Sửa đổi hiến pháp Nhật Bản: Giấc mơ xa vời của Abe?

Tại đại hội đảng thường niên của LDP vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn mạnh mẽ của mình là sửa đổi Điều khoản 9 của hiến pháp, chính thức trao quy chế hợp pháp đầy đủ cho JSDP.

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, tháng Hai vừa qua, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã tổ chức đại hội đảng thường niên của mình.

Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ của mình là sửa đổi Điều khoản 9 của Hiến pháp, chính thức trao quy chế hợp pháp đầy đủ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDP).

Bất chấp sự sốt sắng này của ông, sự sửa đổi hiến pháp bao gồm sửa đổi Điều khoản 9 này hiện vẫn là một mục tiêu quá xa vời với ông Abe, đặc biệt trong bối cảnh thời gian còn lại của ông tại nhiệm sở đã không còn nhiều. Mong muốn hoàn tất việc sửa đổi hiến pháp của ông Abe là điều ai cũng biết.

Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông luôn lớn tiếng ủng hộ điều này. Trao quy chế hợp hiến đầy đủ cho JSDP là một mục tiêu nhất quán kể từ khi LDP đưa ra đề xuất sửa đổi hiến pháp vào tháng 4/2012, mặc dù những thay đổi khác được đề xuất đều đã bị từ bỏ do công chúng phản đối.

Tuy nhiên, ông Abe vẫn luôn phải đối mặt với một số thách thức lớn trong nỗ lực đạt được mục tiêu này từ nay đến khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng vào cuối năm 2021.

Đảng liên minh với LDP là Komeito đã không ký vào bản sửa đổi này. Để khởi động cuộc hội kiến với Komeito - và cho phép các thành viên LDP trao đổi với chính các cử tri của mình - đảng này đã đưa ra bốn đề xuất sửa đổi hiến pháp vào tháng 3/2018: Điều khoản 9, định nghĩa về “tình trạng khẩn cấp quốc gia,” cấu trúc bầu cử Thượng viện trong Nghị viện, và giáo dục.

Thế nhưng một năm sau, việc thảo luận để hoàn tất các chi tiết trong những đề xuất sửa đổi vẫn chưa được khởi động. Khúc mắc này nảy sinh từ việc Komeito công khai phản đối chi tiết trong sửa đổi Điều khoản 9.

Việc thuyết phục Komeito ủng hộ kế hoạch của LDP cũng sẽ khiến chính phủ ông Abe chưa thể chính thức đưa ra đề xuất sửa đổi với vấn đề liên quan đến Nghị viện. Khả năng chính phủ có thể đưa ra dự thảo sửa đổi hiến pháp lên Nghị viện thậm chí cũng không chắc chắn.

Ông Abe sẽ phải nỗ lực hết mình từ nay đến khi mãn nhiệm để đạt được sự sửa đổi hiến pháp này. Ông phải giành thắng lợi trong hai cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay - một cuộc bầu cử địa phương vào tháng Tư tới và một cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng Bảy tới.

Chính phủ của ông Abe còn đang bị chỉ trích vì tăng thuế tiêu thụ từ 8% hiện nay lên 10% vào tháng Chín năm nay.

[Khả năng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kéo dài thêm nhiệm kỳ tiếp theo?]

Chính phủ ông cũng sẽ phải nỗ lực để tổ chức thành công một số sự kiện quốc tế, trong đó phải kể đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng Sáu tới, Cúp Bóng Bầu dục Thế giới từ tháng 9-11 tới và hoạt động chào mừng lễ Kế nhiệm Hoàng gia Nhật từ tháng 4-10 năm nay.

Thế nhưng dù Thủ tướng Abe có thành công trong công tác điều hành các sự kiện quan trọng này, Thế vận hội Tokyo 2020 có khả năng sẽ ngốn nốt nguồn vốn chính trị còn lại vào cuối năm 2019.

Với hàng loạt sự kiện trong nước và quốc tế đang chờ đón ông Abe trong 18 tháng tới đây, ông có thể còn rất ít vốn liếng chính trị để xúc tiến việc sửa đổi hiến pháp trong Nghị viện.

Và dù Thủ tướng Abe có thể thuyết phục Komeito ký vào đề xuất sửa đổi hiến pháp của LDP và nó có được Nghị viện thông qua đi chăng nữa, ông cũng có thể không đạt được đủ sự ủng hộ của công chúng.

Theo một cuộc thăm dò dư luận tiến hành hồi tháng 4/2018 (không lâu sau khi LDP đưa ra đề xuất chi tiết về sửa đổi hiến pháp, bao gồm sửa đổi Điều khoản 9), có gần 70% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên ưu tiên xử lý các vấn đề khác trước.

Ngay trong số những người tham gia cuộc thăm dò tự xưng mình là người ủng hộ LDP, cũng có hơn 50% tin rằng cần ưu tiên các vấn đề khác hơn là việc sửa đổi hiến pháp.

Ngoài sự quyết tâm của bản thân, tất cả những nhân tố trên đều cho thấy rõ thực tế bất lợi của ông Abe.

Ông đang không có cả thời gian lẫn sự ủng hộ cần thiết của công chúng để theo đuổi sự sửa đổi hiến pháp trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của nhiệm kỳ thủ tướng.

Bất chấp sự kiên định trong việc đưa ra các quyết định chính sách thực dụng kể từ khi ông lên cầm quyền vào tháng 12/2012, Abe đã không thể rũ bỏ hình ảnh một chính trị gia cánh hữu luôn muốn xóa sạch hình tượng một đất nước yêu chuộng hòa bình của Nhật Bản thời hậu chiến.

Sự sửa đổi hiến pháp này có thể là một vấn đề mà người kế nhiệm của ông Abe nên từ bỏ thì tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục