Sức tiêu thụ kém khiến trái cây tại Bến Tre giảm giá do dịch

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khâu vận chuyển khó khăn khiến sức tiêu thụ nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh Bến Tre kém và rớt giá nên người trồng cây ăn quả ở các vùng chuyên canh gặp khó.
Sức tiêu thụ kém khiến trái cây tại Bến Tre giảm giá do dịch ảnh 1Nông dân thu hoạch sầu riêng chín. (Ảnh: TTXVN phát)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khâu vận chuyển khó khăn khiến sức tiêu thụ nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh Bến Tre kém và rớt giá nên người trồng cây ăn quả ở các vùng chuyên canh gặp khó.

Tại huyện Chợ Lách, vùng trồng cây ăn trái chủ lực của tỉnh Bến Tre, gần 3 tháng qua, việc mua bán, vận chuyển, nhất là xuất khẩu trái cây bị đình trệ.

Ông Lê Ngọc Sơn, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, chia sẻ hiện tại, một số loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm rất khó tiêu thụ và giá ngày càng sụt giảm.

Cụ thể, trước khi có dịch, giá sầu riêng bán tại vườn bình quân từ 50.000-55.000 đồng/kg, hiện chỉ còn từ 30.000-40.000 đồng/kg; chôm chôm Java với giá chỉ từ 6.000-7.000 đồng/kg, giảm từ 2-3 lần so với cùng vụ năm trước.

Tiến sỹ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho hay, do các doanh nghiệp không xuất khẩu được nên trái cây chủ yếu tiêu thu nội địa. Ngoài ra, thương lái không đến vườn thu mua như trước, nông dân tự thu hoạch sau đó bán tại các vựa trái cây nên việc tiêu thụ chậm, dẫn đến giá cả giảm sút mạnh.

Do điều kiện dịch bệnh không xuất khẩu được, các doanh nghiệp kinh doanh trái cây ở địa phương chủ yếu mua dự trữ để khi hết dịch mới bán ra nên mức giá không cao lắm. Nhiều loại trái cây rớt giá khoảng 50%, thậm chí đến 70% so với trước đây. Tuy nhiên, người dân vẫn tiêu thụ được sản phẩm để tái sản xuất trong thời gian tới dù giá xuống thấp, ông Liêm cho hay.

[Từng bước ổn định tiêu thụ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long]

Huyện Chợ Lách là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của tỉnh Bến Tre với diện tích hơn 5.000 ha, gồm nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, bưởi da xanh.

Hằng năm, sản lượng trái cây của huyện đạt trên 110.000 tấn, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng trái cây toàn tỉnh. Với kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật không ngừng được nâng cao, nông dân địa phương chủ động xử lý cây ra hoa theo thời vụ (rải vụ) nên sản lượng trái không tập trung và không xảy ra tình trạng “cung vượt cầu.”

Để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp duy trì ổn định phát triển hoạt động sản xuất, thương mại, nhất là hoạt động xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh Bến Tre khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiêu thụ mặt hàng nông sản cho nông dân. Cùng đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nông sản cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu trong tình hình tỉnh đã cơ bản kiểm soát dịch COVID-19 và đang trở lại với trạng thái bình thường mới.

Tuy dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát nhưng diễn biến vẫn phức tạp, khó lường, nhất là 1 số địa phương trong khu vực như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ sản phẩm nông sản của Bến Tre tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, trong 3 tháng cuối năm nay, sản lượng trái cây của Bến Tre được dự báo đạt trên 35.000 tấn các loại. Trước đó, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ từ ngày 20/7 đến ngày 6/9, tỉnh đã tiêu thụ khoảng 4.433 tấn trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...).

Bến Tre là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất cây ăn trái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 28.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 300.000 tấn.

Hiện tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các loại cây ăn trái chủ lực có thế mạnh như bưởi danh xanh, chôm chôm, nhãn và sầu riêng; đồng thời, tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn phù hợp với vùng sinh thái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục