Sửa Luật Ngân sách Nhà nước, nâng hiệu quả quản lý

Trọng tâm của quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước tới đây nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Ngân sách nhà nước.
Hội thảo “Định hướng sửa đổi luật ngân sách Nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế” do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Liên Hợp quốc diễn ra trong hai ngày 23 và 24/9, tại Ninh Bình.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về cải cách ngân sách và những định hướng đối với việc xây dựng Luật Ngân sách nhà nước của Việt Nam.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, Luật Ngân sách nhà nước đang trong tiến trình điều chỉnh cho phù hợp hơn với bối cảnh của Việt Nam, tiến tới hài hòa với các thông lệ và chuẩn mực của quốc tế.

Quốc hội và các cơ quan Chính phủ Việt Nam đang có những cố gắng và nỗ lực trong việc tham vấn ở các cấp, với các cơ quan, ban ngành và chuyên gia để hướng tới việc ra đời một Luật ngân sách nhà nước mới phù hợp, hiệu quả hơn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam có tính bền vững.

Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua năm 2002 và có hiệu lực thi hành từ năm 2004, quy định về lập, chấp hành, quyết toán, kiểm tra ngân sách nhà nước và về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước các cấp trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Theo tiến sỹ Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, sau 9 năm tổ chức thực hiện, Luật Ngân sách Nhà nước đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cùng với quá trình vận hành của nền kinh tế theo cơ chế thị trường và trước yêu cầu đổi mới để hội nhập và phát triển, Luật Ngân sách nhà nước cũng đã bộc lộ một số bất cập.

Hệ thống Ngân sách nhà nước mang tính lồng ghép, dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo; quy trình ngân sách phức tạp; phạm vi thu chi Ngân sách nhà nước chưa rõ ràng; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách chưa phù hợp; căn cứ xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước chưa đầy đủ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra…

Do vậy, theo tiến sỹ Phùng Quốc Hiển cần thiết phải sửa đổi luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc sửa đổi Hiến pháp cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về Ngân sách nhà nước để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tài chính-ngân sách được quy định trong Hiến pháp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cũng cho rằng đối với mọi quốc gia, Luật Ngân sách nhà nước được xem là đạo luật gốc trong thể chế về quản lý tài chính công.

Trọng tâm của quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước tới đây sẽ phải khắc phục cho được những tồn tại của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; khắc phục tính lồng ghép trong hệ thống Ngân sách nhà nước.

Đồng thời tiếp tục thực hiện phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa trung ương và địa phương nhằm đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng Ngân sách nhà nước, nhưng đảm bảo tính thống nhất của Ngân sách nhà nước và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Cùng với quá trình đó cần nâng cao tính công khai minh bạch trong công tác quản lý Ngân sách nhà nước; đảm bảo và đề cao thẩm quyền, thực quyền của Quốc hội, các cấp uỷ Đảng, các cơ quan của Quốc hội ngay trong việc quyết định và giám sát Ngân sách nhà nước.

Mặt khác, từng bước đổi mới cơ chế quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Ngân sách nhà nước cấp kinh phí và trên cơ sở kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch chi tiêu trung hạn cũng như xu hướng đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tại Hội thảo, các chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nước phát triển đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm cải cách ngân sách của các quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu đã thảo luận những ưu điểm và thách thức của các mô hình và cơ chế đã được sử dụng ở các nước, như can thiệp ngân sách cụ thể, đặc biệt trong hỗ trợ tiếp cận giáo dục và chăn sóc y tế, các công cụ thuế giúp giảm tình trạng bất bình đẳng thông qua cung cấp kinh phí cho các dịch vụ địa phương; các phương thức chuyển đổi tài chính minh bạch cho chính quyền địa phương; và hướng dẫn chỉ số giúp theo dõi tiến độ nhằm cải thiện chất lượng phân bổ ngân sách cấp tỉnh.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định ngân sách là công cụ chính sách quan trọng nhất nhằm hoàn thành các mục tiêu quốc gia, bao gồm đảm bảo công bằng và bình đẳng trong phân bổ nguồn lực.

“Một vài quốc gia như Brazil, Colombia hay Nam Phi cũng đã thể chế hóa phương thức xây dựng ngân sách có sự tham gia và hoạch định ngân sách giới nhằm tạo ra cơ hội lớn hơn cho người dân tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách”, bà Pratibha Mehta chia sẻ./.

Thùy Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục