Syria cần trợ giúp của Nga, Iran và Trung Quốc để tái thiết đất nước

Cuộc xung đột kéo dài năm năm qua tại Syria đã gây thiệt hại cho quốc gia Trung Đông này hơn 200 tỷ USD và Damascus sẽ tìm đến sự trợ giúp của Nga, Iran và Trung Quốc để tái thiết đất nước.
Syria cần trợ giúp của Nga, Iran và Trung Quốc để tái thiết đất nước ảnh 1Tổng thống Syria Bashar Al Assad. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/3, Tổng thống Syria Bashar Al Assad cho biết cuộc xung đột kéo dài năm năm qua tại Syria đã gây thiệt hại cho quốc gia Trung Đông này hơn 200 tỷ USD và Damascus sẽ tìm đến sự trợ giúp của Nga, Iran và Trung Quốc để tái thiết đất nước.

Phát biểu với báo giới, ông Assad nhấn mạnh: "Thiệt hại về kinh tế và cơ sở hạ tầng tại Syria do xung đột gây ra ước tính lên tới hơn 200 tỷ USD. Các vấn đề kinh tế có thể được giải quyết ngay lập tức một khi tình hình ổn định trở lại tại Syria, nhưng việc tái thiết hạ tầng có thể mất nhiều thời gian."

Theo ông Assad, Syria có thể sẽ trao hợp đồng tái thiết cho các công ty đến từ những quốc gia ủng hộ Damascus trong cuộc xung đột kéo dài năm năm qua.

Ông cho rằng tiến trình tái thiết đất nước sẽ dựa vào ba quốc gia chủ chốt đã hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc khủng hoảng hiện nay, bao gồm Nga, Trung Quốc và Iran.

Liên quan đến vấn đề thành lập chính phủ, hãng tin RIA của Nga ngày 30/3 đưa tin Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng việc thành lập một chính phủ mới ở quốc gia Trung Đông này sẽ không phải là vấn đề phức tạp và mọi vấn đề đều có thể được giải quyết trong cuộc hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ).

Theo ông Assad, sẽ là logic nếu một chính phủ mới được thành lập bao gồm cả các lực lượng đối lập, các lực lượng độc lập và lực lượng trung thành với chính quyền Damascus.

Trong khi đó, cùng ngày, đáp lại tuyên bố của Tổng thống Assad với truyền thông nhà nước Nga, phe đối lập Syria cho rằng nước này cần một chính quyền chuyển tiếp với đầy đủ các quyền hành pháp, chứ không phải một chính phủ có sự tham gia của các thành phần và chịu sự điều hành của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông George Sabra - nhà đàm phán của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện cho phe đối lập tại các cuộc hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ) - nhấn mạnh: "Chính phủ, dù mới hay cũ, chỉ cần có sự hiện diện của ông Bashar al-Assad đều không nằm trong tiến trình chính trị. Điều ông Assad đang nói không liên quan tới tiến trình chính trị."

Trong khi đó, Asaad al-Zoubi - một thành viên của HNC - cho rằng người dân Syria và nhóm tham gia đàm phán ở Geneva muốn có "một chính quyền chuyển tiếp có đầy đủ thẩm quyền và các quyền hành pháp, trong đó có quyền của tổng thống"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục