Sửa đổi Hiến pháp: 'Mùa xuân Arập trái mùa" ở Ai Cập?

Nhiều nhân vật đối lập đã gọi những đề xuất sửa đổi Hiến pháp Ai Cập là “Mùa Xuân Arab trái mùa” và là “âm mưu làm chệch hướng phong trào hướng tới một nhà nước dân chủ dân sự hiện đại.”
Sửa đổi Hiến pháp: 'Mùa xuân Arập trái mùa" ở Ai Cập? ảnh 1Cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp tại Shubra, Ai Cập, ngày 20/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trang mạng presstv.com ngày 17/4 đăng bài phân tích về tình hình tại Ai Cập, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội nước này vừa thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp.

Bài viết có nội dung như sau: Quốc hội Ai Cập đã bỏ phiếu ủng hộ một số nội dung sửa đổi Hiến pháp, theo đó sẽ kéo dài thời gian cầm quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Điều đáng chú ý là Hiến pháp sửa đổi sẽ cho phép Sisi tại vị đến tận năm 2030.

Cơ quan lập pháp với 596 ghế này, vốn bị chi phối với những người trung thành với Tổng thống Sisi, cũng ủng hộ nhiều thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng khác đối với Hiến pháp hiện hành, trong đó có việc tạo cho quân đội có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong đời sống chính trị cũng như trao cho Sisi quyền kiểm soát nhiều hơn đối với bộ máy tư pháp.

Nhật báo Al-Ahram bằng tiếng Arab và đài truyền hình Nile TV đưa tin: “Nhiệm kỳ hiện nay của tổng thống (Sisi) sẽ kết thúc vào cuối nhiệm kỳ 6 năm tính từ thời điểm ông được bầu làm tổng thống năm 2018. Ông ấy có thể được bầu lại để làm thêm một nhiệm kỳ (6 năm) nữa.”

Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel Aal cho biết 531 đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp và 22 người đã bỏ phiếu chống.

Theo Abdel Aal, những nội dung sửa đổi Hiến pháp này là kết quả của các cuộc đối thoại đã diễn ra suốt 2 tháng qua. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Hiến pháp mới sẽ được soạn thảo trong thập kỷ tới. Đây là dấu hiệu cho thấy Sisi có thể có thêm một cơ hội nữa để kéo dài nhiệm kỳ sau năm 2030.

[Nỗi lo lắng lớn của các nhà lãnh đạo ở Trung Đông và Bắc Phi]

Ông Abdel Aal nói: "Chúng ta cần một bản Hiến pháp mới; không có cách nào khác là chúng ta sẽ phải có một bản Hiến pháp hoàn toàn mới trong vòng 10 năm tới.” Nghị sỹ Mohamed Abu Hamed, nhân vật ủng hộ việc kéo dài thời gian cầm quyền của Sisi, cho rằng những thay đổi này là cần thiết nhằm cho phép tổng thống hoàn tất chương trình cải cách chính trị và kinh tế.

Hamed nhấn mạnh: “Hiến pháp năm 2014 được soạn thảo trong tình trạng đặc biệt khó khăn.” Theo ông, Sisi là một vị tổng thống “đã thực hiện những biện pháp chính trị, kinh tế và an ninh quan trọng… và phải để ông ấy tiếp tục thực hiện các cải cách.”

Trước đó, nhiều nhân vật đối lập đã gọi những đề xuất sửa đổi Hiến pháp là “Mùa Xuân Arab trái mùa” và là “âm mưu làm chệch hướng phong trào hướng tới một nhà nước dân chủ dân sự hiện đại.”

Các nhà chức trách Ai Cập đã đóng cửa hơn 34.000 trang web trong một nỗ lực nhằm hạn chế “Chiến dịch Lên tiếng,” vốn được phát động để kêu gọi người Ai Cập lến tiếng phản đối sửa đổi Hiến pháp.

Chiến dịch này đã thu thập được hơn 250.000 chữ ký và thực hiện trên 5 trang web mới để đối phó với sự cấm đoán của nhà chức trách nước này.

Những nhân vật của công chúng - trong đó có các diễn viên Khaled Abol Naga và Amr Waked, những người chỉ trích việc sửa đổi Hiến pháp - cho rằng đây là một hành động “tham quyền cố vị.”

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Waked nói: “Những thay đổi này sẽ khiến chúng ta trở về thời kỳ độc tài.” Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho rằng với việc thông qua sửa đổi Hiến pháp, những thành viên Quốc hội Ai Cập đã cho thấy “sự hoàn toàn thiếu tôn trọng nhân quyền.”

Phó Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của AI Magdalena Mughrabi đánh giá rằng những thay đổi này nhằm mở rộng các vụ xét xử của quân đội đối với dân thường, hủy hoại tính độc lập của bộ máy tư pháp và làm gia tăng các vụ vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh mà không bị trừng phạt.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cũng đã lên tiếng chỉ trích việc sửa đổi Hiến pháp ở Ai Cập, cho rằng chúng sẽ “thể chế hóa chủ nghĩa độc tài.”

Sisi lên nắm quyền hồi tháng 6 năm 2014, một năm sau khi ông lãnh đạo quân đội đảo chính và phế truất tổng thống được bầu một cách dân chủ đầu tiên là Mohamed Morsi. Sisi tái đắc cử hồi tháng 3/2018 với hơn 97% số phiếu ủng hộ trong một cuộc đua gần như “đơn mã.”

Các nhóm nhân quyền thường xuyên lên tiếng chỉ trích chính quyền của Sisi về việc trấn áp các nhà hoạt động đối lập và những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo của Morsi, tổ chức vốn bị cấm hoạt động ở quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, AI cũng đã cảnh báo rằng người Ai Cập đang phải đối mặt với cuộc trấn áp chưa từng có về tự do ngôn luận dưới thời Sisi. Theo AI, Ai Cập đã biến thành một “nhà tù ngoài trời” đối với những người bất đồng chính kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục