Sức bật mới Nhật Bản

Sức bật mới của nền kinh tế đất nước Mặt Trời mọc

Nhờ chính sách của Chính phủ, kinh tế Nhật Bản lại là điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới khi đạt tốc độ tăng GDP 0,9% quý 1.
Những nỗ lực vực dậy nền kinh tế trì trệ suốt hai thập niên của Thủ tướng Shinzo Abe đã được đền đáp khi nền kinh tế Nhật Bản đã vượt qua suy thoái trong quý 1. Những gì mà Thủ tướng Abe cam kết khi trở lại nắm quyền cho thấy chính sách kinh tế "Abenomics" bắt đầu "đơm hoa kết trái."

Điểm sáng


Kinh tế Nhật Bản lại trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới khi đạt tốc độ tăng GDP 0,9% trong quý 1 trong bối cảnh Khu vực Eurozone rơi vào đợt suy thoái dài nhất trong lịch sử khối này, còn kinh tế Mỹ đón nhận thêm nhiều tín hiệu đáng quan ngại.

Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản Akira Amari khẳng định những thành quả đã đạt được là nhờ những chính sách mà Chính phủ áp dụng “đã có những hiệu quả nhất định.” Kinh tế Nhật Bản vượt lên trong quý 1 nhờ kim ngạch xuất khẩu trong ba tháng đầu năm tăng 3,8%, chủ yếu là các mặt hàng xe ôtô và máy móc vào thị trường Mỹ và sự ổn định của tiêu thụ nội địa. Chi tiêu các hộ gia đình trong quý 1 đã tăng 0,9%, phần nào là do một bộ phận dân chúng, nhất là các thành phần khá giả, đã phất lên "ăn theo" thị trường chứng khoán đang trên đà bùng nổ. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng khoảng 70% kể từ tháng 11 năm ngoái.

Giới quan sát cho rằng những kỳ vọng phục hồi kinh tế mà các chính sách của Thủ tướng Abe vừa tạo ra đã phần nào kích thích người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu, nhân tố đóng góp tới 60% GDP.

Theo nhà kinh tế Hideki Matsumura thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản, triển vọng lạc quan hơn của nền kinh tế dẫn đến tăng giá trị các tài sản, bao gồm cả giá cổ phiểu, do đó chi tiêu cá nhân tăng trở lại và lĩnh vực xuất khẩu cũng đang được phục hồi.

Taro Saito, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo cho biết kinh tế Nhật Bản “đã bước vào con đường phục hồi toàn diện” sau khi chạm đáy vào cuối năm 2012. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhờ các dự án công cộng quy mô lớn và gia tăng nhu cầu ở nước ngoài. Bộ trưởng Amari hy vọng kinh tế Nhật Bản có thể sẽ phục hồi hơn nữa, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,5% trong tài khóa 2013 (kết thúc vào tháng 3/2014).

Nhằm thúc đẩy hơn nữa các chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe, Chính phủ Nhật Bản đã kích hoạt khoản ngân sách 92.610 tỷ yen (906,2 tỷ USD) cho tài khóa 2013 từ ngày 15/5. Việc sử dụng ngân sách linh hoạt nằm trong các chính sách then chốt mà ông Abe gọi là “ba mũi tên” - cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ và các chiến lược tăng trưởng. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm qua khoản ngân sách ban đầu của Nhật Bản được kích hoạt vào tháng 5.

Ngân sách cho tài khóa 2013 tập trung vào các công trình công cộng khổng lồ bất chấp nguồn ngân sách hạn chế. Với 46,3% ngân sách của tài khóa hiện tại lấy nguồn tài trợ từ việc phát hành công trái mới, Thủ tướng Abe có thể cần phải tìm cách phục hồi nền tài chính được cho là yếu kém nhất trong số các nước phát triển.

Thủ tướng Abe sẽ coi ba năm tới là giai đoạn thúc đẩy đầu tư và dỡ bỏ tất cả các nhân tố cản trở đầu tư trong nước, thông qua các biện pháp tổng thể như xem xét hệ thống thuế, ngân sách, tài chính, cải cách tư pháp và thiết lập các hệ thống mới. Thủ tướng Abe nêu rõ đầu tư tư nhân tại Nhật Bản trong tài khóa trước chỉ đạt 63.000 tỷ yen (615 tỷ USD), thấp hơn 10% so với thời kỳ trước khi xảy ra cú sốc Lehman Brothers. Do đó đã tới lúc đưa ra con át chủ bài thứ ba để kích thích đầu tư cho doanh nghiệp và ông Abe muốn phục hồi đầu tư vốn lên mức 70.000 tỷ yen, con số mà khu vực tư nhân đã đạt được trước khi xảy ra cú sốc Lehman.

Đồng yen yếu

Các thị trường chứng khoán và tiền tệ Nhật Bản đều phản ứng tích cực trước các chính sách của Thủ tướng Abe. Các chính sách kinh tế với tên gọi “Abenomics” mà trung tâm là chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) và chính sách chi tiêu công khổng lồ đã tạo ra đợt giảm giá của đồng yên từ tháng 12/2012, sau khi ông Abe khởi động chiến dịch vận động tranh cử có xu hướng tăng cường chi tiêu.

Chính phủ Nhật Bản cho rằng sự giảm giá của đồng yen phát đi tín hiệu rằng chính sách tăng mạnh chi tiêu kết hợp với nới lỏng tiền tệ đã có hiệu quả bước đầu. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hy vọng chính sách Abenomics sẽ thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lần đầu tiên trong vòng 4 năm đồng USD vượt đỉnh 100 yen vào phiên 9/5 và chỉ số Nikkei 225 cũng leo lên mức cao nhất trong hơn 5 năm. Sau đó vài phiên đồng USD tiếp tục nhảy lên 102 yen, rồi vượt mốc 103 yên vào cuối tuần qua và tăng khoảng 30% kể từ giữa tháng 11/2012. Hồi cuối năm 2011, đồng USD có lúc trượt xuống mức thấp khoảng 75 yen/USD. Trái lại chỉ số Nikkei 225 đã tăng như vũ bão từ mức 10.688,11 điểm đầu năm, nhanh chóng phá ngưỡng 11.000 điểm, 12.000 điểm, rồi 15.000 điểm ( phiên 20/5 leo lên 15.360,81 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 12/2007).

Đồng yen xuống giá hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu chủ chốt Nhật Bản, nhất là các hãng sản xuất ôtô và điện tử, do các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản dành cho xuất khẩu có giá rẻ hơn tại các thị trường nước ngoài và đẩy lợi nhuận ở nước ngoài tăng cao.

Tuy nhiên, điều đó lại làm gia tăng chi phí nhập khẩu, nhất là đối với hai mặt hàng dầu thô và khí đốt tự nhiên, mà đất nước Mặt Trời mọc khan hiếm tài nguyên phải dựa vào để giữ cho các ngành công nghiệp phát triển và cung cấp điện cho các thành phố. Hệ quả là thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng hơn gấp 4 lần trong tháng 3 vừa qua, lên tới 362,4 tỷ yen (3,6 tỷ USD). Bên cạnh đó, lạm phát của Nhật Bản cũng tăng 0,7%, cao hơn so với mức dự đoán 0,4%.

Đồng yen giảm giá dài ngày làm các bạn hàng của Nhật Bản khó chịu, nhưng nhìn chung vẫn giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế chủ chốt đang mong muốn nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi nền kinh tế bị trì trệ suốt hai thập niên do giảm phát. Các quan chức Nhật Bản đã bác bỏ những cáo buộc Tokyo thao túng tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu, và tới lúc này các thể chế tài chính quốc tế dường như đã ủng hộ quan điểm của ông Abe.

Naoyuki Shinohara, Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng giá trị của đồng yen đang ở mức hợp lý do kế hoạch tổng thể của BoJ là khá tham vọng. Thông thường chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ gây ra tình trạng đồng tiền giảm giá.

Theo nhà phân tích tiền tệ Takuya Kanda từ Gaitame.com Research Institute tại Tokyo, nếu nền kinh tế Mỹ được cải thiện và BoJ tiếp tục nới lỏng tiền tệ thì sẽ dẫn tới đồng USD càng mạnh hơn và đồng yen càng yếu hơn. Bản thân ông Kanda dự báo tỷ giá có thể lên tới 110 yen/USD trong năm nay.

Tuy vậy, theo ông Kanda, chính sách Abenomics cũng đối mặt nhiều rủi ro, trong đó có tác động của việc tăng chi tiêu công tới núi nợ khổng lồ của Nhật Bản và lạm phát cao hơn có thể đẩy lãi suất tăng cao, từ đó làm tăng chi phí vay mượn.

Ông Shinohara cũng bày tỏ quan ngại về khoản nợ công của Nhật Bản hiện đang lớn gấp đôi quy mô của nền kinh tế và cao gấp đôi các nền kinh tế phát triển khác.

Bộ trưởng Amari nói rằng sự điều chỉnh gần đây của đồng yen gần như đã kết thúc bởi nếu đồng tiền này còn xuống giá thêm nữa thì sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến người dân do phải mua hàng hóa nhập khẩu với giá cao./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục