Sửa đổi quy chế đối với việc tập sự hành nghề luật sư

Sáng 10/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư mới về quy chế tập sự hành nghề luật sư.
Sáng 10/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư và Thông tư mới thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP về quy chế tập sự hành nghề luật sư.

Các thông tư này góp phần đảm bảo các quy định về tập sự hành nghề luật sư phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư có hiệu lực thi hành từ 1/7, nâng cao chất lượng hành nghề luật sư, chất lượng dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp cho khách hàng.

Sau 2 năm triển khai, Thông tư số 21/2010/TT-BTP về quy chế tập sự hành nghề luật sư đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như nhiều trường hợp đăng ký tập sự chỉ mang tính hình thức, việc giám sát tập sự hành nghề luật sư của các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện có hiệu quả, báo cáo tập sự hành nghề luật sư còn sơ sài, mang tính hình thức, chưa thể hiện được quá trình tập sự, ảnh hưởng tới chất lượng tập sự hành nghề luật sư.

Nhìn nhận những vấn đề bất cập trên, tại buổi Tọa đàm, các ý kiến đều đồng tình với việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BTP. Nhằm nâng cao chất lượng luật sư, từng bước đảm bảo mặt bằng chung, cân đối chương trình đào tạo với các chức danh tư pháp thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, Dự thảo Thông tư quy định thời gian đào tạo nghề luật sư được nâng lên 12 tháng, người tập sự được gia hạn tập sự hành nghề luật sư tối đa không quá hai lần, mỗi lần từ bốn tháng đến sáu tháng.

Đồng tình với quy định nội dung báo cáo tập sự hành nghề luật sư phải là các vụ, việc về tố tụng hoặc tư vấn pháp luật được thực hiện trong thời gian tập sự, song có ý kiến cho rằng quy định độ dài của báo cáo là không hợp lý, khó áp dụng, cần quy định cụ thể số lượng, nội dung, kết quả vụ, việc tham gia tố tụng tối thiểu trong 1 năm thực tập.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã chuyển giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thay vì Bộ Tư pháp. Do đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tổ chức kiểm tra, với thành phần hội đồng từ 5-7 thành viên do Chủ tịch Liên đoàn quyết định. Dự thảo Thông tư cũng quy định Hội đồng kiểm tra sẽ hướng dẫn về cách thức, thang điểm chấm điểm kiểm tra.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thành lập Ban Giám sát để giám sát việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, nếu phát hiện có hành vi vi phạm các quy định về kiểm tra kết quả tập sự, Ban Giám sát sẽ lập biên bản và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đình chỉ việc kiểm tra, hủy bỏ kết quả kiểm tra tập sự.

Luật sư Dương Hồng Kính, Đoàn Luật sư Hải Phòng đề nghị Thông tư bổ sung quy định xây dựng nội dung chương trình kế hoạch hành nghề để có cơ sở pháp lý giám sát, đánh giá người tập sự. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp đề xuất đối tượng áp dụng nên khoanh lại, chỉ áp dụng với tổ chức và luật sư của Việt Nam.

Cùng với việc đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hơn việc tập sự hành nghề luật sư, Bộ Tư pháp cũng xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư.

Theo dự thảo, việc bồi dưỡng hàng năm sẽ là bắt buộc với mọi luật sư. Tính đến tháng 6, cả nước có khoảng 8.500 người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, trong đó có gần 8.000 người đã được cấp thẻ luật sư, khoảng 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 3.165 tổ chức hành nghề luật sư.

Tuy nhiên, hiện cả nước còn hơn 1.000 luật sư theo Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 không được đào tạo bài bản về kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, chất lượng tham gia tố tụng chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, còn một bộ phận luật sư vi phạm pháp luật bị kết án, vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư như lừa dối, thiếu trung thực...

Nhìn nhận một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên là do luật sư Việt Nam chưa có ý thức tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, các ý kiến cho rằng cần quy định về thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm để giúp luật sư thường xuyên cập nhật, theo sát với sự phát triển của luật pháp và nâng cao chất lượng hành nghề.

Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án, một là thời gian bắt buộc bồi dưỡng được tính theo giờ, tổng cộng phải đảm bảo tối thiểu 10 giờ/năm. Phương án hai cũng tính theo giờ, nhưng chia theo thâm niên hành nghề luật sư.

Liên đoàn luật sư Việt Nam hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục