"Sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng suy yếu?

Các số liệu kinh tế cho thấy "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng suy yếu đồng thời bộc lộ nhu cầu cấp bách tiến hành nhiều biện pháp kích thích hơn nữa.
"Sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng suy yếu? ảnh 1Dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuters/BBC, theo truyền thông nước ngoài, một loạt dữ liệu gần đây làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng phát triển hình kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là đối với các công ty của nước này, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có hồi kết.

Điều gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc?

Đài BBC đêm 27/9 dẫn số liệu thống kê cho thấy sản lượng công nghiệp đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ 2002 và doanh số bán lẻ đang chậm lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1% trong tháng 8 so với một năm trước đó và xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 16% - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh chấp với Mỹ đang làm tổn thương thương mại song phương.

Ngoài ra, hãng tin Reuters cũng cho rằng những số liệu này cho thấy "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng suy yếu đồng thời bộc lộ nhu cầu cấp bách tiến hành nhiều biện pháp kích thích hơn nữa.

Các vấn đề trong nước, thương chiến với Mỹ và dịch tả lợn, tất cả đang phá vỡ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cao cấp từ Oxford Economics nhận định: “Sực chậm lại ở Trung Quốc đang trở nên khá đáng kể. Do tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, và nhu cầu lớn của nước này với bất kỳ hàng hóa nào nên bất kỳ sự suy thoái nào cũng có thể có những hậu quả sâu rộng.”

Hãng tin Reuters ngày 29/9 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan thừa nhận rằng các công ty nước này đang đối mặt với vô vàn khó khăn do xung đột thương mại với Mỹ trong vòng hơn 1 năm qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, vị bộ trưởng này cho biết: "Hoạt động thương mại đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ. Những thách thức này đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài."

Điều không mong muốn từ thương chiến

Mỹ và Trung Quốc đang chiến đấu trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm và dự kiến sẽ có thêm nhiều áp thuế.

Theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics, tác động từ thuế quan của Mỹ đã được bù đắp ở một mức độ nào đó nhờ đồng nhân dân tệ yếu hơn đồng thời Trung Quốc cũng tìm cách "lách" thuế bằng cách xuất khẩu sang Mỹ thông qua các nước châu Á khác.

[ADB cảnh báo kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong năm tới]

Ông này cho rằng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã thực sự tăng trong năm qua, cho thấy sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc đã đi xuống rõ rệt hơn so với các nước khác.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phương Tây đang thấy ngày càng khó điều hướng sự không chắc chắn.

Một số công ty nước ngoài đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặc dù con số này không đủ lớn để hiển thị trong dữ liệu kinh tế.

Ông Evans-Pritchard nói: “Các đòn thuế càng kéo dài thì số công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc ngày càng cao và điều này cũng khiến Trung Quốc trở thành một nơi kém hấp dẫn để trở thành điểm đến đầu tư đầu tiên.”

Theo khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, 65% thành viên cho biết căng thẳng thương mại đang ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh dài hạn của họ.

Gần 1/4 những người được hỏi cho biết đang trì hoãn đầu tư vào Trung Quốc.

Trung Quốc ứng phó thế nào?

Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách hỗ trợ nền kinh tế trong năm nay bằng cách cắt giảm thuể và các biện pháp để tăng thanh khoản trong hệ thống tài chính.

Theo ông Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, khoảng thời gian này, Bắc Kinh đã “hạn chế khá nhiều” khi cấp tín dụng cho các công ty và cá nhân đồng thời quản lý nhân tố kích thích.

Đó là bởi vì chính phủ tin rằng cần hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính của mình và hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng hạn chế phụ thuộc nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng vốn là nhân tố kích thích tăng trưởng kinh tế trong những năm qua.

Theo Reuters, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ đến Mỹ để tham dự vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ dự kiến diễn ra từ ngày 10-11/10.

Theo Bộ trưởngThương mại Zhong, Bắc Kinh sẽ mở rộng nhập khẩu và các biện pháp ổn định thương mại sẽ đạt được những kết quả tích cực, song ông không nêu chi tiết các biện pháp này là gì.

Chính quyền Donald Trump đang cân nhắc tiến hành các chiến thuật gây sức ép mới về vấn đề tài chính đối với Bắc Kinh, bao gồm khả năng "xóa tên" các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Các nguồn tin tiết lộ với Reuters nhận định động thái này sẽ là một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc, một phần vì quan ngại an ninh gia tăng về các hoạt động của họ.

Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố thêm nhiều biện pháp hỗ trợ trong những tháng tới đây nhằm đảo ngược nguy cơ suy giảm kinh tế trầm trọng thêm do Mỹ gia tăng sức ép./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục