Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao

Quốc hội bầu và phê chuẩn các vị trí lãnh đạo cấp cao và thành viên Chính phủ mới, cùng với việc hai trường hợp nhiễm virus Zika tại Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức và 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 4-10/4:

Quốc hội hoàn tất công tác nhân sự
Trong tuần, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa XIII đã trúng cử chức danh Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Quốc hội đã bầu 2 Phó Chủ tịch Quốc hội là ông Đỗ Bá Tỵ và ông Phùng Quốc Hiển, bầu bà Nguyễn Thị Ngọc Thịnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, bầu ông Nguyễn Hòa Bình làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bầu ông Lê Minh Trí giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ. Trong đó, ông Trương Hòa Bình, ông Vương Đình Huệ và ông Trịnh Đình Dũng đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Trong tuần, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 Luật: Luật trẻ em; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ

Sẽ công bố kết quả thanh tra 7 công ty đa cấp trong tháng Năm
Bộ Công Thương đặt mục tiêu công bố kết quả thanh tra 7 công ty đa cấp, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy; Công ty trách nhiệm hữu hạn Unicity Maketing Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn Amway Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt; Công ty cổ phần Liên kết Tri thức; Công ty cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền Thăng Long vào khoảng nửa cuối tháng Năm.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), việc quyết định thành lập đoàn thanh tra nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp, phát hiện, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp. Đặc biệt, các đơn vị chức năng kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về bán hàng đa cấp.

Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.

Tuy vậy, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự như vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm Mặt Trời...

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 2Ảnh minh họa

Xem thêm: Sẽ công bố kết quả thanh tra 7 công ty đa cấp trong tháng Năm

Cải tạo, xây lại chung cư cũ ở Hà Nội: Tháo dần những "nút thắt"
Nhu cầu cải thiện điều kiện ở của người sử dụng tăng nhanh nên hầu hết các hộ dân tại các khu tập thể, chung cư cũ tại Hà Nội đã tự cải tạo, cơi nới, lấn chiếm diện tích làm ảnh hưởng thay đổi kết cấu của ngôi nhà, giảm tuổi thọ công trình và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Nhằm đảm bảo điều kiện ở tốt hơn cho người dân, Hà Nội đã nỗ lực trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng vì nhiều nguyên nhân, kết quả thực hiện của thành phố còn rất chậm, gây không ít bức xúc cho người dân Thủ đô.

Vấn đề đặt ra với Hà Nội trong suốt những năm qua là cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở chung cư cũ như thế nào trong điều kiện ngân sách của thành phố hạn hẹp. Nhà nước đã xóa bỏ bao cấp về nhà ở, nhưng phần lớn dân cư sống tại các khu chung cư cũ là cán bộ công nhân viên, người làm công ăn lương, khả năng chi trả thấp.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, tập trung ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Để dần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện của những dự án đã và đang nghiên cứu, triển khai, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung lập quy hoạch phân khu và xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô.

Đặc biệt, Hà Nội cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng thêm chiều cao tầng khu vực cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; ban hành một số biện pháp cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, trong đó khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận hợp tác với chủ sở hữu căn hộ thực hiện dự án bằng phương thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở các chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 3Khu nhà A2 tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Cải tạo, xây lại chung cư cũ ở Hà Nội: Tháo dần những "nút thắt"

Phát hiện 2 ca nhiễm virus Zika, Việt Nam nâng mức cảnh báo
Sáng 5/4, Bộ Y tế đã xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam gồm một nữ bệnh nhân, 64 tuổi trú tại Phước Hòa, Nha Trang và một nữ bệnh nhân, 33 tuổi ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika đã ghi nhận tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tại tỉnh Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố dịch theo quy mô xã, phường theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh; các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 4Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Xem thêm: Phát hiện 2 ca nhiễm virus Zika, Việt Nam nâng mức cảnh báo

WTO: Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng
Theo kết luận của báo cáo “Thương mại thế giới năm 2015 và Triển vọng năm 2016” được Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo công bố hôm 7/4, trong số 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu của WTO, Việt Nam là quốc gia duy nhất có giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng trong năm 2015, với mức tăng là 7,9%, lên 162 tỷ USD.

Đây cũng là quốc gia duy nhất trong số 30 quốc gia nhập khẩu hàng đầu có giá trị nhập khẩu tăng, lên tới 12,3%. Theo đó, giá trị nhập khẩu hàng hóa trong năm vừa qua của Việt Nam là 166 tỷ USD.

Báo cáo cho biết bức tranh thương mại toàn cầu năm 2015 khá ảm đạm với giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 13,2%, xuống còn 16,5 nghìn tỷ USD, trong đó Trung Quốc giảm 2,9%, xuống còn 2.270 tỷ USD.

Tiếp theo đó là Mỹ giảm 7,1%, xuống còn 1.500 tỷ USD và Đức giảm 1%, xuống còn 1.000 tỷ USD.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 5Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: WTO: Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng

Trao 2 công hàm phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
Ngày 7/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đi vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ từ tối 3/4 để tiến hành tác nghiệp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông...”

Liên quan việc Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “…Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Trước đó, chiều 5/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào Vịnh Bắc Bộ và chiều 7/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa vào hoạt động trái phép hải đăng ở đá Subi.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 6Hải đăng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Xinhua)

Xem thêm: Phản đối Trung Quốc đưa vào hoạt động trái phép hải đăng ở đá Subi

Khô hạn, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn cho đến nửa đầu tháng 5
Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa có dấu hiệu cải thiện trong một hai tháng tới. Tháng Tư là tháng đặc biệt nguy hiểm của tình trạng này.

Theo số liệu đo đạc ở Nam Bộ, lượng nước ở đầu nguồn Mekong về từ tháng 5/2015 cho đến nay liên tục thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là một trong những lý do gây ra tình trạng thiếu hụt nước, xâm nhập mặn ở khu vực này. Lý do nữa là tình hình mưa ở những khu vực này cũng thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm.

Theo số liệu quan trắc về lượng mưa cho thấy, Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong suốt một thời gian dài vừa qua đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%. Điều nguy hiểm là lại thiếu hụt trong chính mùa mưa (mùa mang lại nguồn nước ngọt chính cho khu vực).

Mưa giảm và lượng nước trên sông Mekong đổ về Nam Bộ cũng giảm mạnh. Đây là hai nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo đến nửa cuối tháng Năm khi gió mùa Hè bắt đầu mang mưa về khu vực Nam Bộ thì tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn mới dần được cải thiện.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 7Cánh đồng lúa Tài nguyên ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)

Xem thêm: Khô hạn, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn cho đến nửa đầu tháng 5

Hà Nội nằm trong tốp 4 điểm du lịch rẻ nhất trên thế giới
Trang web Hoppa gần đây đã đăng tải một danh sách những điểm đến du lịch có giá cả phải chăng nhất cũng như đắt đỏ nhất trên thế giới.

Để tìm ra điểm đến rẻ nhất, Hoppa đã tính toán giá thành trung bình cho mỗi người trong một ngày đi du lịch tại mỗi điểm đến, theo 6 loại chi phí du lịch điển hình nhất, bao gồm một chuyến đi taxi dài 3 km, một đêm nghỉ tại khách sạn và một bữa ăn.

Số tiền trung bình mà một khách du lịch phải chi trả cho một ly bia, một cốc càphê và một chai rượu vang cũng được tính vào chi phí trong ngày.

Từ những hòn đảo Đông Nam Á với bãi biển tuyệt đẹp, các thành phố Đông Âu, cho đến Hà Nội của Việt Nam... là 19 điểm đến du lịch ít tốn kém nhất, cùng với đó là các số liệu cụ thể về giá cả các nhu cầu thiết yếu của bạn khi đi du lịch.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 8(Nguồn: businessinsider)

Xem thêm: Hà Nội nằm trong tốp 4 điểm du lịch rẻ nhất trên thế giới

Đồng ý tạm dừng hợp đồng ống nước sông Đà với nhà thầu Trung Quốc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý kiến nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc yêu cầu chủ đầu tư Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo cho dự án để nghiên cứu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến dự án.

Trước đó, báo chí đăng bài nêu lên những lo ngại nhà thầu trúng thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xinxing (Trung Quốc) sẽ không đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ dự án; độ bền vật liệu ống gang dẻo và nguy cơ nhiễm chì không đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nhân dân...

Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư tại Văn bản số 1285/CP-CN ngày 24/9/2003, công suất 600.000 m3/ngày đêm và giao Vinaconex làm chủ đầu tư dự án. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành từ năm 2009 với công suất 300.000 m3/ngày đêm và hiện đang cung cấp nước sạch cho nhân dân Thủ đô trung bình khoảng 200.000 m3/ngày đêm.

Đến nay, Nhà máy nước Sông Đà mở rộng phạm vi cấp nước cho các khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân. Do xảy ra sự cố vỡ đường ống nước liên tục giai đoạn 1, ảnh hưởng đến an ninh cấp nước cho người dân Thủ đô Hà Nội nên việc đầu tư xây dựng tuyến ống giai đoạn 2 là rất cấp thiết.

Sự kiện trong nước tuần 4-10/4: Bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao ảnh 9Hiện trường sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Đồng ý tạm dừng hợp đồng ống nước sông Đà với nhà thầu Trung Quốc

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục