Sức ép đòi Bộ trưởng Quốc phòng Đức từ chức tăng

Những thông tin mới quanh vụ không kích của quân Đức ở Afghanistan hồi tháng 9 đang đẩy tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức vào áp lực từ chức.
Những thông tin mới xung quanh vụ không kích gây tranh cãi của quân Đức ở Afghanistan hồi đầu tháng 9 vừa qua đang đẩy tân Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg chìm sâu vào áp lực từ chức.

Nhiều tờ báo ở Đức cuối tuần qua nói rằng ông Guttenberg đã được thông báo toàn diện hơn về vụ bê bối không kích của quân Đức ở gần thành phố Kunduz miền Bắc Afghanistan, so với những gì trước đây ông biết được.

Vì vậy, Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (SPD) đối lập, Sigmar Gabriel và các quan chức đảng Xanh, đảng Cánh tả "Die Linke" đã thúc giục Bộ trưởng Guttenberg từ chức.

Ngoài ra, các đảng đối lập còn đòi phải có lời giải thích xem liệu cuộc không kích có nhằm mục tiêu giết người hay không, vì điều này vi phạm sứ mệnh của quân Đức ở Afghanistan.

Chủ tịch SPD Sigmar Gabrien cho rằng những thông tin về vụ không kích đã được thông báo sớm cho ông Guttenberg, nên Thủ tướng Angela Merkel phải yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Guttenberg từ chức giống như người tiền nhiệm của ông là Franz Josef Jung.

Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Xanh tại Quốc hội, ông Jürgen Trittin, nói với hãng ARD, rằng "mệnh lệnh giết chóc" là vi phạm nguyên tắc của các lực lượng NATO tại Afghanistan.

Cũng như đảng Xanh và đảng Cánh tả "Die Linke", SPD đòi Chính phủ phải nói rõ cuộc không kích có nhằm mục đích tiêu diệt phiến quân Taliban hay không.

Báo "Leipziger Volkszeitung" cho rằng vụ bê bối đang leo thang ở Đức đã kéo cả Văn phòng Thủ tướng vào cuộc, nhưng người Phát ngôn Chính phủ Ulrich Wilhelm giải thích Văn phòng Thủ tướng không có ảnh hưởng tới việc triển khai cụ thể của binh lính Đức, mà việc đó nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ ủy thác của Quốc hội.

Tranh cãi trong dư luận ở Đức cùng sự phản ứng của dư luận châu Âu và quốc tế bùng nổ từ đầu tháng 9 vừa qua, sau khi Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế ở Afghanistan (ISAF) mở một cuộc không kích ở Kunduz làm hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có dân thường.

Dư luận báo chí sau đó cho rằng vụ không kích này do quân Đức tiến hành nhằm loại trừ các thủ lĩnh của Taliban. Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã phủ nhận lời quy kết này của báo chí và khẳng định sự có mặt quân sự ở Afghanistan là nhằm bảo vệ những nỗ lực tái thiết và giúp đỡ dân thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục