Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 0,42% và khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tiếp tục tăng cao là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 0,42% và khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tiếp tục tăng cao là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 22-28/2:

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng Hai tăng 0,42%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ và tăng 0,42% so với tháng 12 năm 2015. Như vậy, CPI bình quân hai tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 1,03%.

Thông tin trên được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/1.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có tám nhóm tăng giá, tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.

Ba nhóm hàng có giá giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,41%), giao thông (-3,96%) và bưu chính viễn thông (-0,16%).

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra các nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng là do trong tháng Tết Nguyên đán nhu cầu gia tăng khiến giá một số mặt hàng phục vụ Tết tăng giá. Đáng chú ý, giá dịch vụ giao thông công cộng đã tăng 3,45% và việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ  tại một số tỉnh đã tác động tới chỉ số giá nhóm giáo dục, tăng 0,26%.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng Hai tăng 0,42%

Việt Nam đặc biệt lo ngại tình trạng quân sự hóa Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 25/2 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống radar ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh:

“Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi.

Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.”

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về những diễn biến căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng của khu vực đang bị phá vỡ, đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi cho rằng, đây là hai diễn biến hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực”.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 2Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. (Nguồn: foxnews)

Xem thêm tại đây: Việt Nam đặc biệt lo ngại tình trạng quân sự hóa Biển Đông

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử
Ngày 25/2, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.”

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa 1 đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII.

Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%.

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua đã có những điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử đại hội các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả bốn cấp của nhiệm kỳ này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các nữ đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử

Hiện thực hóa chỉ tiêu kinh tế 2035: Cần một "sân chơi bình đẳng"
Kỳ vọng của Việt Nam đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao. Theo đó, con số thu nhập bình quân đầu người được đưa ra là 7.000 USD (hoặc 18.000 USD tính theo sức mua tương đương); gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2014.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu này đạt được chỉ khi Việt Nam xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh hay nói chính xác là tạo được một "sân chơi bình đẳng" và thực hiện đô thị hóa một cách có hiệu quả.

Trước đó, ngày 23/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Báo cáo “ Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” là báo cáo quan trọng về một Việt Nam trong 20 năm tới đây, một Việt Nam sau 50 năm thực hiện Đổi mới.

Báo cáo tập trung vào ba trụ cột gồm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội và nâng cao hiệu quả khu vực công. Báo cáo đề xuất một số biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền sử hữu tài sản, và thực thi chính sách cạnh tranh.

Báo cáo gợi ý cần các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do, kể cả Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Hiện thực hóa chỉ tiêu kinh tế 2035: Cần một "sân chơi bình đẳng"

Tỷ lệ tăng trưởng giá bất động sản sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2016
Tỷ lệ tăng trưởng giá bất động sản sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2016 là một trong những nhận định được các chuyên gia của Công ty trách nhiệm hữu hạn CBRE Việt Nam nêu ra tại báo cáo về xu hướng và triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Hoạt động cho thuê bất động sản tiếp tục đà tăng trưởng với tốc độ tăng giá và tỷ lệ lấp đầy ổn định, xuyên suốt các phân khúc. Cùng đó, sản phẩm nhà ở và thương mại cũng tiếp tục chứng minh sự phục hồi tích cực. Nhiều yếu tố đang tác động như các hiệp ước thương mại vừa ký kết, nguồn lao động giá rẻ... là thuận lợi giúp Việt Nam tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, CBRE cho rằng để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải nâng cao tính minh bạch trong phê duyệt dự án; chú trọng quản lý chặt chẽ các cơ quan thẩm quyền. Cùng đó, chủ đầu tư cũng nên tìm hiểu mục tiêu và hướng đầu tư của các khách hàng này để thu hút nguồn vốn hiệu quả.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 5(Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tỷ lệ tăng trưởng giá bất động sản sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2016

90% số bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng nằm ghép
Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết nhờ thực hiện quyết liệt Đề án bệnh viện vệ tinh, đến nay 90% số bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng nằm ghép, hoặc có thể giải quyết nhanh trong thời gian 24-48 giờ. 10% số bệnh viện tuyến Trung ương còn tình trạng nằm ghép nhưng chỉ là ghép đôi.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giảm quá tải bệnh viện, ngành y tế đã ghi nhận nhiều thay đổi trong giảm quá tải bệnh viện cùng với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, sự hài lòng của người bệnh từng bước được cải thiện.

Ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng để tăng số giường bệnh, phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, phòng khám bác sỹ gia đình, tăng cường công tác quản lý chuyên môn, kỹ thuật... gắn liền với nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 6Các y, bác sỹ của bệnh viện điều trị, chăm sóc bệnh nhân. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Xem thêm tại đây: 90% số bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng nằm ghép

Giám sát chặt khách nhập cảnh từ khu vực có bệnh do virus Zika
Ngày 23/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến ngày 18/2, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại Venezuela và 2 trường hợp tử vong tại Brazil.

Đặc biệt, Thái Lan và Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.

Trước tình hình trên, Việt Nam đã giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia và khu vực đang có dịch bệnh do virus Zika thông qua việc phát hiện các trường hợp sốt bằng máy đo thân nhiệt từ xa; tổ chức thường trực giám sát, chống dịch; phổ biến các khuyến cáo, lời khuyên phòng chống virus Zika đối với khách du lịch để chủ động phòng chống bệnh; duy trì đường dây nóng để liên lạc và tư vấn về phòng chống bệnh...

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 7Tăng cường công tác kiểm dịch tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Giám sát chặt khách nhập cảnh từ khu vực có bệnh do virus Zika

Đại sứ Anh đánh giá cao việc Lâm Đồng giải quyết vụ du khách tử nạn
Chiều 27/2, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về vụ việc 3 du khách Anh tử nạn tại Khu du lịch thác Datanla, Đà Lạt ngày 26/2.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân thông qua Đại sứ Giles Lever, đồng thời nhấn mạnh Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cam kết thực hiện điều tra cụ thể, chính xác và thông tin theo tiến độ với Đại sứ quán Anh.

Ông Phạm S cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, tỉnh Lâm Đồng đã huy động nhiều lực lượng nỗ lực tìm kiếm và ngay trong ngày đã tìm thấy thi thể của cả 3 nạn nhân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các bước thủ tục ngoại giao và hợp tác với Đại sứ quán Anh thông báo cho gia đình nạn nhân, điều tra vụ việc.

Thay mặt Chính phủ Anh, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever ghi nhận nỗ lực của các đơn vị tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng tìm kiếm thi thể 3 nạn nhân và đưa về Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi khảo sát hiện trường, chứng kiến mức độ hiểm trở, khó khăn của địa hình ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, Đại sứ ghi nhận đây là nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Đại sứ cho rằng Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trên tinh thần tôn trọng và chia sẻ đối với người đã mất cùng gia đình.

“Qua khảo sát, tôi hiểu phần nào lý do tai nạn xảy ra và hy vọng vụ việc không ảnh hưởng đến sức thu hút của thành phố Đà Lạt đối với du khách người Anh,” Đại sứ Giles Lever nói.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 8Hiện trường vụ việc tại khu vực thác số 4, thuộc Khu du lịch thác Datanla. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Đại sứ Anh đánh giá cao việc Lâm Đồng giải quyết vụ du khách tử nạn

Các vị đại sứ ấn tượng với nghi lễ chầu văn-hầu đồng của Việt Nam
Chương trình biểu diễn Chầu văn-hầu đồng, nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã diến ra tối 26/2 tại phủ Tiên Hương thuộc Quần thể Di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Chương trình thu hút hơn 20 vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước tham dự.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Một hành trình 3 đạo” gồm: đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa và đạo Phật do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức. Chương trình góp phần giới thiệu những nét đẹp, giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tham dự sinh hoạt tín ngưỡng cùng với người dân địa phương, các vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bày tỏ sự thích thú, ấn tượng với trang phục, âm nhạc, cách thức biểu diễn Chầu văn - nghi lễ vừa linh thiêng vừa gần gũi với đời sống này.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết ngoài mục đích giới thiệu nét đẹp, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân, chương trình “Một hành trình 3 đạo” còn góp phần giúp các đại biểu hiểu thêm về đất nước, con người và tự do tín ngưỡng ở Việt Nam.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với đời sống tâm linh người Việt, hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, may mắn. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu...

Tháng 3/2014, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến hồ sơ này sẽ được UNESCO xem xét, đánh giá vào tháng 12/2016.

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 9Trình diễn các giá hát văn hầu đồng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Xem thêm: Các vị đại sứ ấn tượng với nghi lễ chầu văn-hầu đồng của Việt Nam

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tiếp tục tăng cao
Thông tin từ Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/2 cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2016 ước đạt 833.598 lượt, tăng 3,5% so với tháng 01/2016. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2016 đã tăng 20% so với cùng kỳ tháng 2/2015. Trong đó, khách đến bằng đường không vẫn chiếm đa số.

Như vậy, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam qua 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1.638.670 lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. 

Thống kê cũng cho thấy hầu hết các thị trường khách đều tăng trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có hàng loạt thị trường tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số trở lên như: Hong Kong tăng 169,9%; Trung Quốc tăng 48,8%; Hàn Quốc tăng 31%... Khách đến từ các thị trường Tây Âu được hưởng chính sách miễn thị thực trong vòng 15 ngày cũng có tăng trưởng tốt, như Italy tăng 25,6%; Anh tăng 19,6%; Tây Ban Nha tăng 17,1%; Đức tăng 14,4%...

Sự kiện trong nước tuần 22-28/2: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao ảnh 10(Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tiếp tục tăng cao

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục