Sức hút thời trang Việt

Sức hút thời trang mang tên "Made in Vietnam"

Thời trang Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ và tạo nên sự chuyển dịch kinh doanh cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng trẻ.
Thời trang Việt Nam đang tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ nói riêng và người tiêu dùng nói chung. Thực tế cho thấy, đang có sự chuyển dịch trong việc kinh doanh từ thời trang nước ngoài sang bán các sản phẩm mang thương hiệu "Made in Vietnam" ở các cửa hàng và trung tâm thương mại.

Thời trang ngoại "lép vế"

Lướt một vòng quanh các phố Bà Triệu, Hàng Điếu, Trần Nhân Tông, Tôn Đức Thắng...một điều dễ nhận thấy là các cửa hiệu thời trang “Made in Vietnam” với cảnh mua bán nhộn nhịp đang lấn lướt các biển hiệu thời trang nước ngoài.

Chị Thu Hường, làm văn phòng cho một công ty Bảo hiểm nước ngoài đã không khỏi ngỡ ngàng, bởi chỉ vài tiếng nghỉ trưa cùng bạn bè đi sắm đồ trên phố Hàng Điếu, trong tay chị và nhóm bạn đều nặng trĩu các túi thời trang hàng hiệu trong nước.

“Trước đây mình chỉ săn hàng hiệu nước ngoài trên Vincom hoặc Parkson nhưng đắt lắm, không ngờ hàng trong nước bây giờ cũng đẹp không kém mà lại rẻ” chị Hường vui vẻ nói.

Sự cảm nhận của chị Hường cũng là những thay đổi của xu hướng thời trang trong nước thời gian gần đây.

Chỉ ba năm trước đây thôi, khi mở cửa hiệu thời trang, chị Nguyễn Mỹ Vân, chủ cửa hàng thời trang cao cấp Donphin, phố Bà Triệu đã quyết định nhập các mặt hàng có xuất xứ nước ngoài về bán, mặc dù thời gian đầu khách hàng đến rất đông, nhưng rồi cứ thưa dần bởi các nhãn hiệu đó đã quá "nhàm chán"  trong mắt những khách hàng của chị.

"Bán hàng này phải liên tục có mẫu mã mới và hàng phải độc mới hút khách, hàng bên kia giờ khó nhập lắm, đi lại tốn kém mà cũng không chọn được hàng" chị Vân tâm sự.

Trong khi đó các thương hiệu Việt như Việt Tiến, May 10, Chickland, Ninomaxx không ngừng lớn mạnh và hút khách đã làm thay đổi căn bản xu hướng thời trang trong phân khúc cao cấp này.

Chỉ chưa đầy 300 mét trên phố Bà Triệu, trước đây đã có tới gần 20 cửa hàng thời trang cao cấp gắn mác ngoại san sát mời gọi, thì hiện tại, các thương hiệu “made in Vietnam” đang được phát huy triệt để.

Anh Tùng, chủ môt cửa hàng thời trang Foci cho biết, trước đây cũng đã từng bán hàng hiệu nước ngoài, nhưng muốn có hàng ưng ý mang phong cách riêng thì phải mất nhiều công sức để đi chọn hàng, trong khi thời trang trong nước bây giờ vừa sẵn lại dễ lựa chọn nên nhiều cửa hàng đã chuyển kinh doanh theo hướng này.

"Bán hàng trong nước nhưng biển hiệu thì ấn tượng một chút cũng làm thay đổi căn bản cách chọn thời trang hiện nay", anh Tùng chia sẻ.

Nhắm trúng thị hiếu người tiêu dùng

Hàng thời trang do Việt Nam thiết kế và sản xuất cũng đã dần dần lấy được thị phần trong nước. Có thể kể ra một số hãng thời trang trong nước như Việt Tiến, May 10, An Phước..., sản xuất hàng may mặc thời trang công sở của nam giới, hay NEM, Foci, Chickland là thời trang công sở cho nữ giới.

Nhiều người tiêu dùng nhận xét, ưu điểm của các mặt hàng này là có chất vải lạ, đẹp, mẫu mã theo gu "Tây" nên được giới trẻ ưa thích.

Say sưa với các mẫu thời trang Thu - Đông của Foci, chị Hồng Hà, khoa thời trang Đại học Mở Hà Nội nhận xét: thời trang công sở "Made in Vietnam" không thua kém hàng ngoại nhập, thậm chí mẫu mã còn đa dạng hơn.

Trong khi đó, anh Tuấn (bạn trai chị Hà) cũng cho rằng "Giá cả hợp túi tiền và kiểu dáng lạ mắt là lý do để tụi mình tìm đến cửa hàng này".

Thời trang cao cấp Việt Nam đã và đang khẳng định tên tuổi tại thị trường nội địa với việc không ngừng mở rộng, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm và nhãn hiệu thời trang mới. Chỉ tay về các sản phẩm mới "ra lò", một nhân viên kinh doanh của nhãn hiệu thời trang Sanding (25 Bà Triệu) cho hay, với gần 70.000 sản phẩm quần áo thời trang các loại xuất xưởng năm 2009 đã đánh dấu sự thành công của thương hiệu này.

Hiện giới công chức là đối tượng phục vụ chính và Sanding đưa ra sản phẩm tương đối phù hợp, khoảng 200.000 đồng/quần, 150.000 - 200.000 đồng/áo sơmi (các loại).

"Riêng giới nữ và trẻ em, chất liệu đa dạng hơn, từ cotton, voan đến jean với màu sắc tươi mát, tuy không sặc sỡ nhưng khá nổi so với truyền thống thuần công sở như trước đây" nhân viên này giới thiệu.

Bà Nguyễn Minh Hằng, giám đốc hệ thống Vietbrothers nhận định: giờ đây, thương hiệu thời trang Việt đã khẳng định được vị thế trong lòng người tiêu dùng bởi giá cả phải chăng và kiểu dáng hợp mốt".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Thương mại, khủng hoảng kinh tế là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại chính mình. Ông Thắng cho rằng: "để thắng được hàng ngoại không chỉ làm một hay mười năm mà cần phải có chiến lược dài hạn với mục tiêu cụ thể. Bên cạnh yếu tố giá cả, hàng trong nước phải thường xuyên thay đổi mẫu mã và chú ý nâng cao chất lượng".

Nhưng, điều mà ông Thắng băn khoăn nhất chính là việc các doanh nghiệp vẫn quá chú trọng vào phân khúc hàng trung và cao cấp, trong khi đại bộ phận thu nhập người dân lại chưa cao và thị trường nông thôn, chiếm trên 70% nhu cầu hiện vẫn còn là sân nhà của hàng ngoại (chủ yếu của Trung Quốc).

"Nếu cứ mải mê với bài toán lợi nhuận mà không tính đến việc chiếm lĩnh thị phần thì việc quay về với thị truờng nội địa của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thời trang nói riêng vẫn chỉ là trên sách vở", ông Thắng trầm ngâm./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục