Sửa Luật Quản lý thuế: Tránh lợi dụng phá sản để được xoá nợ thuế

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khoanh nợ, xoá nợ tiền thuế để giảm tình trạng nợ ảo, không có khả năng thu hồi.
Sửa Luật Quản lý thuế: Tránh lợi dụng phá sản để được xoá nợ thuế ảnh 1(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Chiều ngày 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khoanh nợ, xoá nợ tiền thuế để giảm tình trạng nợ ảo.

[Sửa Luật Quản lý thuế: Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ dễ thở hơn?]

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Quy định khoanh nợ, xoá nợ tiền thuế được đánh giá là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh bày tỏ băn khoăn với hai vấn đề: mức phạt chậm nộp thuế và xoá nợ thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

“Trong tời gian vừa qua, chúng ta thấy tình trạng nợ thuế, trốn thuế diễn ra rất phức tạp. Thu hồi đối với nợ thuế và trốn thuế còn nhiều khó khăn, hàng năm tỷ lệ này có giảm đi nhưng còn rất lớn” đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần có quy định chặt chẽ về phạt nộp chậm: “Hiện nay, trong dự thảo luật có quy định phạt nộp chậm với mức lãi 0,03%/ngày, theo tôi quy định như vậy không ổn vì mức quy định thấp, người ta sẽ lợi dụng việc này để chậm nộp thuế. Quy định ấn định 0,03%/ngày không phù hợp với từng thời kỳ, khi áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn.”

Sửa Luật Quản lý thuế: Tránh lợi dụng phá sản để được xoá nợ thuế ảnh 2Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Vấn đề phạt nộp chậm thuế không nên quy định một mức cụ thể mà nên quy định theo hướng phạt bằng lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố, như vậy sẽ phù hợp hơn và tránh được việc trốn thuế. Nếu như chậm nộp thuế mà so với lãi suất ngân hàng có lợi hơn thì người ta sẵn sàng chậm nộp,” đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Về xoá nợ thuế, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nhận định quy định trong luật chưa chặt chẽ: “Xoá nợ thuế để đảm bảo tránh số nợ thuế quá ảo, không phản ánh đúng thực tế nhưng ngược lại đừng để người ta lợi dụng xoá nợ thuế này làm thất thu ngân sách Nhà nước.”

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, dự thảo cần quy định chặt chẽ về đối tượng xoá nợ thuế là người đã chết, được coi là đã chết, mất tích, doanh nghiệp phá sản, người không có năng lực hành vi dân sự... đặc biệt là doanh nghiệp phá sản phải quy định một hành lang pháp lý cụ thể để tránh hiện tượng lợi dụng việc phá sản để được xoá nợ thuế sau đó lại tiếp tục đăng ký kinh doanh mới.

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục