Sudan chuẩn bị tổng tuyển cử đầu tiên sau 24 năm

Viện nghiên cứu Rift Valley hy vọng sẽ có 70% cử tri đăng ký tham gia bầu cử lần này, so với 50% trong cuộc bầu cử vào năm 1986.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 4/2010 - tổng tuyển cử đầu tiên ở Sudan kể từ năm 1986, cử tri Sudan đã bắt đầu đăng ký tham gia các cuộc bầu cử tổng thống, cơ quan lập pháp và các hội đồng địa phương lần đầu tiên trong 24 năm qua ở nước này.

Theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử Sudan, ông Al-Hadi Mohammed Ahmed, các điểm đăng ký di động và cố định đã được triển khai trên cả nước từ ngày 1/11 và cử tri có một tháng để đích thân tới ghi danh.

Viện nghiên cứu Rift Valley hy vọng sẽ có 70% cử tri đăng ký tham gia bầu cử lần này, so với 50% trong cuộc bầu cử gần đây nhất là vào năm 1986.

Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây lo ngại nhà chức trách Sudan sẽ khó tiến hành công tác đăng ký cử tri ở các vùng sâu vùng xa, nơi có tới 19 đến 20 triệu người trên tổng số 39 triệu dân nước này đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu.

Các quan chức Sudan cũng lo ngại bạo lực sẽ khiến nhiều cử tri không thể đăng ký. Tại thị trấn Malakal ở miền Trung Sudan, ngay trong ngày đầu tiên đăng ký bầu cử, bạo lực đã làm 10 người thiệt mạng.

Kể từ năm 1986, ba năm sau khi Tổng thống Omar al-Bashir lật đổ chính phủ dân bầu trong một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu. Cuộc tổng tuyển cử năm 2010 là cuộc tổng tuyển cử thứ 5 kể từ khi Sudan độc lập vào năm 1956.

Bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh Sudan đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Tổng thống Bashir đang bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại Tây Dafur và phải đối mặt với một lệnh truy nã quốc tế.

Ông Bashir cam kết tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Tuy nhiên, các cựu phiến quân thuộc Mặt trận giải phóng nhân dân Sudan (SPLM), nhóm hiện đang tham gia chính phủ đoàn kết với đảng Đại dân tộc (NCP) của Tổng thống Bashir, và các đảng đối lập khác đều đe dọa tẩy chay cuộc bầu cử.

Các phe phái này yêu cầu sửa đổi toàn bộ các luật liên quan đến quá trình chuyển tiếp dân chủ và tự do trước ngày 30/11 tới để áp dụng Hiến pháp lâm thời.

Trong khi đó, căng thẳng tiếp diễn giữa chính phủ Khartoum với khu vực bán tự trị miền Nam, bất chấp một thỏa thuận hòa bình đã được ký giữa SPLM và NCP năm 2005 nhằm chấm dứt 22 năm nội chiến.

Theo thỏa thuận này, Sudan tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7/2009, tuy nhiên đã bị hoãn đến tháng 4/2010, sau đó tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 1/2011 về quy chế tự trị đối với khu vực miền Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục