Sửa đổi Luật Giáo dục cần nhắm vào vấn đề bức xúc

Các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Nhưng đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi.
Sáng 3/10, tại Hà Nội, tiếp tục phiên họp thứ 24, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục.

Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 cũng như đề án tổng thể về cải cách giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, lần thứ bảy và lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để các điều, khoản quy định trong dự thảo có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật Giáo dục năm 2005; giúp cho việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này thực sự thuyết phục.

Về Điều 50, đa số thành viên Ủy ban cho rằng cần làm rõ hơn các điều kiện thành lập nhà trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai khâu: quyết định thành lập nhà trường và đăng ký hoạt động giáo dục; nghiên cứu, thiết kế lại các điều, khoản sao cho rõ ràng, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với Luật Đầu tư và theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Mặt khác, các ý kiến cũng cho rằng cần có quy định trong trường hợp nào thì nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể, đảm bảo kỷ cương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học (khoản 1 Điều 51), nhiều thành viên Ủy ban đồng ý việc xác định rõ thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, một số trường có vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân như đại học Quốc gia, trường đào tạo chất lượng cao có sự quan tâm đầu tư tài chính, nguồn nhân lực của Nhà nước, thì cần chủ trương của Thủ tướng, sau đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới quyết định. Cần có sự phân cấp rõ ràng và quy định rõ ràng, chặt chẽ, thống nhất về các điều kiện cụ thể.

Về đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt (Điều 38, 43), nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu công nhận và cấp văn bằng sau đại học tương ứng để khuyến khích người học và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục