngân hàng thuộc kế hoạch kiểm toán bao gồm Ngân hàng thương mại cổ phần: Công Thương Việt Nam (Viettinbank), Ngoại thương Việt Nam (VCB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Đặc biệt, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém (các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) cũng sẽ là nội dung được phía Kiểm toán Nhà nước tập trung đánh giá. Cụ thể, theo kế hoạch, hai ngân hàng là Đại Dương (Ocean Bank) và Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank) sẽ được kiểm toán trong năm 2017.

Tổng cộng, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện kiểm toán tại 25 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 8 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hàng chục dự án BOT vào tầm ngắm kiểm toán trong năm 2017

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về diễn biến giá vàng tăng cao
"Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và khẳng định sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng theo định hướng của Nghị định 24."

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước về diễn biến giá vàng trong nước tuần qua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước đối với diễn biến của thị trường vàng, mặc dù từ cuối tháng 11/2016 đến nay, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế có tăng, có thời điểm lên đến mức 4,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước với giá vàng quốc tế quy đổi (chưa tính phí) chỉ ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng.

Mặc dù chênh lệch nới rộng nhưng thị trường vàng ổn định, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng trong ngày vẫn duy trì ở mức thấp, tiếp tục giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2015, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.

Nguyên nhân của hiện tượng chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế tăng thời gian qua là do sự sụt giảm của giá vàng quốc tế do đồng USD tiếp tục tăng giá so với những đồng tiền chủ chốt khác. Lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng cao và sự lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính trong đại bộ phận giới đầu tư khi có nhiều nguồn thông tin cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong phiên họp chính sáchđịnh kỳ diễn ra vào cuối năm nay (ngày 13-14/12/2016).

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng, tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 4Chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế cos thời điểm lên tới 4,4 triệu đồng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về diễn biến giá vàng tăng cao

WB: Triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi
Chiều 5/12, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo điểm lại - một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế của tổ chức này đánh giá Dù môi trường toàn cầu còn chưa khởi sắc, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước cao và ngành sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu.

Do đó, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% trong năm 2016.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Sebastian Eckardt nhấn mạnh, tăng trưởng của Việt Nam giảm nhẹ xuống 5,9% trong ba quý đầu năm 2016, chủ yếu do đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng đầu năm khiến sản lượng nông nghiệp thấp, cùng với đó là sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại.

Các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng - sức cầu trong nước ổn định và nền sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu nhìn chung vẫn đứng vững. Tăng trưởng của Việt Nam đạt được trong điều kiện lạm phát thấp và tài khoản vãng lai thặng dư cao.

Mặc dù giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng, lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%.

Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu. Đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất.

Quốc hội thông qua Nghị quyết cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Báo cáo cũng cho biết bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao và đang tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên Chính phủ đã tiếp tục cam kết củng cố tình hình tài khóa trong trung hạn. Thành quả kinh tế vừa qua phần nào có được do tăng trưởng tín dụng cao và chính sách tài khóa tạo hỗ trợ, có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại làm tăng rủi ro tài khóa và tài chính hiện hữu trong trung hạn.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: WB : Triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi

Phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.

Đề án trên được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; trong đó, sẽ tổ chức thống nhất trong cả nước mô hình trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh phục hồi chức năng; các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh (nếu có) và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị chuyên môn thuộc Trung tâm y tế huyện.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 6Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Bệnh viện đa khoa huyện Kim Bôi. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Xem thêm: Phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe

PVN lên tiếng về một lãnh đạo của PV Power vắng mặt, ra nước ngoài
Tối 8/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có thông tin gửi các cơ quan báo chí về trường hợp của ông Lê Chung Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) vắng mặt, ra nước ngoài.

Theo PVN, ngày 10/10/2016, ông Lê Chung Dũng có đơn gửi Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam xin được nghỉ phép 15 ngày để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép.

Căn cứ vào số ngày phép còn lại trong năm 2016 của ông Lê Chung Dũng, Tổng Công ty đã chấp thuận cho ông Dũng được nghỉ phép theo đúng quy định từ ngày 10/10/2016 đến hết ngày 20/10/2016 (thời gian 9 ngày) và đề nghị ông Dũng có mặt ở Tổng Công ty sau khi hết thời hạn nghỉ phép.

Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi Tổng Công ty xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 6 tháng, ngày nhập học 20/10/2016.

Sau khi nhận được đơn xin đi học ở nước ngoài của ông Lê Chung Dũng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã không chấp nhận và nhiều lần liên hệ (qua điện thoại, email) cũng như gửi các văn bản yêu cầu ông Lê Chung Dũng trở lại Tổng Công ty để tiếp tục làm việc và giải quyết các thủ tục liên quan nhưng ông Lê Chung Dũng vẫn chưa trở lại Tổng Công ty làm việc.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt nam, thời điểm này cũng là thời hạn bổ nhiệm lại chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Lê Chung Dũng, vì các lý do nêu trên nên theo quy định quản lý cán bộ ông Lê Chung Dũng không được bổ nhiệm lại và không còn là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

"Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về Đảng và tiến hành các thủ tục để kỷ luật lao động theo quy định của Nội quy lao động của Tổng Công ty và Luật lao động đối với ông Lê Chung Dũng," thông tin từ PVN cho biết.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 7Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xem thêm: PVN lên tiếng về một lãnh đạo của PV Power vắng mặt, ra nước ngoài

Yêu cầu không để nợ đọng tiền lương, thưởng trong dịp giáp Tết
Để bảo đảm đời sống người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động và đình công xảy ra trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp.

Đây là nội dung văn bản Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường biện pháp ổn định quan hệ lao động trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương kiểm tra việc thanh toán tiền lương, thưởng cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, thưởng của người lao động trong các tháng giáp Tết.

Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với liên đoàn lao động hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ. Phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp phải được thực hiện xong trước ngày 31/12/2016 và công bố công khai cho người lao động được biết.

Văn bản này nêu rõ, thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán cần theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đình công xảy ra trước, trong và sau dịp Tết Nguyên Đán.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các tổ chức đoàn thể tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình người lao động không có điều kiện về quê mà đón Tết tại nơi cư trú./.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 8Tiễn đưa công nhân về Tết. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/Vietnam+)

Xem thêm: Yêu cầu không để nợ đọng tiền lương, thưởng trong dịp giáp Tết

Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách yêu thích nhất thế giới
Trong bình chọn mới nhất của trang Condé Nast Traveler, Việt Nam là một trong top 20 quốc gia được yêu thích nhất dựa trên những đánh giá về ẩm thực, danh lam thắng cảnh và chi phí hợp lý cho du lịch.

Việt Nam được mô tả là một địa điểm du lịch tràn đầy năng lượng và hy vọng. Du khách có vô vàn cơ hội để khám phá lịch sử hào hùng của quốc gia này và tìm hiểu các món ăn tuyệt ngon nằm ẩn trong những con phố nhỏ cổ kính, người dân thân thiện.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 9Hang Sơn Đoòng - một trong những "báu vật" của du lịch Việt Nam. (Nguồn ảnh: Ryan Deboodt)

Xem thêm: Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách yêu thích nhất thế giới

Thủ tướng yêu cầu ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 2176/CĐ-TTg về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Từ ngày 29/11 đến nay, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra liên tiếp các đợt mưa lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định làm nhiều người thiệt mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Dự báo, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên tiếp tục lên, các sông ở Quảng Nam và Khánh Hòa có khả năng lên lại, tiếp tục xảy ra ngập lụt tại các khu vực thấp trũng ven sông, nhất là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.

Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào và chính quyền các địa phương vùng bị ngập lũ.

Đây là đợt lũ lớn, đã kéo dài nhiều ngày, diễn biến mưa lũ còn phức tạp, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời khắc phục nhanh hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành có quan liên quan phối hợp chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, đồng thời chủ động khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, trong đó tập trung rà soát các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt, kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là đối với các hộ ở ven sông, vùng ngập sâu.

Các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát.

Sự kiện trong nước 5-11/12: Thêm một lãnh đạo vắng mặt, ra nước ngoài ảnh 10Phố cổ Bao Vinh và nhiều vùng ở hạ du sông Hương thuộc vùng trũng thị xã Hương Trà ngập nước (ảnh chụp 11 giờ ngày 4/12). (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng yêu cầu ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục