Sức bền trong liên kết thương mại giữa Australia và Trung Quốc

Bất chấp tất cả những căng thẳng giữa các chính trị gia Australia và Trung Quốc, các liên kết thương mại giữa hai nước vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết và các liên kết này có khả năng càng sâu sắc thêm.
Sức bền trong liên kết thương mại giữa Australia và Trung Quốc ảnh 1Nhu cầu của Trung Quốc đối với than Australia sẽ ngày càng lớn. (Nguồn: Thenewdaily)

Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc ngày càng tăng khiến nhiều nhà quan sát cho rằng một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc đang đứng trước "bờ vực thẳm." Tuy nhiên, trên thị trường tiền tệ, mọi suy đoán lại đi theo hướng ngược lại, rằng đồng AUD đang trên đà bùng nổ.

Trong bài báo đăng tải trên tờ Bloomberg được The Age của Australia dẫn lại, tác giả David Fickling viết đồng AUD chạm mức cao nhất trong hơn hai năm gần đây vào ngày 3/12, vượt ngưỡng giới hạn tăng 29% được thiết lập vào cuối tháng Ba.

Động thái này diễn ra sau khi Australia tuyên bố đã vượt khỏi suy thoái kinh tế trong quý 3/2020. Đây là một sự tương phản đáng chú ý so với bức tranh chính trị ảm đảm, nơi mà Australia và đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc đang rơi vào một chu kỳ xung đột ngày càng sâu sắc hơn trong suốt nhiều tháng vừa qua.

Vào tháng trước, sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu một cách không chính thức một nửa số hàng hóa của Australia xuất khẩu vào thị trường nước này, mối quan hệ căng thẳng từ lâu của hai nước đã trở nên tồi tệ hơn. Hơn 50 tàu chở than của Australia đã phải chờ đợi gần một tháng, hoặc thậm chí nhiều hơn, bên ngoài khơi các cảng của Trung Quốc, để được giao hàng.

Nếu gạt các căng thẳng chính trị sang một bên, xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc, sau khi liên tục phá vỡ các kỷ lục đã được thiết lập trong vòng 5 năm qua, được dự báo sẽ tiếp tục lặp lại "kỳ tích" một lần nữa vào năm 2021. Theo tác giả, không khó để lý giải hiện tượng này nếu nhìn vào các con số.

Hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc chỉ bao gồm một mặt hàng duy nhất, đó là quặng sắt. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới. Trong năm 2020, thương mại quặng sắt đã bị sụt giảm, do Bắc Kinh đang tập trung vào chiến lược kích thích nền công nghiệp nội địa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia, thoát khỏi tình trạng suy thoái do dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, Brazil, nhà xuất khẩu quặng sắt lớn thứ hai sau Australia, đã bị đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề, do đó không có khả năng tăng sản lượng xuất khẩu đủ để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Thiếu hụt nguồn cung khiến giá quặng sắt đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm gần đây.

Có rất ít dự đoán cho thấy thương mại quặng sắt sẽ suy giảm trong những tháng tới. Mặc dù các nhà phân tích thị trường cho rằng giá quặng sắt giao dịch trên sàn Singapore sẽ đạt mức trung bình là 92 USD/tấn trong năm 2021, nhưng nếu so sánh với mức giá 102 USD/tấn trong năm nay, giá quặng sắt năm tới rất có thể chỉ dừng ở mức 116.64 USD/tấn.

Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực kỹ thuật và xây dựng sử dụng nhiều thép của Trung Quốc sẽ chưa đạt đỉnh cho đến nửa đầu của năm 2021. Ngay cả sau đó, việc mở rộng vẫn sẽ được tiếp tục. Thị phần của công ty khai thác quặng sắt Forrtescue Metal của Australia đã tăng 13% vào ngày 3/12, sau khi công ty Vale của Brazil đưa ra các mục tiêu sản xuất thấp hơn trong năm nay và năm tới.

Than đá, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Australia, là một lĩnh vực khó dự đoán hơn so với quặng sắt. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết mục tiêu đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060.

[Mục đích của Trung Quốc khi xem xét tham gia CPTPP]

Rất nhiều phân tích và các bài báo đã đưa tin Trung Quốc sẽ không mất nhiều thời gian để hoàn thành mục tiêu tự cung, tự cấp muội than, một vấn đề hoàn toàn khác với trường hợp của quặng sắt. Than cũng nằm trong danh sách các sản phẩm của Australia bị Bắc Kinh cấm nhập khẩu một cách không chính thức.

Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh đó, triển vọng của than vẫn sẽ tươi sáng một cách đáng ngạc nhiên. Than luyện cốc và than nhiệt của Australia rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm tương đương do Trung Quốc sản xuất. Trên thực tế, lệnh cấm vận hiện tại đối với than Australia đã khiến nguồn cung nội địa của Trung Quốc bị suy giảm, trong khi giá than trong nước tăng vọt. Nhờ lợi thế so sánh về giá, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển Trung Quốc, nơi có khả năng tiếp cận với than Australia dễ dàng hơn do có cảng biển, đều ưa thích than nhập khẩu.

Nhu cầu đối với than Australia tại Trung Quốc sẽ càng lớn hơn nữa khi Bắc Kinh đẩy mạnh việc bãi bỏ quy định đối với thị trường điện, làm giảm doanh thu của các nhà máy nhiệt điện và khuyến khích các doanh nghiệp này giảm chi phí bằng cách tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, đặc biệt là vào thời điểm thế giới đã có vắcxin phòng COVID-19 và các biên giới quốc gia được mở cửa trở lại.

Mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Australia sang Trung Quốc là giáo dục, lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Khoảng 166.206 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học của Australia, nhưng theo một khảo sát được thực hiện vào tháng 10, hơn một nửa trong số đó hiện bị mắc kẹt ở nước ngoài và số lượng sinh viên Trung Quốc đang sống tại Australia đã giảm khoảng 25.000 người trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10/2020.

Một phần đáng kể nguồn thu của "xuất khẩu" giáo dục là các khoản tiền chi tiêu cho sinh hoạt tại chỗ như thuê nhà và mua sắm. Khi đại dịch đang dần được kiểm soát ở Australia, số lượng sinh viên quốc tế quay trở lại nước này học tập dự tính sẽ tăng trở lại. Trên thực tế, chuyến bay đầu tiên đưa 70 sinh viên quốc tế từ các nước châu Á đã hạ cánh tại thành phố Darwin (bang Tây Australia) vào đầu tuần này, mở ra triển vọng doanh thu xuất khẩu giáo dục của "xứ chuột túi" cũng sẽ tăng lên.

Bất chấp căng thẳng leo thang giữa Australia và Trung Quốc trong những ngày gần đây, những mối liên kết thương mại kể trên vẫn chứng tỏ sự bền vững một cách đáng ngạc nhiên của mối quan hệ kinh tế Australia-Trung Quốc. Sinh viên Trung Quốc ít hay nhiều cũng bị ràng buộc phải trở lại Australia học tập vì họ đã trả tiền cho các khóa học trong nhiều năm.

Du lịch cũng vậy, người dân bình thường dễ dàng bỏ qua mọi "khúc mắc" mang tính vĩ mô nhiều hơn so với các chính trị gia. Một cuộc chiến lời qua tiếng lại về việc Hàn Quốc triển khai lá chắn chống tên lửa của Mỹ vào năm 2017 đã khiến lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm gần 50% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, đến năm 2018, con số này đã tăng 15% và sau đó là 26% vào năm tiếp theo.

Xếp chung ba mặt hàng thương mại xuất khẩu chính của Australia sang Trung Quốc lại với nhau, có thể thấy chúng đại diện cho khoảng 100 tỷ USD xuất khẩu, nhiều hơn rất nhiều so với 15 tỷ USD, hoặc tương đương, trong danh sách các mặt hàng của Australia bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu cấm nhập khẩu, bao gồm cả 792 triệu USD rượu vang.

Thậm chí, mặc dù chắc chắn sẽ có một số thiệt hại xảy ra, nhưng những thiệt hại này cũng khó có thể kéo dài. Rốt cuộc, bản danh sách các mặt hàng bị cấm là không chính thức và Hải quan Trung Quốc đã bắt đầu chấp thuận cho thông quan một số tàu chở than của Australia.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng bất chấp tất cả những căng thẳng giữa các chính trị gia Australia và Trung Quốc, các liên kết thương mại giữa hai nước vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết và các liên kết này có khả năng càng sâu sắc thêm trong vòng 12 tháng tới.

Đó là lý do vì sao không nên quá lo lắng về những lời đồn đoán và tập trung nhiều hơn vào những nguyên tắc cơ bản vững chắc. Như nhà kinh tế học Adam Smith đã từng chỉ ra, vận may kinh tế của chúng ta không phụ thuộc vào lòng nhân từ của đối tác mà là từ lợi ích của chính họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục