Đại biểu thảo luận tổ dự án Luật Đất đai sửa đổi

Sửa Luật Đất đai: Phải giảm tình trạng khiếu kiện

Đại biểu Quốc hội yêu cầu việc sửa Luật Đất đai lần này phải giải quyết được bất cập trong quản lý, sử dụng đất, giảm các khiếu kiện.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2003 để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Các ý kiến cho rằng qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính sách, pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật hiện hành cũng phát sinh những hạn chế, bất cập do chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ. Quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế... Có ý kiến cho rằng, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Nhiều ý kiến đại biểu đề cập việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, qua đó giảm các khiếu kiện về đất đai. Việc sửa đổi góp phần cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai… Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự nhất trí cao với quan điểm sửa đổi Luật lần này là tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với nội dung như Tờ trình đã nêu. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh và huyện; bổ sung việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội và lồng ghép quy hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; lồng ghép quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Quy định như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng; góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã.

Bàn về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) công việc này cần làm công khai, minh bạch. Đại biểu dẫn chứng TP. Đà Nẵng đã thực hiện công khai cho dân biết thu hồi bao nhiêu đất, đặc biệt là về giá cả, bố trí tái định cư và khai thác quỹ đất… Qua đó, người dân được biết, được bàn và triển khai, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Chính nhờ áp dụng nguyên tắc này, tỷ lệ khiếu kiện liên quan đến đất đai của thành phố Đà Nẵng rất thấp - đại biểu cho biết.

Cũng bàn về nội dung này, đại biểu Lê Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khái niệm thu hồi đất cần được nghiên cứu xem xét lại. Đại biểu cho rằng việc sử dụng cụm từ “thu hồi đất” như một sự cào bằng giữa người chấp hành tốt với người không chấp hành đúng quy định pháp luật. Mặt khác, Hiến pháp cũng quy định trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh… Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hay tổ chức. Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị thay cụm từ "thu hồi đất" bằng cụm từ Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất và việc này chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đại biểu đề xuất thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng và ban hành luật trưng mua hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất của người dân.

Trao đổi về nội dung giá đất, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Luật quy định Nhà nước có quyền định giá đất, nhưng đại biểu đặt câu hỏi giá đất được định trên cơ sở nào? Đại biểu phân tích: Đất đai được xem như loại hàng hóa đặc biệt, do vậy định giá đất trên cơ sở nào là vấn đề lớn cần được nghiên cứu trong lần sửa đổi này. Đại biểu lấy dẫn chứng: “thực tiễn những năm qua, Nhà nước làm giá một kiểu, doanh nghiệp làm giá một kiểu và người dân làm giá một kiểu. Ba giá này không gặp nhau nên mới dẫn đến chuyện tranh chấp đất đai thường xuyên”. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng: Hiện nay khiếu kiện về đất đai còn nhiều là do đền bù chưa thỏa đáng; còn sự chồng chéo, chênh lệch giữa giá của từng địa phương với giá của Nhà nước. Theo đại biểu, để khắc phục nên chăng để cho từng địa phương căn cứ tình hình thực tế để xác lập giá đất.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị dự án Luật sửa đổi cần có 1 chương quy định về công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai. Theo đại biểu, thực tế vừa qua 70% khiếu kiện có một nguyên nhân, đó là theo Điều 56 về giá đất hiện hành, Chính phủ quy định khung giá đất, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định bảng giá đất và công bố hàng năm theo sát giá thị trường, dẫn đến cùng một dự án có nhiều mức giá khác nhau, từ đó phát sinh khiếu kiện. Đại biểu tán thành với Điều 98 mục 2 vì cho rằng các mảnh đất như nhau nhưng phải cùng thời điểm thì mới có giá trị như nhau.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào các nội dung quan trọng khác về hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất; xử lý đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân…

Ngày mai 7/11, theo chương trình Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục