Sự năng động mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp

Ngày 18/11, Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức hội thảo "Pháp-Việt Nam, một sự năng động mới trong hợp tác" tại trụ sở Thượng viện Pháp.
Sự năng động mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ảnh 1Thượng nghị sỹ Catherine Deroche (trái) và Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn (giữa) chủ tọa buổi tọa đàm. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 18/11, Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức hội thảo "Pháp-Việt Nam, một sự năng động mới trong hợp tác" tại trụ sở Thượng viện Pháp.

Hội thảo nhằm mục đích xác định và thúc đẩy các động lực của hợp tác Pháp-Việt, tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược được ký kết vào năm 2013 trên tất cả các lĩnh vực, trong bối cảnh Tổng thống Pháp François Hollande vừa có chuyến thăm chính thức thành công tốt đẹp tới Việt Nam vào tháng 9 vừa qua.

Tham dự hội thảo có đông đảo đại biểu đại diện cho các cơ quan và bộ ngành của Pháp như Thượng viện, các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Giáo dục, Cơ quan xúc tiến thương mại của Pháp (Business France), nhiều viện nghiên cứu chiến lược, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương và doanh nghiệp Pháp.

Về phía Việt Nam có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các hội đoàn như Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội chuyên gia và khoa học Việt Nam (AVSE), các cán bộ Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng nghị sỹ Catherine Deroche, Chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp đánh giá cao những thay đổi toàn diện của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo bà, những thay đổi tích cực này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một "con rồng châu Á mới."

Bà cũng nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Pháp-Việt ngày càng phát triển sâu rộng thông qua các dự án hợp tác kinh tế hiệu quả.

  
Sự năng động mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ảnh 2Quang cảnh phiên khai mạc hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng sáng kiến tổ chức hội thảo thể hiện mong muốn của cả hai phía Việt Nam và Pháp nhằm đưa mối quan hệ song phương ngày càng đi vào thực chất, hướng tới tầm nhìn dài hạn.

Theo Đại sứ, trong lĩnh vực kinh tế, với 3 tỷ euro (4,24 tỷ USD) cam kết kể từ năm 1993, Pháp là nhà tài trợ song phương cho Việt Nam lớn thứ hai, sau Nhật Bản.

Với tổng số vốn đầu tư 3,4 tỷ USD, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ ba của châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và xếp thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Trong năm 2015, quan hệ thương mại giữa Pháp và Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh với giá trị trao đổi hai chiều đạt 4,07 tỷ euro (4,31 tỷ USD). 

Trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục, thành công của "Năm giao lưu văn hóa Pháp-Việt 2013-2014" đã đưa Pháp trở thành điểm đến thứ hai tại châu Âu được sinh viên Việt Nam lựa chọn.

Đại sứ cũng lưu ý rằng mặc dù vậy, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Pháp chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp của hai nước và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nền kinh tế Việt Nam và Pháp.

Hiện tại, Pháp xếp thứ 15 trong tổng số các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và là thị trường cung cấp nguồn hàng nhập khẩu đứng thứ 13 cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo con số thống kê trong năm 2015, thị phần hàng hóa của Pháp tại Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1%, thậm chí đứng sau Đức và Italy.

Đại sứ cũng phân tích những nhân tố thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là Đối thoại kinh tế cấp cao giữa Việt Nam và Pháp được tổ chức thường niên từ năm 2012, một cơ chế cho phép hai nước đề cập đến các vấn đề chiến lược thương mại và đầu tư, cùng nhau xem xét và tìm cách loại bỏ các rào cản thương mại; Pháp đã mở văn phòng đại diện của Cơ quan xúc tiến thương mại Business France tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ các công ty Pháp tiếp cận thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, còn phải kể đến các thỏa thuận song phương giữa các Bộ, ngành nhằm khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và đầu tư…

Trong phần tiếp theo, nhà sử học Pierre Journoud đã có bài phát biểu đánh giá về quan hệ Việt-Pháp trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn từ sau năm 1954, trong khi Đại sứ Christian Lechervy, Thư ký thường trực về khu vực Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Pháp có bài tham luận về các triển vọng quan hệ Pháp-Việt.

Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam tại các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ông cũng đề cập đến việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường hòa bình nhằm đảm bảo môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các đại biểu còn tham dự hai hội nghị bàn tròn về các chủ đề "Hợp tác kinh tế và phát triển bền vững," "Quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt."

Các tham luận cùng những trao đổi thẳng thắn tại hội thảo đã giúp các đại biểu có mặt tại hội thảo nắm bắt được bức tranh tổng thể về Việt Nam, đặc biệt là các thành tựu và triển vọng; đánh giá thực trạng quan hệ Pháp-Việt, từ đó thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp phát triển quan hệ về chiều sâu giữa hai nước; nâng cao nhận thức trong chính giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp Pháp nhằm mở rộng quan hệ hợp tác và đầu tư tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục