Sự tham gia của Trung Quốc và tương lai 'Thái Bình Dương Xanh'

Theo trang mạng lowyinstitute.org, trong mối quan hệ với Trung Quốc, đã đến lúc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương cần khởi động đối thoại về cách thức mà họ muốn can dự tập thể với Bắc Kinh.
Sự tham gia của Trung Quốc và tương lai 'Thái Bình Dương Xanh' ảnh 1(Nguồn: AP)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) là một tổ chức liên chính phủ nhằm nâng cao hợp tác giữa các nước và lãnh thổ của Thái Bình Dương.

Trọng tâm của diễn đàn này và Ban thư ký là đạt được sự thịnh vượng và giàu có của “Thái Bình Dương Xanh."

Diễn đàn này muốn tìm kiếm các mối quan hệ đối tác thực sự với tất cả các nước sẵn sàng tham gia diễn đàn trên lộ trình hướng tới tầm nhìn trên. Tuy nhiên, hiện xuất hiện những thuật ngữ nói về tình thế lưỡng nan, trong đó cho rằng các nước ở khu vực Thái Bình Dương phải lựa chọn giữa một “đối tác thay thế là Trung Quốc” và các đối tác truyền thống.

Trong khuôn khổ bài viết đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu Lowy (Lowyinstitute.org), tác giả bài viết đưa ra những luận điểm phản đối quan điểm trên.

Theo tác giả, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể tham gia đối thoại có ý nghĩa về quan hệ với Trung Quốc mà không bị gán mác là “ủng hộ Trung Quốc” hoặc thậm chí là bị gán mác “ngây thơ.”

Một thách thức quan trọng đối với diễn đàn này là đảm bảo và duy trì sự đoàn kết giống như sự ủng hộ mạnh mẽ một “Thái Bình Dương Xanh." Giải pháp mà các nước khu vực tìm kiếm là một con đường mới tiến tới sự phát triển mà có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trong khu vực.

Năm 2017, lãnh đạo diễn đàn tái củng cố cam kết của mình đối với sứ mệnh trên bằng cách thông qua văn kiện diễn giải về Thái Bình Dương Xanh và coi đây là động lực cốt lõi cho hành động tập thể để thúc đẩy việc thực hiện tầm nhìn Thái Bình Dương thịnh vượng theo Khuôn khổ Chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương mà lãnh đạo diễn đàn thông qua năm 2014.

Năm 2018, chủ đề chính của hội nghị diễn đàn này ở Nauru đã kêu gọi một Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn và sự cần thiết trong việc thực hiện mạnh mẽ hơn ý chí của các nước trong việc xác lập một khu vực Thái Bình Dương mà họ mong muốn.

Thông qua chủ đề này, diễn đàn đang tìm kiếm cơ hội để phát triển thêm diễn giải về Thái Bình Dương Xanh đồng thời củng cố thêm vị thế sở hữu chính trị trong quá trình thực hiện những mong muốn phát triển khu vực.

“Bạn với tất cả”

Các lãnh đạo diễn đàn đã nhiều lần khẳng định rằng họ đánh giá cao đối với những mối quan hệ cởi mở và thực chất, cũng như những mối quan hệ đối tác bền vững và bao hàm trong và ngoài khu vực.

“Là bạn với tất cả” là cách tiếp cận được chấp nhận rộng rãi dù một số nước đưa ra cam kết mang tính chính thức hơn đối với nguyên tắc này thông qua vị thế không liên kết của họ.

Sự hiện diện về kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, cùng với sức mạnh chính trị và kinh tế ngày càng lớn mạnh trên quy mô toàn cầu của Bắc Kinh, đem lại cả thách thức và cơ hội đối với Thái Bình Dương Xanh.

Thực ra, nếu có một từ ngữ nào đó để thể hiện cách gọi của các thành viên diễn đàn về sự hiện diện này của Trung Quốc, thì đó là từ “tiếp cận.” Tiếp cận thị trường, công nghệ, tài chính, cơ sở hạ tầng. Tiếp cận đến một tương lai tốt đẹp. Ví dụ, Australia tiếp cận thị trường của Trung Quốc khiến Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canberra về cả xuất nhập khẩu.

Ở một phạm vi rộng lớn hơn, các nước thành viên diễn đàn này đã bị gạt ra khỏi các hoạt động hỗ trợ tài chính, công nghệ và cơ sở hạ tầng vốn có thể cho phép họ tham gia đầy đủ vào một thế giới toàn cầu hóa.

Nhiều nước coi Trung Quốc và lợi ích ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực này là một cơ hội để thay đổi điều này. Để có được cơ hội này, tác giả cho rằng không nên chỉ đơn thuần xét về những cơ hội mà mối quan hệ với Trung Quốc đem lại mà cần tính đến hàng loạt những cơ hội nảy sinh trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy. Sự hiện diện của Trung Quốc khi ấy đồng nghĩa với việc các đối tác khác, mới và cũ, sẽ phải tái thiết lập thứ tự ưu tiên của mình và thúc đẩy sự can dự của họ trong khu vực.

Lãnh đạo diễn đàn nắm bắt sắc bén về thời điểm lịch sử hiện nay và những cơ hội mà nó đem lại để biến thành hiện thực những kết quả phát triển tốt đẹp hơn cho người dân và các nước trong khu vực. Trong bối cảnh này, có lẽ, thách thức quan trọng đối với các nước Thái Bình Dương Xanh là khả năng đánh giá thấu đáo những kết quả mà những cơ hội này có thể đem lại cho khu vực.

Dĩ nhiên, các nước thành viên có đặc quyền trong việc tận dụng tình hình để đem lại lợi ích cho quốc gia mình. Tuy nhiên, tác giả cho rằng tình hình hiện nay cũng đem lại cơ hội chưa từng có tiền lệ để khu vực phát triển và đạt được sự giàu có trong tương lai.

Cách tiếp cận của khu vực đối với Trung Quốc

Việc thúc đẩy khu vực thực hiện được tầm nhìn đối với Thái Bình Dương Xanh đòi hỏi một cuộc đối thoại lâu dài và mang nặng về chính trị, không chỉ giữa các nước thành viên diễn đàn mà còn cả với các đối tác bên ngoài.

Năm 2018, các lãnh đạo đã kêu gọi đánh giá lại các cuộc họp và quá trình phát triển diễn đàn này để tìm ra biện pháp can dự tập trung và chiến lược hơn với tất cả đối tác đối thoại.

Đặc biệt, trong mối quan hệ với Trung Quốc, tác giả cho rằng đã đến lúc diễn đàn cần khởi động đối thoại về cách thức mà họ muốn can dự tập thể với Bắc Kinh. Như một phần của các cuộc đối thoại như vậy, cần tính đến tinh thần tốt đẹp của việc thiết lập một cơ chế đối thoại giữa Trung Quốc và các thành viên của diễn đàn, có thể giống như cuộc họp giữa lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương và Nhật Bản hoặc theo dạng thức như Đối thoại châu Phi-Trung Quốc.

[Nước cờ sai lầm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc]

Bắc Kinh đã có sẵn cơ chế của riêng mình khi can dự với khu vực Thái Bình Dương. Đó là Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế Quần đảo Thái Bình Dương-Trung Quốc. Mặc dù phải thừa nhận rằng vẫn tồn tại những vấn đề ngoại giao song không nên bỏ qua những cơ hội hiện hữu giúp thúc đẩy những ưu tiên tập thể của khu vực Thái Bình Dương Xanh. Điều này cần sự tham gia của tất cả thành viên diễn đàn theo đó cần sự đồng thuận mạnh mẽ hơn trong việc thiết lập một chương trình nghị sự chung.

Cơ sở hạ tầng vẫn là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững ở Thái Bình Dương. Cần có sự phân tích và thảo luận kỹ lưỡng về những cơ hội khi tham gia tập thể vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhất là khi đã có 9 nước thành viên của diễn đàn ký bản ghi nhớ chung để tham gia sáng kiến này.

Năm 2019 tạo ra cơ hội lớn lao khi Trung Quốc sẽ là nước tổ chức diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Việc tận dụng những cơ hội để mở rộng sáng kiến trên của Trung Quốc đến tận khu vực Thái Bình Dương Xanh có thể tạo cơ hội để kiến tạo hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực kèm theo đó là sự tiếp cận không chỉ về mặt kết nối địa lý mà còn thúc đẩy việc kiến tạo những thị trường thương mại mới giữa châu Á, Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.

Ngoài ra, điều này cũng tạo ra công nghệ và cơ sở hạ tầng hết sức cần thiết đối với việc xây dựng sự kết nối và tính bền vững cho Thái Bình Dương Xanh. Cuộc họp APEC 2019 có thể tạo chất xúc tác để khởi động đối thoại về những cơ hội nói trên.

Tóm lại, khu vực Thái Bình Dương Xanh cung cấp những tầm nhìn chiến lược qua đó bất kỳ đối thoại nào về “đối tác thay thế là Trung Quốc” phải xảy ra. Các đối thoại và dàn xếp chính trị cần được thúc đẩy bởi mục tiêu giàu có và thịnh vượng của Thái Bình Dương Xanh và người dân của khu vực này, chứ không phải bởi những mục tiêu và tham vọng của các thế lực khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục