Sửa đổi Luật Điện ảnh: Vẫn 'điệp khúc' tiền kiểm và hậu kiểm phim

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần làm rõ quy định để tiền kiểm và hậu kiểm

Trái với hai phân loại độ tuổi mới là PG và C21, các nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh vẫn cần được làm rõ, bởi nó còn ảnh hưởng tới công đoạn tiền kiểm hay hậu kiểm các bộ phim.
Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần làm rõ quy định để tiền kiểm và hậu kiểm ảnh 1Chủ trì hội nghị là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành (từ trái sang). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trong buổi Hội nghị-hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (Sửa đổi) - khu vực phía Bắc sáng ngày 9/12, do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều vấn đề đã được đưa ra để tiếp tục "mổ xẻ" như quản lý nội dung video, phim ảnh online, xây dựng các quỹ hỗ trợ điện ảnh, cơ chế kiểm duyệt phim... Một trong số những nội dung đáng chú ý nhất là bổ sung về phân loại độ tuổi và đóng góp ý kiến về quy định tiền kiểm/hậu kiểm.

Bổ sung phân loại độ tuổi và nội dung cấm

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp (Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện, Cục Điện ảnh), một bộ phim cần bảo đảm hai yếu tố trước khi được cấp phép phổ biến. Đầu tiên, bộ phim sẽ được thẩm định - đảm bảo không vi phạm những nội dung đã bị cấm trong luật Điện ảnh sửa đổi. Sau đó, Hội đồng thẩm định (Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện) sẽ gắn mác phim theo các loại được quy định sẵn.

Trong Dự thảo lần 3 được công bố tại hội nghị-hội thảo này, Luật Điện ảnh sửa đổi đã bổ sung thêm mức PG và C21. Trong đó, phim gắn mác PG13 (“parental guidance”) cho phép trẻ dưới 13 tuổi được xem phim, với điều kiện có cha, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng; còn mác C21 là phim không dành cho khán giả lứa tuổi dưới 21.

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần làm rõ quy định để tiền kiểm và hậu kiểm ảnh 24 mác phân loại phim cũ. (Ảnh minh họa)

Trước đó, kể từ 2017, các phim được phân theo 4 loại: loại P - phim thích hợp với mọi độ tuổi, các loại C13, C16, C18 lần lượt cấm khán giả ở độ tuổi dưới 13, 16 và 18. Bốn mác này là sự bổ sung cho hệ thống phân loại trước đó (từ 2007 đến 2017), vốn chỉ có 2 loại: G - phim dành cho mọi lứa tuổi và NC16 - phim cấm khán giả dưới 16 tuổi.

Song cũng có ý kiến cho rằng sự phân loại giữa mác C18 và C21 không thật rõ ràng, ban soạn thảo nên cân nhắc về sự bổ sung này, có thể chỉ cần để lại mác C18 là đủ.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết hiện nay Dự thảo lần 3 đã bổ sung thêm những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Đây là những nội dung mà Hội đồng thẩm định sẽ lấy làm cơ sở để quyết định có cho phép phát hành phổ biến một bộ phim nào đó không. 

Những nội dung cấm này được trích ra từ các văn bản luật có từ trước ở nhiều lĩnh vực khác, nghiêm cấm các hoạt động điện ảnh có nội dung tuyên truyền, tiết lộ thông tin bí mật, chống phá nhà nước, kích động chiến tranh xâm lược, xuyên tạc sự thật lịch sử, chủ quyền quốc gia, xúc phạm, bôi nhọ dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc… Mặt khác, nghiêm cấm hành vi phổ biến phim chưa được cấp phép hoặc sai nội dung đã được quy định khi cấp phép. 

Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp kỳ vọng việc thẩm định và phân loại có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và hài hòa của nền điện ảnh. Cụ thể, các bộ phim trong nước chỉ cần hậu kiểm (nếu cần), các bộ phim từ nước ngoài thì cần tiền kiểm do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm chính trị, xung đột tôn giáo...

Đối với các bộ phim trong nước, việc thẩm định phim nên được giao cho chính các đơn vị sản xuất, phát hành tự làm, khuyến khích quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đoàn làm phim. “Không nên sợ họ thiếu khả năng bởi họ sẽ phải tự đi tìm kiếm chuyên gia. Một khi đã quen với việc ấy, Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ ăn sâu vào tâm trí họ,” ông Trần Thanh Hiệp nêu quan điểm.

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần làm rõ quy định để tiền kiểm và hậu kiểm ảnh 3Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp. (Ảnh: thegioidienanh.vn)

Bổ sung quy định các điều cấm là vậy, tuy nhiên Cục trưởng Vi Kiến Thành thừa nhận các nội dung này chưa đủ cụ thể, đặc biệt là trong tình huống cho phép đơn vị làm phim tự thẩm định và phân loại.

“Cần xác định rõ ràng hơn nữa những nội dung cấm để sát với đặc điểm của điện ảnh Việt Nam. Cũng cần cụ thể về giới hạn của nội dung được cho là nhạy cảm như tình dục, bạo lực...; đến mức độ nào là vi phạm, mức độ nào thì dán nhãn nào... để giám đốc đơn vị sản xuất, hội đồng nghệ thuật của đơn vị sản xuất có thể chủ động tránh,” ông cho biết. 

Song đối với phim nước ngoài, ông Trần Thanh Hiệp cho rằng cần quản lý theo hướng tiền kiểm, dưới thẩm quyền của Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện. “Chúng ta từng có những bài học đau đớn, tiền kiểm rồi mà vẫn còn sơ sẩy” ông cho biết.

[Rút giấy phép nếu doanh nghiệp không khắc phục vi phạm đường lưỡi bò]

Năm 2018 và 2019, Cục Điện ảnh vướng phải rắc rối khi đưa ra rạp 2 bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ”“Everest: Người tuyết bé nhỏ.” Trong “Điệp vụ Biển Đỏ” (2018), 2 phút cuối bộ phim gây tranh cãi vì có cảnh các chiến hạm Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa, yêu cầu tàu này phải rời khỏi khu vực biển mà trong phim gọi là “South China Sea.” Năm 2019, Cục tiếp tục để “lọt” hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò trong phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” gây tranh cãi trong dư luận.

Về vấn đề hậu kiểm hay tiền kiểm, bà Ngô Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn BHD cũng mong muốn cơ chế công bằng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Dù là tiền kiểm hay hậu kiểm thì cần có chung chính sách áp dụng chung cho cả các doanh nghiệp trong và nước ngoài. Các ứng dụng OTT nước ngoài hiện nay không chịu sự quản lý nào, trong khi phim ảnh trong nước cần phải tiền kiểm”, bà Hạnh nói.

Chia sẻ với VietnamPlus, Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp cho biết Hội đồng duyệt phim có 11 người, trong đó có quá bán là những người ở độ tuổi trên 60. Đây là công việc không mấy vui vẻ với người trẻ. “Người trẻ ở tuổi đang sung sức, nếu phải ngồi thẩm định 6 phim mỗi tuần sẽ khá mệt mỏi, không sáng tác được, muốn làm phim cũng khó.”

“Xin thưa, ngồi trong hội đồng duyệt phim là một nỗi khổ,” ông Nguyễn Danh Dương, giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (đơn vị phát hành phim lớn nhất của nhà nước hiện nay) chia sẻ về khó khăn của công việc. Theo quy định của nhà nước, thù lao mỗi phim chỉ 100-200.000 đồng. Ông cũng cho biết hội đồng từng mời các cá nhân từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội… tới làm việc chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng xin nghỉ.

“Việc thẩm định phân loại thực sự là khó khăn, trong khi xã hội cũng đòi hỏi sự cởi mở. Vì vậy, rất mong sự thông cảm với áp lực đối với hội đồng thẩm định,” ông Nguyễn Danh Dương chia sẻ.

Ngay trong hội nghị hội thảo này, Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã đưa ra quyết định mới về thời điểm giải trình Luật Điện ảnh sửa đổi, đẩy sớm thời gian từ tháng 10/2021 lên tháng 6/2021. Điều này khiến cho ban soạn thảo phải chịu sức ép về tiến độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục