Sự "thay máu" cần thiết trong bộ máy nội các của Thủ tướng Anh

Xứ sở Sương mù chứng kiến cuộc "thay máu" sâu rộng trong bộ máy nội các của Thủ tướng David Cameron với hàng loạt quyết định bổ nhiệm.
Sự "thay máu" cần thiết trong bộ máy nội các của Thủ tướng Anh ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Philip Hammond giữ chức Ngoại trưởng Anh. (Nguồn: Telegraph)

Không hề có sự báo trước và sự việc chỉ bắt đầu tối 14/7 khi các bản tin ở Anh loan báo quyết định từ chức của Ngoại trưởng William Hague, chính khách kỳ cựu rất có uy tín cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Chỉ 24 giờ sau, Xứ sở Sương mù lại chứng kiến một cuộc "thay máu" sâu rộng trong bộ máy nội các của Thủ tướng David Cameron với hàng loạt quyết định bổ nhiệm, thuyên chuyển lần lượt được chủ nhân nhà số 10 phố Downing thông báo qua trang cá nhân Twitter.

Trong bối cảnh nước Anh sẽ diễn ra tổng tuyển cử sau 9 tháng nữa, cuộc cải tổ nội các lần này của ông Cameron cho dù là khá bất ngờ, song lại được đánh giá là cần thiết nhằm sắp xếp lại nhân sự một cách "hợp lòng dân" nhất trước khi diễn ra cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2015.

Việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Philip Hammond giữ chức Ngoại trưởng Anh được coi là một quyết định táo bạo. Ông Hammond, 58 tuổi, từng học tại trường công như cựu Ngoại trưởng Hague ở Essex trước khi theo học chính trị và triết học tại Đại học Oxford. Mặc dù có xuất phát điểm khiêm tốn hơn so với nhiều đồng nghiệp, song ông Hammond lại được cho là một trong những thành viên giàu có nhất trong nội các nhờ thành công trong các lĩnh vực kinh doanh nhiều ngành nghề trước khi trở thành nghị sỹ khu vực Runnymede và Weybridge năm 1997.

Đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 10/2011, ông Hammond được đánh giá là một nhà quản lý ấn tượng khi tiến hành các đợt cắt giảm mạnh ngân sách, chuẩn bị cho sự rút quân khỏi Afghanistan và thực hiện chương trình tinh giản biên chế lớn ở Bộ Quốc phòng mà không phải đối mặt với quá nhiều phản ứng tiêu cực. Ông Hammond cũng từng nêu quan điểm thẳng thắn rằng ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu "ngôi nhà chung" này không có những cải cách triệt để.

Với việc ông Hammond chuyển sang giữ chức Ngoại trưởng, vị trí Bộ trưởng Quốc phòng được giao cho Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Michael Fallon. Tuy nhiên, sự kiện được bình luận nhiều nhất có lẽ lại là sự "giáng chức" bất ngờ của Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove, người từng được coi là thành viên không thể thiếu trong lực lượng thân tín của Thủ tướng Cameron.

Bất chấp những lời lẽ tốt đẹp mà Thủ tướng Cameron dành cho cộng sự này trong vai trò mới là Chánh văn phòng phụ trách các nghị sỹ của đảng cầm quyền, giới quan sát vẫn cho rằng ông Gove thực tế đã bị giáng chức vì sự lãnh đạo không hiệu quả ngành giáo dục và người được bổ nhiệm vào vị trí của ông là một phụ nữ, bà Nicky Morgan.

Bên cạnh việc thay đổi các bộ trưởng, Thủ tướng Cameron cũng thực hiện nhiều cuộc điều chuyển cấp thứ trưởng tại hàng loạt bộ, bao gồm cả Bộ Tài chính và Bộ Giao thông, cũng như thay đổi người phụ trách các xứ.

Cuộc cải tổ nội các mà Thủ tướng Cameron tiến hành dù bất ngờ nhưng là điều tất yếu và cần thiết trong bối cảnh Đảng Bảo thủ đang phải nỗ lực hết sức giành lại thế trận trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Sau nhiều năm chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Anh đang có những dấu hiệu khởi sắc với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp giảm, tăng trưởng kinh tế được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo đạt 3,2% trong năm 2014, cao gần gấp rưỡi mức trung bình 2,2% của các nước thành viên OECD.

Báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng Tư vừa qua cũng đánh giá Anh là quốc gia sẽ đạt thành tích kinh tế tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Tuy vậy, Anh vẫn đang tiếp tục phải thực hiện chính sách khắc khổ, trong khi chất lượng sống của người dân nhìn chung bị giảm sút đáng kể. Sự bất bình của cử tri Anh đối với Chính phủ của Thủ tướng Cameron không chỉ thể hiện ở kết quả cuộc bầu cử địa phương hồi tháng Năm vừa qua khi liên minh cầm quyền giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do (LibDem) để mất hàng trăm ghế vào tay Công đảng đối lập và Đảng Độc lập Anh (UKIP). Các cuộc biểu tình, đình công thu hút sự tham gia của hàng triệu người làm công ăn lương, phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu của chính phủ diễn ra liên tục.

Trên mặt trận đối ngoại, đặc biệt là quan hệ với EU, Thủ tướng Cameron cũng đang đứng trước thách thức lớn. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra hồi tháng Năm với chiến thắng vang dội cho một đảng có quan điểm chống EU như UKIP buộc ông Cameron cũng phải thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với liên minh này nếu muốn giành thêm sự ủng hộ của những cử tri "hoài nghi châu Âu."

Thủ tướng Cameron từng cam kết sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017 nếu ông thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, song đó là câu chuyện của tương lai và còn kèm chữ "nếu" nên không ai dám chắc sẽ xảy ra, nhất là khi mới đây ông đã thất bại trong việc ngăn chặn châu Âu bầu cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker vào ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Vì lẽ đó, việc thay đổi một loạt nhân sự cấp cao của Thủ tướng Cameron không chỉ giúp chính phủ của ông lấy lại lòng tin của cử tri mà còn có thêm sức mạnh để giành lại quyền lực từ Brussels cũng như tái thương lượng về mối quan hệ với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục