Syria lên tiếng phản đối biện pháp trừng phạt của Mỹ

Chính phủ Syria ngày 3/6 đã lên tiếng chỉ trích việc Quốc hội Mỹ thi hành đạo luật Bảo vệ công dân Syria, cho rằng điều này sẽ chỉ gây thêm sự đau khổ cho người dân Syria.
Syria lên tiếng phản đối biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Time)

Chính phủ Syria ngày 3/6 đã lên tiếng chỉ trích việc Quốc hội Mỹ thi hành đạo luật Bảo vệ công dân Syria có tên là Caesar đối với nước này, nhấn mạnh rằng đạo luật này sẽ gây thêm sự đau khổ cho người dân Syria trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Theo đó, trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Syria cho biết, đạo luật Caesar có hiệu lực trong tháng 6/2020 của Mỹ đối với Syria dựa trên những tuyên bố "dối trá và bịa đặt" từ những đối tượng thù địch với Syria.

Tuyên bố của Chính phủ Syria lên án các lệnh trừng phạt nói chung của Mỹ đối với Syria và Đạo luật Caesar nói riêng là "một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế cũng như quyền con người. Syria sẽ đối đầu với Đạo luật trên của Mỹ và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực gây sức ép để chính quyền Trump xóa bỏ các các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp.

[Người dân Syria phản đối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung]

Trước đó, vào tháng 12/2019, đạo luật này đã nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 6/2020, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ sẽ có hiệu lực theo Đạo luật Caesar nhằm tạo ra sức ép đối với những nước ủng hộ chính phủ Syria.

Trong một tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, chiểu theo Đạo luật Caesar, Tổng thống Mỹ sẽ có quyền áp đặt các lệnh trừng phạt mới với bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào làm ăn với chính phủ Syria hoặc hỗ trợ tài chính bao gồm cả các cơ quan an ninh và tình báo Syria cùng Ngân hàng trung ương nước này.

Đạo luật Caesar cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ các công ty nước ngoài nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus. Ngoài ra, Đạo luật Caesar còn trao quyền cho Ngoại trưởng Mỹ hỗ trợ cho các cơ quan nước ngoài thu thập bằng chứng nhằm truy tố những cá nhân và tổ chức gây ra tội ác chiến tranh tại Syria.

Nền kinh tế của Syria hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khi tỉ giá quy đổi đồng bảng Syria sang đồng USD đang rơi ở mức thấp kỷ lục, với 1USD đổi được 1800 bảng Syria. Trước khi cuộc xung đột tại Syria diễn ra vào tháng 3/2020, 1 USD chỉ đổi được 47 bảng Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục