Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chính thức khai mạc và em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chính thức khai mạc và ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam được sinh mổ thành công là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 18-24/1:

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Sáng 21/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội với sự tham dự của 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội có chủ đề "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Đại hội XII diễn ra đến ngày 28/1 sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới

Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 1Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng


Bloomberg đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam sau Đại hội XII
Trong khi các nền kinh tế đang nổi trên thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, mức tăng trưởng gần 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 sẽ đưa quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Đây là bình luận được trang mạng Bloomberg.com đăng tải ngày 24/1.

Theo bài viết, nhu cầu tiêu dùng nội địa và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao là những yếu tố giúp Việt Nam đương đầu với những thách thức từ nguy cơ xuất hiện làn sóng bán tháo chứng khoán và hạ giá tiền tệ trong năm 2015.

Bài viết dẫn lời nhà kinh tế Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, nhận định: “Nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2016. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn phụ thuộc vào những kết quả từ sự thay đổi về mặt chính trị trong 12 tháng tới."

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 2Đại lộ Thăng Long tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ, pano. (Ảnh: Quỳnh Trang/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Bloomberg đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam sau Đại hội XII


Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực và ngành than
Ngày 19/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60).

Về quy hoạch, chiến lược phát triển ngành điện, ngành than thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu điện, than phải đảm bảo được các yêu cầu cho tăng trưởng, phát triển đất nước với tầm nhìn cho hàng chục năm tới. Do đó, cần tính toán, cân đối đủ điện, than và phải có dự phòng; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn; sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm được tiêu hao điện năng; đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với hệ thống hạ tầng về điện, than, hạn chế thấp nhất sự cố liên quan đến điện, than.

Thứ hai, phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề về môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí.

Thủ tướng cũng đề nghị, trong chiến lược phát triển điện, than cần thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải; thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành điện và ngành than cần tiếp tục kiên trì cơ chế thị trường, tiến tới cạnh tranh, không độc quyền, không bao cấp về giá, giá phải trên giá thành sản xuất, bảo đảm lợi nhuận để tái đầu tư.

Về điện hạt nhân, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương đã được Trung ương, Quốc hội thông qua về điện hạt nhân với yêu cầu chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Ngành điện và than tiến tới cạnh tranh, không độc quyền


Giá bất động sản trong tháng đầu năm ổn định, ít biến động
Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định trong tháng đầu tiên của năm 2016, giá bất động sản ổn định, ít biến động.

Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, tuy chưa kết thúc tháng Một và rơi vào thời điểm sát Tết nhưng từ đầu năm đến nay, Hà Nội có khoảng 1.600 giao dịch thành công. Con số này tương đương với lượng giao dịch của tháng 12/2015 và tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng giao dịch thành công ở con số 1.600, tăng khoảng 3% so với tháng 12/2015 và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 4(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Giá bất động sản trong tháng đầu năm ổn định, ít biến động


Bác bỏ tin dừng cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại tòa 8B Lê Trực
Trước thông tin cho rằng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bất ngờ bỏ lệnh cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại công trình tại 8B Lê Trực, ngày 22/1, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ​khẳng định thành phố không chỉ đạo và không có bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc bỏ lệnh cưỡng chế này và cũng không có văn bản đồng ý để Công ty cổ phần may Lê Trực được phép phá dỡ.

Thời gian qua, do công ty tự phá dỡ chậm nên thành phố đã giao quận Ba Đình lên phương án để đẩy nhanh tiến độ cưỡng chế.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã chính thức ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với công trình này.

Dự án công trình số 8B Lê Trực trong quá trình triển khai đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế nhưng chủ đầu tư không thực hiện.

Đối với phần giật cấp phía Đông tòa nhà theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Còn về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19. Tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 5Tòa nhà 8B Lê Trực nhìn từ phố Sơn Tây. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Bác bỏ tin dừng cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm tại tòa 8B Lê Trực


Việt Nam-EU đạt thỏa thuận về quản lý nguồn gốc gỗ nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết sau 2 ngày đàm phán (21-22/1) Việt Nam và EU đã đạt được tiến triển quan trọng nhất đối với các vấn đề mấu chốt của Hiệp định, bao gồm Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam, phân loại rủi ro đối với kiểm soát gỗ nhập lậu. Đặc biệt, quan trọng nhất là quản lý được nguồn gốc gỗ hợp pháp mà Việt Nam nhập khẩu.

Mục tiêu của Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước thành viên EU đều có nguồn gốc hợp pháp.

Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển một cách bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EU.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 6(Ảnh minh họa: Ly Kha/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Việt Nam-EU đạt thỏa thuận về quản lý nguồn gốc gỗ nhập khẩu


Chỉ số giá tiêu dùng cả nước không thay đổi trong tháng Một
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một, không đổi so với tháng 12/2015 và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/1.

Tuy nhiên, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính vẫn có 9 nhóm tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục tăng 0,89%, thấp nhất là hai nhóm thiết bị-đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa-giải trí-du lịch cùng có mức tăng 0,16%.

Trái lại, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức giá giảm là giao thông (-2,82%) và bưu chính viễn thông (-0,06%).

Như vậy, lạm phát cơ bản (chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng này chỉ tăng 0,27% so với tháng 12/2015 và tăng 1,72% so với cùng kỳ.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Chỉ số giá tiêu dùng cả nước không thay đổi trong tháng Một


Ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam được sinh mổ thành công
Trường hợp mang thai hộ đầu tiên tại Việt Nam đã được các bác sỹ mổ thành công vào lúc 7 giờ 25 phút sáng nay (22/1) tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bé gái sơ sinh nặng 3,6kg với tình trạng sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh, bé khóc rất to.

Đây là em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ, sau hơn 1 năm kể từ thời điểm Nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực (1/1/2015).

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã thu nhận được gần 100 hồ sơ xin được cho phép mang thai hộ. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ thành công sau khi thực hiện kỹ thuật này đã đạt được 50%.

Theo các chuyên gia, bào thai mang hộ là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Em bé sinh ra mang gen di truyền của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 8Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - người trực tiếp phẫu thuật ca mang thai hộ đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương bế bé gái mới sinh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam được sinh mổ thành công


Miền Bắc rét kỷ lục, băng tuyết phủ trắng nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc

Không khí lạnh được tăng cường liên tục với cường độ mạnh đã gây rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ Hà Nội xuống mức 5 độ C, mức thấp kỷ lục trong 40 năm qua.

Theo số liệu quan trắc lúc 6 giờ ngày 24/1, nền nhiệt một số khu vực đã xuống đến âm như: Tam Đảo (Phú Thọ) -0,4 độ C; Sa Pa (Lào Cai)-2 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) - 0,2 độ C; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - 4 độ C; khu vực Hà Đông (Hà Nội) 6,5 độ C.

Băng tuyết phủ kín nhiều khu vực miền núi như Sa Pa, Tam Đảo, Sơn La, Mẫu Sơn, Cao Bằng và đặc biệt lần đầu tiên đỉnh núi Ba Vì (Hà Nội) có tuyết rơi.

Với du khách, băng tuyết là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, nhưng với người dân địa phương thời tiết khắc nghiệt này lại gây nhiều thiệt hại và khó khăn trong đời sống.

Dự báo, đợt rét đậm, rét hại còn kéo dài đến hết ngày 27/1.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/1: Đại hội Đảng XII là trọng tâm ảnh 9(Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Sa Pa chìm trong tuyết trắng, độ dày tuyết phủ lên tới 10cm

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục