Tạ Bôn - "Cánh chim đầu đàn" lại vút bay...

Tối nay (7/5), tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra "liveshow" Tạ Bôn - giai điệu với thời gian của giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn, người được xem là con chim đầu đàn của ngành vĩ cầm Việt Nam.

Tối nay (7/5), tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra "liveshow" Tạ Bôn - giai điệu với thời gian của giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn, người được xem là con chim đầu đàn của ngành vĩ cầm Việt Nam.
 
Là người đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ Violin tại Việt Nam, nhưng với tiếng đàn đặc sắc của một solist, mọi người có lẽ nhớ đến ông với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn...
 
"Cánh chim đầu đàn"
 
Trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng đoàn Giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1954, ông là một trong số những học sinh được du học sớm nhất tại Học viện Âm nhạc Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc).
 
Năm 1958, ông được cử tham dự Concours Violin Enescu tại Romania. Đây được xem là sự kiện đáng nhớ không chỉ với ông mà còn đối với giới âm nhạc hàn lâm Việt Nam, bởi ông là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tham dự một "concours" âm nhạc quốc tế.
 
Tại concours này Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn đã nhận được danh dự. Sau Concours Violin Enescu ông được sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ).
 
Năm 1962, ông đoạt Huy chương Bạc tại Festival âm nhạc Helsinky (Phần Lan), đây cũng là giải thưởng quốc tế đầu tiên của âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Từ đó ông tạo được uy tín của mình đối với làng âm nhạc thế giới.
 
Có thể nói ông là nghệ sĩ Việt Nam được mời làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc lớn của thế giới nhiều nhất (giám khảo Concours Tchaikovsky 1978, 1982, 1986 và Concours Bach các năm 1980, 1984...).
 
Một thời gian dài giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn được xem là một trong những người đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp đào tạo Violin ở Việt Nam và góp phần nâng cao chất lượng biểu diễn âm nhạc cổ điển tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Với tiếng đàn của một solist thực thụ ông đã được mời biểu diễn tại nhiều quốc gia như: Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Romania, Phần Lan, Cuba, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Séc...
 
Những năm đầu thập niên 1990, ông công tác tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho tới ngày nghỉ hưu.
 
Vút bay...
 
Nhân dịp thự hiện chương trình biểu diễn độc tấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đã bộc bạch cùng Thể thao và Văn hóa:
 
Chương trình chào mừng 55 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), đồng thời đây cũng là chương trình kỷ niệm 50 năm buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của tôi. Đó là vào năm 1958, trước khi đi dự Concours Violin Enescu, Học viện Âm nhạc Trung ương Bắc Kinh đã biểu diễn cho tôi một đêm biểu diễn độc tấu tại học viện.
 
Đáng lý chương trình này được thực hiện vào năm ngoái, nhưng do dàn nhạc giao hưởng tại Hà Nội bận và không thuê được Nhà hát Lớn nên phải thực hiện vào năm nay.
 
Tại sao ông sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh mà lại tổ chức đêm nhạc này tại Hà Nội?
 
Cũng có nhiều lí do: Tất cả các tác phẩm biểu diễn trong chương trình này tôi đều đã biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặt khác tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh hầu như năm nào cũng có chương trình biểu diễn của mình và khá lâu rồi tôi không biểu diễn tại Hà Nội, nơi tôi có 27 năm làm việc tại đó.
 
Ông đã chuẩn bị cho chương trình này như thế nào?
 
Về mặt chuyên môn, ngày nào tôi cũng tập luyện nên sự chuẩn bị cũng đơn giản. Chuẩn bị về mặt tổ chức thì đã có Quỹ hỗ trợ Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Truyền thông Sài Gòn lo liệu.
 
Chương trình lần này có lẽ sẽ là những tác phẩm đặc sắc trong cuộc đời biểu diễn nghệ thuật của ông?
 
Chương trình gồm 2 phần: phần 1 tôi sẽ trình diễn 3 tác phẩm cùng phần đệm piano của nghệ sĩ Lý Giai Hoa, trong đó bản sonate của Franck được xem là tác phẩm "đinh"; đây là một trong những sonate khó nhất và nổi tiếng nhất viết cho đàn Violin.
 
Phần 2 cũng sẽ gồm 3 tác phẩm, sẽ trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji. Phần 2 có concerto De I'Adieu của nhạc sĩ người Pháp Delerue; đây là phần âm nhạc trong phim Điện Biên Phủ cũng của một đạo diễn người Pháp. Tác phẩm này là một trong những tác phẩm mà tôi yêu thích.
 
Ngoài ra, bản Vui Xuân mới của Mao Wen (Trung Quốc), một bản nhạc với âm điệu vui tươi, trong sáng, yêu đời mang đậm chất nhạc dân gian Trung Quốc, là bản nhạc tôi biểu diễn nhiều nhất và được khán giả Trung Quốc ái mộ thời tôi học bên đó.
 
Đây được xem là một chương trình rất "nặng", tôi cố gắng để đêm biểu diễn đem đến hiệu quả cao nhất nhằm mang lại cho công chúng yêu nhạc cổ điển ở Thủ đô một đêm nhạc thật thú vị.
 
Cảm ơn ông và chúc đêm biểu diễn thành công./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục