Súng tự chế từ máy in 3D gây nhiều lo ngại ở Mỹ

Khẩu Liberator tự chế làm từ máy in 3D được chia sẻ trên mạng đã gây ra nhiều lo ngại, nhất là từ sau những vụ xả súng kinh hoàng.
Giống nhiều người Mỹ, Travis Lerol sở hữu khá nhiều súng. Tuy nhiên khẩu Liberator bắn từng viên một mà anh làm trong tầng hầm của mình nhờ một chiếc máy in 3D lại là vật hết sức đặc biệt.

Trước tiên, với tư cách một vũ khí, nó để lại cảm giác thèm muốn. "Tôi đã khiến khẩu súng này bắn được một lần, sau khoảng 200 lần thử" - Lerol, một kỹ sư phần mềm 31 tuổi nói với AFP từ nhà riêng của anh nằm ở vùng ngoại ô bên ngoài Washington.

Theo Lerol, cơ chế khai hỏa của khẩu súng dường như không được ổn định lắm và anh có nghe nói một số người in súng Liberator ra dùng cũng gặp rắc rối tương tự.

"Với tôi, đây là dự án mang mục đích vui vẻ hơn là một khẩu súng thực thụ. Nó sẽ chẳng thay thế bất kỳ điều gì... Đây là một dự án vui vẻ với một chút thách thức ở trong" - anh nói.

Liberator, trông như một món đồ chơi lego, thực tế lại là khẩu súng đầu tiên có thể sản xuất cùng máy in 3D. File thiết kế được máy tính hỗ trợ (CAD) cần thiết giúp làm ra khẩu súng đã được tải xuống hơn 100.000 lần từ một trang web mã nguồn mở chuyên chứa thông tin liên quan tới các thiết bị súng có thể làm từ máy in 3D.

Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi giám sát hoạt động xuất khẩu vũ khí, trong tháng Năm vừa qua đã yêu cầu trang web trên gỡ bỏ bản thiết kế Liberator. Nhưng tới thời điểm đó, người ta đã kịp tải file thiết kế và đưa nó lên chia sẻ rộng rãi trên các trang chia sẻ file.

"Tôi nghĩ rằng file thiết kế Liberator đã được tải xuống ít nhất hàng triệu lần, từ khắp nơi qua Internet" - Cody Wilson, sinh viên luật ở Đại học Texas, người đứng sau trang web nói trên, cho AFP biết.

Nhưng Lerol, một trong số ít người đã công khai về sản phẩm Liberator của mình, chỉ ra một thực tế mà có thể Wilson không muốn nghe: "Có rất nhiều người trong chúng tôi vẫn chưa in khẩu súng ra".

Các nghĩ sĩ ở New York và California đã thúc đẩy việc đưa súng 3D ra ngoài vòng pháp luật. Họ cũng thảo ra các dự luật cấm việc sản xuất các loại súng "không thể phát hiện được" bằng máy soi và dự luật đã được đệ trình cho ủy ban luật pháp của Hạ viện.

Súng đạn đã trở thành vấn đề gây chia rẽ ở Mỹ kể từ vụ thảm sát 20 đứa trẻ tại trường Tiểu học Sandy Hook, Newtown, Connecticut, hồi tháng 12 năm ngoái. Vụ thảm sát đã đẩy việc kiểm soát súng lên đầu chương trình nghị sự.

Ngoài Mỹ, cảnh sát ở Australia đã thành công trong việc in ra khẩu Liberator, chỉ mất chưa đầy 27 giờ, với chi phí dưới 2.000 USD. Đây là một bài học nhãn tiền, cho thấy tội phạm cũng có thể dễ dàng làm điều tương tự.

"Khả năng những thứ vũ khí như thế này có thể phục vụ chủ nghĩa khủng bố là rất lớn" - Giám đốc cảnh sát New South Wales Andrew Scipione nói với báo chí trong nước - "Chúng tôi sẽ khởi tố những kẻ nào bị phát hiện sản xuất, bán, sở hữu hoặc cất giấu một khẩu súng 3D".

Ở Canada, các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto cũng đã in ra một khẩu Liberator. Tuy nhiên họ đã thay đổi thiết kế để tránh gặp vấn đề với luật về súng.

Tại Mỹ, với số lượng súng lên tới gần 300 triệu khẩu/315 triệu dân và mỗi năm có hơn 30.000 cái chết liên quan tới súng, quyền được giữ và mang súng đã được ghi trong hiến pháp của nước này.

"Vũ khí có thể được sản xuất hợp pháp bởi những người không có giấy phép sản xuất, chỉ cần họ không mang bán hoặc phân phối chúng" - Cơ quan quản lý rượu, thuốc lá, vũ khí và thuốc nổ (ATF) của Mỹ nói trên trang web.

Thực tế trong nhiều năm qua, nhiều người mê súng đã tổ chức các "bữa tiệc chế súng" để lắp các loại vũ khí chết người như súng trường tấn công AK-47, từ những linh kiện họ mua qua Internet một cách dễ dàng.

Lerol, một người mê bắn bia và từng đóng vai trò huấn luyện viên tại một trại bắn súng mùa hè, đang sở hữu trong tay 2 khẩu súng ngắn, một khẩu súng bắn đạn ghém và một khẩu súng trường AR-15 bán tự động. Anh đã làm 2 khẩu Liberator với một chiếc máy in 3D Cubify, có chi phí khoảng 1.300 USD.

Sau khi đọc file CAD từ một thẻ nhớ USB, chiếc máy sẽ lặng lẽ chế tác linh kiện súng, thông qua việc phủ hết lớp vật liệu này lên lớp khác.

Lerol nói rằng một số bạn anh đã liếc nhìn khẩu Liberator khi anh mang nó tới trường bắn ở Maryland để thử nghiệm hoạt động. Tuy nhiên anh sẽ không e ngại trước nỗi sợ và sự căm ghét mà dự luận dành cho những khẩu súng 3D.

"Tôi nghĩ rằng người ta thường lo ngại về công nghệ mới. Họ không hiểu rõ về chúng nên họ lo ngại các khả năng xấu có thể xảy ra. Trong trường hợp này, người ta lo ngại về việc súng 3D (làm hoàn toàn từ nhựa), có thể được mang trót lọt lên máy bay. Không ai muốn những kẻ khủng bố làm thế. Nhưng đây không phải là một khẩu súng "không thể bị phát hiện", bởi kể cả việc nó làm từ nhựa, ngày hôm nay các thiết bị soi quét của sân bay sẽ dễ dàng phát hiện nó" - anh nói, cho biết thêm - "Và tôi không nghĩ khẩu súng này sẽ được giới tội phạm ưa dùng, bởi ngoài kia có quá nhiều loại súng. Phần lớn đều tốt hơn nhiều khẩu súng 3D này"./.


Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục