Sức ép tăng giá hàng hóa đè nặng

Các chủ siêu thị thừa nhận hàng hóa đang chịu áp lực tăng giá khi họ liên tiếp nhận được đơn đề nghị tăng giá từ phía các nhà cung cấp.

Các chủ siêu thị thừa nhận hàng hóa đang chịu áp lực tăng giá khi họ liên tiếp nhận được đơn đề nghị tăng giá từ phía các nhà cung cấp.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long (Hà Nội), cho hay thời gian qua, siêu thị này đã nhận được đề nghị tăng giá của khá nhiều nhà cung cấp: "Đề nghị tăng giá tập trung vào các mặt hàng rau, củ, quả và hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà với mức tăng phổ biến từ 7 - 10%. Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm cũng đã có kế hoạch tăng giá".

Theo Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), tính đến thời điểm này, khoảng 10 nhà cung cấp các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm khô như ruốc thịt, cá khô đóng gói... đã gửi đề nghị tăng giá bán tới ban thu mua. Cá biệt có nhà cung cấp còn đề nghị tăng giá từ 18 - 30%. Lý do là một số yếu tố đầu vào đã bắt đầu tăng lên như giá điện, giá nguyên liệu, tỷ giá, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng do xăng dầu đã tăng hơn 10% trong vòng hai tháng qua.

Nhóm hàng điện, gia dụng có sự điều chỉnh mạnh nhất 10 - 15%, thậm chí có mặt hàng nhà cung cấp đề xuất mức tăng gần 20%. Riêng các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu do chịu biến động của tỷ giá đồng USD cũng có sự điều chỉnh mạnh từ 10 - 15%.

“Thực tế, mức tăng của một số loại hàng hoá còn có cả yếu tố tâm lý do bắt đầu từ tháng 5/2009, mức lương cơ bản cho những người làm tại các cơ quan hành chính sự nghiệp đã được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số nhà cung cấp đã "té nước theo mưa", ông Dũng nói.

Hầu hết các siêu thị đều cho hay, mặt bằng giá tại các siêu thị vẫn tương đối ổn định do các siêu thị vẫn đang bán ra lượng hàng tồn kho mua với giá cũ. Tuy nhiên, sắp tới, khi lượng hàng dự trữ cạn dần, các siêu thị sẽ phải điều chỉnh giá mới.

Với sức ép đề nghị tăng giá như hiện nay, có thể sang tháng 6, giá bán của nhiều mặt hàng chỉ biến động nhẹ, nhưng tới tháng 7, tháng 8 có thể giá sẽ có nhiều thay đổi.

Không để tăng giá bất hợp lý


Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng xu hướng giá tăng là khó tránh khỏi, do hiện nay sản xuất, tiêu thụ đã có dấu hiệu phục hồi, các mặt hàng xuất khẩu đã tăng trở lại. Trong khi đó, gần đây, giá dầu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, lãi suất tại nhiều ngân hàng cũng bắt đầu tăng. Đó là những nguyên nhân khiến cho mặt bằng giá sẽ phải điều chỉnh theo.

“Nếu các cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc để hạn chế những tiêu cực trong cạnh tranh, cũng như những chi phí ngoài sổ sách của doanh nghiệp thì giá hàng hoá sẽ còn bị đẩy lên. Khi đó không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế cũng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn”, ông Phú cảnh báo.

Ông Phú cũng lưu ý: "Các siêu thị với khả năng đàm phán có thể bác bỏ các đề nghị tăng giá bất hợp lý của các nhà cung cấp hoặc tìm các nhà cung cấp khác để nhập những sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, lo ngại nhất là việc kiểm soát giá cả tại thị trường tự do. Mua bán tại thị trường tự do vẫn chiếm tới trên 70%, trong khi đó tiểu thương vẫn mang nặng tâm lý “té nước theo mưa” nên rất khó kiểm soát tăng giá bất hợp lý ở thị trường này"./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục