Sự thật đằng sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của Trump

Các ông Mattis và Pompeo đã thực hiện 2 chiến dịch khác nhau, một người thu hẹp các chiến dịch quân sự chống IS, còn một người thực hiện chiến dịch ngoại giao giúp Mỹ có được tiếng nói tại Syria.
Sự thật đằng sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của Trump ảnh 1Các thành viên Lực lượng dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn trong chiến dịch chống tổ chức khủng bố Hồi giáo (IS) tự xưng ở gần Abu Kamal, tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria ngày 1/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin foreignpolicy, các chính sách của Mỹ một khi đã được quyết định thì không thể thay đổi. Một ví dụ điển hình là quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Syria - quyết định bị giới chuyên gia về chính sách đối ngoại chỉ trích là hấp tấp, nguy hiểm và phản bội các đồng minh người Kurd của Mỹ.

Quyết định thay đổi chính sách đối với Syria của Trump được mô tả là một điều bất ngờ. Tuy nhiên, trên thực tế, các quan chức của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch cho việc rút quân Mỹ khỏi Syria từ đầu năm 2018.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề của khu vực Trung Đông, yêu cầu giấu tên, nói: "Đây không phải là điều bất ngờ. Chúng tôi đã được thông báo về việc rút quân khỏi Syria ít nhất là từ hồi tháng 3/2018."

Theo quan chức này, đây là chỉ thị từ Nhà Trắng được truyền tới Ngoại trưởng Mike Pompeo - người đã nói với những trợ lý của mình rằng tổng thống đã cho ông và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là James Mattis thời hạn 6 tháng để chuẩn bị cho tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến tận tuần thứ 3 của tháng 12/2018, tuyên bố rút quân mới được thông báo chính thức.

Quan chức cấp cao nói trên cho biết: "Họ (Pompeo và Mattis) nghĩ rằng có thể thuyết phục ông ấy (Trump) từ bỏ ý định này."

Mặc dù vậy, cả Pompeo và Mattis đều bắt đầu thực hiện theo yêu cầu của tổng thống.

Từ tháng 4/2018, Mattis và Pompeo đã thực hiện 2 chiến dịch khác nhau. Mattis bắt đầu thu hẹp lại các chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực, còn Pompeo thực hiện một chiến dịch ngoại giao nhằm giúp Mỹ có được tiếng nói tại Syria sau khi cuộc nội chiến tại quốc gia này chấm dứt.

Quan chức này nói: "Mattis muốn tất cả các chiến dịch tấn công trên mặt đất ở Iraq và Syria phải chấm dứt vào cuối tháng 4/2018. Và ông ấy đã chính thức tuyên bố điều đó vào ngày 30/4. Ông ấy thậm chí còn kín đáo thừa nhận rằng IS chẳng còn nhiều lực lượng để chiến đấu."

Sự thật đằng sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của Trump ảnh 2Đoàn xe của các lực lượng Mỹ được triển khai tại làng Yalanli, ngoại ô phía tây thành phố Manbij, Syria, ngày 5/3/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh tuyên bố của Mattis, các quan chức cấp cao khác của Lầu Năm Góc nói rằng chính phủ Mỹ đã bắt đầu định hình lại ngôn ngữ sử dụng khi miêu tả cuộc chiến chống IS, chuyển từ cách nói năm 2015 của Trump rằng "đánh bom đuổi hết bọn chúng" sang kêu gọi "đánh bại vĩnh viễn" tổ chức khủng bố này.

[Mỹ vẫn chưa rút bất kỳ một một binh sỹ nào khỏi lãnh thổ Syria]

Cụm từ này sau đó đã được nhiều quan chức quân sự cấp cao sử dụng khi nói tới cuộc chiến chống IS.

Bị phần đông dư luận phớt lờ, song ám chỉ của cụm từ "đánh bại vĩnh viễn" khiến giới hoạch định chính sách của Washington bối rối bởi Mỹ có thể giết rất nhiều chiến binh của IS, song việc loại bỏ được hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này là điều không thể.

Cuối mùa Hè năm 2018, ngôn ngữ mới này đã trở thành một luận điểm được chấp nhận đối với cả các nhà ngoại giao lẫn quân sự cấp cao của Mỹ.

Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói trên cho biết: "Đến tháng 9/2018, tàn dư của IS tại Syria chỉ còn sót lại trong một số hang ổ nhỏ. Và thực sự, điều đó không được xem là một vấn đề lớn."

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất trong kế hoạch rút quân lại nằm trong tay của Bộ Ngoại giao.

Từ tháng 4/2018, Pompeo đã giao cho Cơ quan phụ trách các vấn đề cận Đông thuộc Bộ Ngoại giao xem xét một số biện pháp:

Biện pháp đầu tiên liên quan tới việc tham vấn với các nhà lãnh đạo của các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nói với họ rằng Mỹ sẽ rút quân vào cuối năm 2018.

Quan chức ngoại giao giấu tên nói: "Thông tin này được truyền đi trong khắp quân đội, từ chỉ huy này đến chỉ huy khác. Do đó, nói rằng người Kurd bị bất ngờ là không đúng sự thật. Họ đã được thông báo. Họ biết điều này sẽ xảy ra."

Biện pháp thứ hai là một kế hoạch nhằm thuyết phục các quốc gia vùng vịnh Persia cung cấp các chiến binh để củng cố lực lượng của người Kurd về mặt quân sự sau khi Mỹ rời đi.

Quan chức giấu tên nói trên cho biết ý tưởng này được cho là sẽ thất bại. Ông nói: "Saudi Arabia nói rằng họ sẵn sàng cung cấp lực lượng, song họ thực sự không thích ý tưởng này, thậm chí còn tính tới khả năng một số binh lính sẽ là người Sudan. Tuy nhiên, cuối cùng chính người Kurd đã bác bỏ ý tưởng này, họ không muốn người Arập."

Sự thật đằng sau tuyên bố rút quân khỏi Syria của Trump ảnh 3Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biện pháp cuối cùng là điều mà quan chức cấp cao giấu tên nói trên gọi là "con sóng ngoại giao" - sáng kiến do chính Pompeo đưa ra và giám sát, song do một ban gồm 3 quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao thực hiện, gồm Brian Hook - cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Ngoại giao; David Satterfield - người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề cận Đông; và James Jeffrey - người được Pompeo chỉ định hồi tháng 8/2018 làm đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách vấn đề Syria.

Ngoài 3 nhân vật này còn có 2 quan chức khác có kinh nghiệm về khu vực: cựu quan chức đã nghỉ hưu của Hội đồng An ninh Quốc gia, Đại tá Joel Rayburn, và Brett McGurk - đặc phái viên của Mỹ trong liên minh chống IS.

Quan chức ngoại giao giấu tên cho biết tháng 4/2018, có khoảng 10 nhà ngoại giao được giao nhiệm vụ về Syria, song đến tháng 8/2018, con số này tăng lên 20 người.

Việc chỉ định Jeffrey là đại diện đặc biệt phụ trách vấn đề Syria hồi tháng 8/2018 cho thấy Pompeo muốn tìm cách đưa Mỹ trở lại "cuộc chơi" tại Syria - bao gồm các cuộc hội đàm với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về một thỏa thuận nhằm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bảo vệ người Kurd và thúc đẩy một giải pháp chính trị sau các cuộc đàm phán tại Geneva và sau đó là tại Astana (Kazakhstan).

Tuy nhiên, nhà ngoại giao giấu tên cho biết biện pháp thứ ba này cũng không đi tới đâu do không ai lắng nghe phía Mỹ.

Nhà ngoại giao giấu tên cho biết ngày 3/12/2018, chỉ vài tuần trước khi Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, Jeffrey đã tuyên bố rằng Mỹ có "một sứ mệnh" tại Syria, đó là "đánh bại vĩnh viễn IS," nhưng ngay sau đó khẳng định rằng Mỹ sẽ rút lui khi tất cả các điều kiện được đáp ứng - bao gồm "rút toàn bộ các lực lượng do Iran lãnh đạo khỏi toàn bộ lãnh thổ của Syria và có một tiến trình chính trị không thể đảo ngược."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục