Sửa nghị định về đăng kiểm có siết, có mở để đảm bảo cân bằng cung-cầu

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu việc sửa Nghị định 139/2018/NĐ-CP về đăng kiểm cần có cơ chế quản lý để không rơi vào tình trạng "thả nổi" nhưng phải phù hợp để đảm bảo sự cân bằng cung-cầu.
Sửa nghị định về đăng kiểm có siết, có mở để đảm bảo cân bằng cung-cầu ảnh 1Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban quý 1/2023 của Bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong lĩnh vực đăng kiểm Bộ Giao thông Vận tải đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định xe cơ giới, cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm, đạt được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Nghị định 139/2018/NĐ-CP được sửa đổi sẽ góp phần xử lý triệt để các tồn tại của đăng kiểm. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi tập trung theo hướng mở rộng hoạt động đăng kiểm; cơ chế quản lý có cái siết để việc phát triển trung tâm đăng kiểm không rơi vào tình trạng "thả nổi" nhưng phải có cái "mở" phù hợp để đảm bảo sự cân bằng cung-cầu,” Bộ trưởng chỉ đạo.

Cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mạng lưới trung tâm đăng kiểm cũng cần tập trung vào các thành phố lớn, có nhu cầu cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Quá trình thực hiện, trung tâm đăng kiểm nào vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa ngay.

[Cả nước chỉ còn 17% trung tâm đăng kiểm đang tạm thời đóng cửa]

Cũng tại cuộc họp giao ban, trong lĩnh vực đường bộ, "tư lệnh" ngành giao thông vận tải cũng đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây trong tháng 4/2023 theo đúng kế hoạch.

Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cũng phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2.

"Nếu không chủ động tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo, các ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải. Tiền đã có sẵn, yêu cầu là phải tập trung làm, đổi mới cách làm.

Các hạng mục quyết định đến tiến độ như hầm, cầu phải được ưu tiên giải phóng mặt bằng, phạm vi mặt bằng thuận lợi cần được thi công cuốn chiếu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa," Bộ trưởng chỉ đạo.

Riêng các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Các tuyến Vành đai Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6 theo yêu cầu.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc như Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành.

Về kết quả giải ngân, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho hay, 3 tháng đầu năm, ngành giao thông vận tải đã giải ngân khoảng 17.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước (10,35%), là một trong hai Bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 15%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục