Sức bật vươn lên từ vùng quê lúa Thái Bình

Thái Bình phấn đấu xây dựng thương hiệu từ “quê hương 5 tấn” trong thời đánh Mỹ thành “quê hương 15 tấn” trong thời kỳ hội nhập.
Thái Bình là vùng đất ven biển, được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân.

Thái Bình cũng từng là tỉnh mà mỗi lũy tre làng, ruộng lúa đều in dấu ấn về sự cống hiến sức người sức của nhiều nhất cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thái Bình nổi tiếng được mọi người biết đến không chỉ là "quê hương 5 tấn", mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích, các bậc danh nhân văn hóa, anh hùng kháng chiến nổi tiếng...

Hiện nay, trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, có không ít người là con em quê hương Thái Bình. Trong hàng ngũ những cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế của đất nước, cũng có nhiều người Thái Bình với những đóng góp nổi bật.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử 120 năm, dù phải trải qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng nhân dân Thái Bình vẫn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng; luôn luôn sáng tạo trong sản xuất và đấu tranh, đóng góp to lớn về sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Trong thời kỳ đổi mới, Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, ý chí, nghị lực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nguyện phấn đấu "xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt" như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Đặc biệt, chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng Thái Bình đã vượt khó vươn lên tạo được nhiều dấu ấn, bứt phá.

Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất nước


Hai năm gần đây, kinh tế Thái Bình, như nhiều địa phương trong cả nước gặp phải hành trình đầy khó khăn không chỉ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế mà ở còn nhiều thách thức khác. Công nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình trạng khí đốt giảm mạnh ở khu công nghiệp Tiền Hải.

Một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, một số phải tạm ngừng sản xuất… Nhưng nhờ cách làm năng động và quyết đoán, Thái Bình đã đạt được những dấu mốc thật bất ngờ - tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 5 năm trở lại đây vẫn đạt bình quân 12,04%/năm.

Riêng năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,3%, cao trong top 3 ở đồng bằng Bắc Bộ, tổng giá trị sản xuất ước đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 15%; xuất khẩu cũng đạt mức kỷ lục, 310 triệu USD...

Đặc biệt, năm 2009 cũng là năm Thái Bình có những đột phá trong thu hút đầu tư với việc lần đầu tiên tỉnh đã thu hút được “Dự án tỷ đô”. Đó là Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình có công suất 1.800 MW đang được triển khai xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy cùng một số dự án lớn khác...Trong việc phát huy nội lực, Thái Bình cũng có những bứt phá.

Năm 2009, tỉnh nằm trong số những địa phương có số thu ngân sách trên nghìn tỷ đồng (tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 5.000 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa trên 1.400 tỷ đồng). “Đất lành chim đậu”, nhiều ngân hàng lớn cũng đã về đây mở chi nhánh để đón bắt cơ hội làm ăn với nguồn vốn tín dụng trên địa bàn đạt con số hàng ngàn tỷ đồng.

Nhưng dấu ấn nổi bật nhất của Thái Bình vẫn là mặt trận nông nghiệp. Mặc dù diện tích đất trồng lúa giảm, nhiều dịch bệnh lúa mới xuất hiện, nhưng năm 2009 và vụ xuân 2010 vừa qua lại là năm nông nghiệp Thái Bình lập được nhiều kỷ lục: là năm đầu tiên được mùa lớn nhất từ trước đến nay với năng suất lúa cả 2 vụ đạt 13,2 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay và tốc độ tăng trưởng cũng đạt 6%, cao nhất cả nước, là lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc.

Thái Bình đang phấn đấu xây dựng thương hiệu từ “quê hương 5 tấn” trong thời đánh Mỹ thành “quê hương 15 tấn” trong thời kỳ hội nhập.

Và những “dự án tỷ USD”


Ở những địa phương chưa có nhiều lợi thế khách quan như Thái Bình, mỗi chỉ số phát triển đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, trăn trở tìm hướng đi, lối đi, thậm chí phải “cố” gấp bội với so với các tỉnh bạn.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai tỉnh Thái Bình và Nam Định hồi cuối năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã phấn khởi, xúc động khi biết Thái Bình hiện là một trong những tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy phát triển sớm và nhanh nhất cả nước. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, bưu chính viễn thông cũng được đầu tư đầy đủ và phát triển mạnh so với các tỉnh lân cận.

Đến nay, Thái Bình đã hình thành một mạng lưới các khu công nghiệp hiện đại, với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 1.200ha... Tỉnh tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư có nhu cầu về mặt bằng sản xuất được thuê đất; đầu tư kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đến tận chân hàng rào các khu công nghiệp.

Các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động. Chính sách thuế cũng được vận dụng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt và vừa mới khởi công một số dự án cơ sở hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư như đường và cầu nối Thái Bình-Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình, có vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng; đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền, vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; đường vành đai phía Nam Thành phố Thái Bình, vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Nhưng mừng nhất là Thái Bình đã có được một đội ngũ lãnh đạo năng động, cởi mở, trân trọng các nhà đầu tư. Đó cũng là lý do năm 2009 vừa qua, quê lúa đã có bứt phá lớn trong thu hút đầu tư với việc lần đầu tiên tỉnh đã có được những “Dự án tỷ USD” như Dự án xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình có công suất 1.800MW, Dự án thăm dò khai thác bể than nâu, Dự án nhà máy thép Shengly với sản lượng 600.000 tấn phôi thép/ năm.

Không chỉ có thế, những tiềm năng lớn của Thái Bình cũng đang được đánh thức, hấp dẫn các nhà đầu tư. Đó là nguồn trữ lượng lớn cho năng lượng quốc gia với nguồn than nâu xấp xỉ 200 tỷ tấn, gấp 20 lần trữ lượng than Quảng Ninh.

Tiềm năng khí đốt ngoài thềm lục địa của Thái Bình cũng rất lớn; rồi mở đường ra Cồn Vành, phát triển du lịch nơi đây cũng là một trong những dự án thể hiện quyết tâm “vươn ra biển” của Thái Bình hiện nay.

Nông thôn mới trên quê lúa

Một tin vui đến với Thái Bình, là tỉnh đã được Ban chỉ đạo Trung ương chọn là một trong 5 tỉnh của cả nước thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là cơ hội, tạo nền tảng cho Thái Bình phát triển đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới. Việc xây dựng mô hình nông thôn mới, tạo ra một đời sống mới cho người nông dân cũng là trăn trở lớn của lãnh đạo Thái Bình.

Làm sao để người trồng lúa bớt lam lũ; làm sao để con em nông dân phát triển ngay tại quê hương; làm sao để người già được hưởng nhiều phúc lợi xã hội; để “điện, đường, trường, trạm” về tận các ngõ ngách xóm thôn... là những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Thái Bình đang tập trung quan tâm chỉ đạo xây dựng nhằm tạo ra một bộ mặt nông thôn mới và coi đó như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh.

Không chỉ có những bứt phá trong phát triển kinh tế, trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Thái Bình cũng đã tạo được những dấu ấn đặc biệt: lần đầu tiên tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa Đồng bằng sông Hồng, quy tụ về đây 13 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với truyền thống mến khách, người dân quê lúa đã để lại những thiện cảm lớn đối với các tỉnh bạn. Song, điều quan trọng hơn là Lễ hội đã khơi dậy những tinh hoa văn hóa, truyền thống hào hùng của miền đồng bằng châu thổ sông Hồng...

Không những thế, Thái Bình còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, là một trong những cái nôi khởi phát của nhà Trần, một trong những triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc ta. Về giáo dục, Thái Bình cũng đạt được những kết quả vui như đứng thứ 2 toàn quốc về thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đoạt giải quốc gia và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm luôn đứng vào top đầu cả nước.

Thái Bình còn là một điểm sáng về quốc phòng-an ninh với nhiều sáng kiến trong giáo dục quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ được nhân rộng trong địa bàn Quân khu 3. Đặc biệt, với sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng xây cầu, mở đường ra Cồn Vành đang mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội mới cho Thái Bình phát triển để xây dựng một “Tuần Châu thứ hai trên quê lúa.”

Trước mắt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2010 đạt trên 14% như đã đề ra, Thái Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, phấn đấu cơ bản hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, phát huy nội lực, tiến hành các thủ tục để triển khai thực hiện Đề án thăm dò, thử nghiệm công nghệ khai thác than nâu; đánh giá hiệu quả kinh tế việc đầu tư xây dựng kè chắn cát ổn định luồng vào cảng Diêm Điền./.

Thanh Phú (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục