Sự phối hợp quốc tế trong thỏa thuận toàn cầu về tài chính bền vững

Biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững là những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu - và không ở đâu cấp thiết hơn trong lĩnh vực tài chính.
Sự phối hợp quốc tế trong thỏa thuận toàn cầu về tài chính bền vững ảnh 1(Nguồn: Getty images)

Theo tạp chí “Project Syndicate”, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự sụt giảm lớn nhất trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc giảm lượng phát khí thải carbon dioxide (CO2) chỉ là tạm thời.

Mặc dù tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu đã giảm 6,4% trong năm 2020, chỉ số này đã bắt đầu tăng trong nửa cuối năm nay và hiện đã trở lại mức như thời kỳ trước khủng hoảng.

Thực tế là tình huống bất thường trong năm ngoái vẫn chưa thể đưa lượng phát khí thải toàn cầu về các mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt ra và đây là một lời nhắc nhở rõ ràng về thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Như nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel William Nordhaus đã nhắc nhở, biến đổi khí hậu là yếu tố bên ngoài mang tính toàn cầu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lan rộng khắp thế giới và không quốc gia nào có đủ động lực hoặc năng lực để tự mình giải quyết vấn đề. Do đó, sự phối hợp quốc tế là rất cần thiết.

Việc quay trở lại hợp tác đa phương thông qua các tổ chức như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Ủy ban Bình ổn Tài chính (FSB) mang lại một cơ hội duy nhất.

Sau quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được trung hòa carbon vào năm 2050 và Trung Quốc cam kết làm điều tương tự vào năm 2060, giờ đây chúng ta có thể đang ở thời điểm bước ngoặt cho hành động khí hậu toàn cầu.

Ba ưu tiên nổi bật

Bài viết cho rằng, có ba ưu tiên nổi bật trong chương trình nghị sự quốc tế.

Đầu tiên là nhu cầu tăng giá carbon toàn cầu. Đặt mức giá cao hơn cho việc phát thải khí carbon là cách hiệu quả nhất về chi phí để giảm lượng khí thải ở quy mô và tốc độ cần thiết. Bằng cách nội tại hóa chi phí xã hội của phát thải khí, theo đó buộc những người phát thải phải trả tiền, việc định giá carbon sẽ tận dụng được sức mạnh của thị trường để hướng các hoạt động kinh tế thoát khỏi việc sử dụng nhiều carbon.

Hiện tại, giá carbon đang quá thấp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán rằng giá carbon trung bình trên toàn cầu hiện chỉ ở mức khoảng 2 USD/tấn.

[COP26 là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng]

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu được định giá trong phạm vi cần thiết để đạt được các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các nền kinh tế tiên tiến có thể “gương mẫu” đi đầu và thực hiện các chính sách hiện tại để cam kết việc định giá carbon phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Mặc dù các nền kinh tế tiên tiến nhỏ hơn chỉ chiếm một tỷ lệ hạn chế trong lượng khí thải toàn cầu, việc họ áp dụng các biện pháp khử carbon mang tính quyết định trong việc khuyến khích các nước đang phát triển làm theo.

Ưu tiên thứ hai là tận dụng sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 để “xây dựng trở lại tốt hơn.” Các quyết định được đưa ra bây giờ sẽ định hình quỹ đạo khí hậu trong nhiều thập kỷ tới.

Các nhà hoạch định chính sách nên nắm bắt cơ hội này để đưa nền kinh tế toàn cầu đi vào con đường tăng trưởng bền vững. Gói phục hồi “Thế hệ tiếp theo của EU” có thể đáp ứng được tham vọng đó.

Ưu tiên thứ ba là trọng tâm của hệ thống tài chính và ngân hàng trung ương: cấp vốn cho quá trình chuyển đổi xanh. Việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch có nghĩa là cần phải đầu tư rất lớn, ngay cả khi các ước tính về con số chính xác có thể không chắc chắn.

Nhìn nhận vấn đề cắt giảm khí thải trong một chương trình nghị sự bền vững rộng lớn hơn, Liên hợp quốc ước tính rằng việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư toàn cầu từ 5-7.000 tỷ USD mỗi năm. Để lấp đầy khoảng trống này, điều cốt yếu là phải huy động nguồn lực của các trung gian tài chính, trong đó có các ngân hàng.

Các sản phẩm tài chính bền vững-ví dụ như việc cho vay xanh, trái phiếu xanh và bền vững và các quỹ có đặc điểm về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) - đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn chưa có đủ sự minh bạch và sự cân xứng về thông tin.

Để thúc đẩy tăng trưởng tài chính bền vững, nhiều quốc gia đã bắt đầu xây dựng các khuôn khổ quy định và EU là tổ chức đi đầu trong những nỗ lực này. Tuy nhiên, do không có sự phối hợp toàn cầu, các khu vực pháp lý khác nhau đã xây dựng những cách tiếp cận khác nhau.

Kết quả là các tiêu chuẩn, định nghĩa và thước đo không nhất quán và không thể so sánh được đã làm phân mảnh thị trường tài chính bền vững, làm giảm hiệu quả của chúng và hạn chế khả năng cung cấp vốn xuyên biên giới cho đầu tư xanh.

Khi các khu vực pháp lý cạnh tranh để thu hút tài chính, rủi ro về chênh lệch giá theo quy định và cuộc chạy đua bắt đáy đã tăng lên. Nếu không được giải quyết, xu hướng này có thể dẫn đến các tiêu chuẩn thấp hơn trên toàn cầu.

Tài chính bền vững là ưu tiên hàng đầu

Bài viết cho rằng, tài chính bền vững là ưu tiên hàng đầu của cả G20 trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Italy và G7 trong nhiệm kỳ chủ tịch của Vương quốc Anh. Hơn nữa, trong một bức thư công khai ngay sau khi được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi nâng cấp nhóm công tác tài chính bền vững của G20 để “phản ánh tầm quan trọng của nhóm này.”

Bước quan trọng đầu tiên là thống nhất các tiêu chuẩn tối thiểu về thông tin của các công ty. Nếu hiệu quả hoạt động bền vững của một công ty không rõ ràng hoặc không xác định được thì sẽ không thể đánh giá được tính bền vững của các tài sản tài chính liên quan. Chúng ta phải thay thế khuôn khổ báo cáo theo bảng chữ cái hiện tại bằng một tiêu chuẩn chung.

Do vậy, cách tiếp cận của EU - bao gồm cả việc sửa đổi Chỉ thị báo cáo tài chính bền vững của doanh nghiệp - thể hiện một chuẩn mực nâng cao mà bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế nào cũng nên hướng tới.

Thách thức thứ hai và thậm chí lớn hơn là đảm bảo rằng các quốc gia xây dựng các tiêu chí phân loại nhất quán về những gì được coi là đầu tư bền vững. Nếu một hoạt động hoặc tài sản được coi là bền vững ở một quốc gia nhưng không bền vững ở một quốc gia khác thì không thể có một thị trường tài chính bền vững toàn cầu thực sự.

Để đảm bảo một sân chơi bình đẳng toàn cầu, các nhà lãnh đạo thế giới nên hướng tới một thỏa thuận về các nguyên tắc chung đối với việc phân loại toàn cầu. Giống như việc các chính phủ cần quan tâm đến nguy cơ rò rỉ carbon, họ cũng phải tính đến rủi ro rò rỉ tài chính carbon.

Cuối cùng, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả các phân đoạn hoạt động tài chính phải phù hợp với các mục tiêu khí hậu rộng lớn hơn. Mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ và lượng khí thải CO2 liên quan của việc khai thác tiền điện tử có thể làm suy yếu các nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu.

Riêng việc đào bitcoin đã tiêu thụ nhiều điện hơn so với cả một quốc gia Hà Lan. Do đó, việc kiểm soát và hạn chế tác động môi trường của các tài sản tiền điện tử, bao gồm cả thông qua các quy định và thuế quan, nên là một phần của cuộc thảo luận toàn cầu.

Biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững là những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu - và không ở đâu cấp thiết hơn trong lĩnh vực tài chính. Môi trường chính trị hiện tại cho chúng ta một cơ hội hiếm có để đạt được những tiến bộ đáng kể và chúng ta không được lãng phí điều đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục