Sữa cho trẻ em: Tỷ lệ độ đạm bao nhiêu là hợp lý?

Quy định là sữa bột phải có tỷ lệ đạm 34%, nhưng tại sao các loại sữa trẻ em VN đang dùng hầu hết chỉ dưới 20% và dùng thế nào là hợp lý?

Chưa bao giờ thị trường sữa lại trở nên sôi động như những ngày sau Tết Quý Tị. Giá sữa tăng rồi đến vụ lùm xùm về sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm với những ghi vấn về chỉ tiêu hàm lượng đạm không đạt đã khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng.

Vậy, làm thế nào để nhận biết và phân biệt giữa sữa bột và các loại thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung? Trẻ em thì được dùng các loại sữa hay thực phẩm với độ đạm bao nhiêu là hợp lý? Đó cũng chính là những băn khoăn không chỉ của riêng các bà mẹ..., nhất là trong bối cảnh hầu hết việc lựa chọn thực phẩm đều theo cảm tính và phong trào.


Hoang mang tỷ lệ đạm dưới 34%

Chị Nguyễn Thị Xuân ở Hoàng Quốc Việt  (Cầu Giấy) cho hay, từ trước đến nay chị lựa chọn sữa cho bé nhà mình theo kinh nghiệm trao đổi từ những đồng nghiệp. Thấy bé nhà đồng nghiệp dùng ổn loại sữa của hãng Abbott nổi tiếng, tăng trưởng đều nên chị lựa chọn.

Nhưng gần đây báo chí đưa nhiều thông tin về độ đạm của nhiều loại thực phẩm dạng sữa dưới tiêu chuẩn. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột do Bộ Y tế ban hành năm 2010 nêu rõ, những sản phẩm sữa có hàm lượng đạm 34% mới được gọi là sữa bột.

Sau khi đọc những thông tin trên chị Xuân mới ngỡ ngàng khi thấy sản phẩm sữa bột Gain Plus đang dùng cho con có độ đạm chỉ đạt 17%. Chị Xuân rất băn khoăn và lo lắng vì không hiểu hàm lượng đạm như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không?

Theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, trên thị trường hiện nay, hầu hết các sản phẩm vốn được người dân vẫn xem như là sữa dành cho trẻ em đều có tỷ lệ đạm dưới 20%.

Chẳng hạn như hãng Abbott thì có rất nhiều sản phẩm dạng sữa dành cho trẻ nhỏ như: Thức ăn công thức tiếp theo Gain Plus (dành cho trẻ từ 1-3 tuổi) có ghi lượng đạm/100 g bột là 17%; sữa bột – giai đoạn chuyển tiếp Similac Gain, có hàm lượng đạm là 17%; sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt PediaSure (cho trẻ từ 1-10 tuổi), lượng đạm 13,87%; thức ăn công thức cho trẻ sơ sinh Similac, lượng đạm là 10,6%.

Với hãng Meiji thì có các sản phẩm như sữa bột tiếp theo Meiji Gold số 2, cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi, lượng đạm 16%; sữa bột tăng trưởng Meiji Gold số 3 (cho bé từ 1-3 tuổi), lượng chất đạm là 20%, sữa bột tăng trưởng cho trẻ em Meiji Gold số 4 (cho bé từ 3-7 tuổi), lượng chất đạm là 20%.

Nestle thì có các sản phẩm như sữa bột khởi đầu Nanpro số 1, sữa bột tiếp theo Nanpro số 2, cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi, với lượng đạm là 14,50%; thức ăn công thức dinh dưỡng NanGro 3, cho trẻ từ 1-3 tuổi, lượng chất đạm là 14,49%.

Ngoài ra, các sản phẩm dạng sữa của các hãng khác cho trẻ em từ 1-3 tuổi như Morinaga, Friso; Vinamilk thì đều có hàm lượng đạm trong khoảng dưới ngưỡng 20%.

Sữa cho trẻ em: Tỷ lệ độ đạm bao nhiêu là hợp lý? ảnh 1  
Các bảng thành phần các chất trên nhiều hộp sữa dinh dưỡng giờ đây được người tiêu dùng rất quan tâm.
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Không phải cứ nhiều đạm là tốt

Trao đổi về những băn khoăn, thắc mắc về độ đạm trong sữa của người tiêu dùng về việc nhiều sản phẩm sữa công thức chỉ có tỷ lệ đạm dưới 20%, trong khi chuẩn phải là 34%, ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn Thực phẩm cho hay, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với các sản phẩm sữa dạng bột hiện hành, điều kiện hàm lượng đạm trong sữa ở mức 34%.

Theo Quy chuẩn quốc gia đối với sữa dạng bột do Bộ Y tế ban hành, sữa bột là các sản phẩm được chế biến bằng cách loại bỏ nước ra khỏi sữa hoặc thêm, bớt một số thành phần của sữa nhưng giữ nguyên thành phần, đặc tính của sản phẩm và không làm thay đổi tỷ lệ giữa whey protein và casein của sữa nguyên liệu ban đầu. Theo đó, sữa bột bao gồm sữa bột nguyên chất, sữa bột đã tách béo một phần và sữa bột gầy.

Ông Giang phân tích, những sữa mà đủ 34% độ đạm thì nó là nguyên chất, vì vậy trong đó có thành phần không dễ tiêu hóa cho nhiều người. Chẳng hạn như những người bị bệnh thận, bị bệnh gút thì không thể dùng sữa có độ đạm nhiều như vậy. Còn đối với trẻ em cũng không thể sử dụng các sản phẩm sữa có độ đạm trên. Vì vậy, những sản phẩm trên khi dùng cho trẻ em thì các nhà sản xuất phải giảm bớt thành phần đạm đi và bổ sung thêm những chất khoáng, vitamin tốt cho trẻ em như DHA, EPA, kẽm…

Theo ông Giang, việc bổ sung thêm các thành phần khác để giảm độ đạm tùy thuộc vào nhà sản xuất nghiên cứu với từng nhóm tuổi. Do vậy, khi nhà sản xuất giảm độ đạm đi và bổ sung thêm các chất khác vào thì những sản phẩm đó áp theo quy định là thực phẩm bổ sung. Do vậy các sản phẩm dạng sữa bổ sung dinh dưỡng, sữa bột công thức dành cho trẻ em và nhiều đối tượng đặc biệt không thể áp dụng theo tiêu chuẩn 34% độ đạm được.

Ở góc độ y học về hàm lượng đạm đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích: “Về mặt khoa học, trong các loại sữa nguyên chất như sữa bò, hàm lượng đạm của chúng rất cao… Chúng ta cứ thử một phép tính. Con bò chỉ 1 năm thành bò trưởng thành, trong khi đó con người phải 18 năm mới trưởng thành. Sự trưởng thành của con người chậm là do lượng protein trong sữa thấp hơn so với con bò. Do đó con người không thể sử dụng sữa nguyên chất của con bò. Vì vậy các doanh nghiệp trong quá trình làm ra các sản phẩm từ sữa họ phải lược bớt thành phần đạm đi.”

Ông Dũng chiếu theo các tiêu chuẩn quốc tế, thành phần đạm trong các loại sữa công thức dành cho trẻ nhỏ hợp lý nằm trong khoảng 14-15%. Nếu trẻ nhỏ ăn sữa nhiều độ đạm cho phép sẽ dẫn tới tình trạng béo phì, có nhiều trường hợp còn bị suy dinh dưỡng.

"Nguyên nhân là do vì sự tiêu hóa và hấp thụ của trẻ nhỏ chưa thể tiêu hóa và hấp thụ được lượng đạm quá nhiều trong cơ thể dễ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Có trẻ hấp thụ được thì lại gây ra tình trạng béo phì, thừa cân," ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề sữa nội và sữa ngoại hiện cũng được nhiều người tiêu dùng băn khoăn. Cùng một hàm lượng sữa có những thành phần giống nhau, nhưng nhiều người có tâm lý “sính” hàng ngoại lựa chọn hàng xách tay hơn hàng nội địa.

Về góc độ khoa học, giáo sư Dũng phân tích hàng xách tay tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Bởi nguyên tắc một sản phẩm nào đó, thì nó cũng có quy trình chất lượng riêng từ khâu đóng gói, cất giữ đến vận chuyển... và có thể bị biến hóa hay mất đi do quá trình này không đúng quy cách.

"Đơn cử, khi nhà sản xuất vận chuyển theo một khối lượng lớn bao giờ họ cũng có quy trình đóng gói và bảo quản cẩn thận về nhiệt độ hay độ ẩm. Còn những trường hợp mang hàng xách tay thì họ cầm trên tay, cho vào vali đi máy bay, tàu biển không theo một quy trình bảo quản nào nên các thực phẩm như sữa dễ bị mất phẩm chất", ông Dũng cho hay.

Vì vậy, ông Dũng cũng khuyến cáo người dân khi lựa chọn những sản phẩm dạng sữa cần phù hợp theo lứa tuổi và những tiêu chuẩn bảo quản./.

Theo tiêu chuẩn Codex quốc tế mà WHO ban hành, sữa công thức cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 12 tháng tuổi) hoặc sữa có mục đích y tế đặc biệt cho trẻ sơ sinh, có thể dùng thay thế một phần hoặc hoàn toàn sữa mẹ, phải có hàm lượng đạm nằm trong khoảng từ 11,25 đến 18,57%.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục