Sức bật trên quê hương cách mạng Thừa Thiên-Huế

35 năm sau ngày giải phóng (26/3/1975 - 26/3/2010), Thừa Thiên Huế đang bước vào giai đoạn phát triển với thế và lực mới.
35 năm sau ngày giải phóng, Thừa Thiên-Huế đang bước vào giai đoạn phát triển với thế và lực mới.

Tỉnh vừa đón nhận và triển khai Kết luận số 48 KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế đến năm 2020 với trọng tâm là xây dựng Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

Sau giải phóng, Thừa Thiên-Huế có xuất phát điểm thấp, sản xuất công nghiệp chưa có gì ngoài nhà máy vôi Long Thọ và nhà máy "đèn", nhà máy nước Huế công suất rất thấp. Trong quá trình phát triển, Thừa Thiên-Huế đã phát huy hết khả năng vốn có trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của mình.

Giai đoạn 2006-2010, tỉnh huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 40.000 đến 45.000 tỉ đồng, trong đó tập trung phát triển các ngành sản xuất có lợi thế để tạo sự bứt phá mới. Riêng năm 2009, tổng nguồn vốn đầu tư đạt 7.243 tỉ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 1.003 USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,19%.

Trong đầu tư, tỉnh hướng đến mục tiêu sản xuất đạt 5 triệu tấn ximăng/năm vào năm 2010 và khoảng 7 triệu tấn trong một vài năm tới. Ngoài ximăng, sản xuất điện năng cũng là mục tiêu mà Thừa Thiên-Huế hướng đến, với sản lượng đạt khoảng 900 triệu kWh điện/năm.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang thực hiện các chính sách thông thoáng trong việc thu hút đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Khu công nghiệp Phú Bài đã có 45 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 2.600 tỉ đồng.

Tại đây, tỉnh còn áp dụng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như hỗ trợ tiền thuế đất, hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề cho công nhân, hỗ trợ các chi phí đăng ký ISO, đăng ký bản quyền thương hiệu, bản quyền phát minh, sáng chế…

Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với thế mạnh có cảng biển nước sâu, dự tính năm 2010 phấn đấu đón 1,2 triệu tấn hàng xuất nhập khẩu. Cảng Chân Mây hiện cũng là điểm đến của các tàu du lịch nước ngoài đến tham quan hệ thống di tích cố đô Huế.

Giai đoạn từ nay đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định lấy thành phố Huế làm trung tâm để phát triển các đô thị vệ tinh theo chức năng lan tỏa: Thành phố Huế là hạt nhân vừa thực hiện sự kết nối với các huyện và các khu kinh tế lớn trong tỉnh, đồng thời tạo động lực và sức bật mới về phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Trong sản xuất, tỉnh tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng ưu tiên phát triển các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, các ngành công nghiệp được tỉnh ưu tiên đầu tư gồm: Dệt may, da giầy; chế biến nông, lâm, thủy sản; hóa chất.

Các ngành công nghiệp mũi nhọn được tỉnh xác định gồm: Cơ khí chế tạo, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; sản phẩm từ công nghệ mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số...

Đối với các vấn đề xã hội, tỉnh tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo. Đến nay, tại các vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia, 98% hộ sử dụng điện lưới, 87% sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh, huyện A Lưới từ 48,47% cuối năm 2005 hiện giảm xuống còn 27,5%, huyện Nam Đông số hộ nghèo 16,6% hiện chỉ còn 14%./.
 
(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục