Ta lấy tên "Tây": Không phải chuyện đua đòi

Nghiên cứu mới của Đại học Quốc gia Australia cho thấy việc người gốc châu Á lấy tên “Tây” không hẳn là chuyện đua đòi, mà có lý do chính đáng của nó.
Tôi từng cảm thấy thật hài hước khi những người nhập cư, đặc biệt từ các nước châu Á, ở Australia lại thích lấy tên theo tiếng Anh. Nhưng tuần trước, đọc một nghiên cứu mới của Đại học Quốc gia Australia (ANU), tôi điếng người nhận ra rằng mình còn khá thiển cận, bởi việc ta lấy tên “Tây” không hẳn là chuyện đua đòi, mà điều đó có lý do chính đáng của nó.

Những chuyện “hài hước”

Ở Sydney, tôi chơi tennis với bốn người bạn nhập cư gốc Hoa. Họ đều nói tiếng Anh kém, mặc dù đã lập nghiệp ở Australia trên 10 năm và có tên tiếng Anh: Benson, William, Eddie và Colin. “Tên tôi là William chứ không phải Bill!” - William thường cải chính, dù tôi đã góp ý nhiều lần rằng Bill với William là một, Bill để gọi cho dễ và ngắn.

Cũng ở Sydney, mỗi lần ra ăn ở hàng phở quen của người Việt, tôi thường gọi món bằng tiếng Việt: “Andy, cho chú phở đùi, gà ta”. Andy (Andrew), 18 tuổi, sinh ở Hải Phòng, tên là Thế Anh, con của chị Lý (nay gọi là Lucy).

Con trai tôi học tiểu học, hay khen ngợi hai bạn thân cùng tên - Kevin Tang và Kevin Chan (họ của hai cháu là Tang và Chan, còn tên thì đều là Kevin). Thực ra tôi hết sức dị ứng với cái kiểu đổi tên họ như vậy. Cha mẹ đặt cho mình cái tên thì cần giữ lấy, chứ việc gì phải pha nọ pha kia, khác gì tra mắm tôm vào chè đỗ đen. Nhưng đến tuần trước, đọc một nghiên cứu mới của ANU, tôi điếng người, nhận ra rằng mình còn khá thiển cận và những điều tưởng là hài hước kể trên chưa chắc đã có gì buồn cười.

Phép thử

Nhóm nhiên cứu của ANU đã thực hiện một phép thử về tình trạng tuyển dụng việc làm ở Australia. Họ gửi trên 4.000 hồ sơ xin việc với lý lịch “rởm” đến các nhà tuyển dụng quảng cáo tìm người ở ba thủ phủ bang Brisbane (Queensland), Sydney (NSW), và Melbourne (Victoria). Các lý lịch có nội dung khá giống nhau về phần kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm cũng như đào tạo (đều học tại Australia). Chi tiết khác nhau duy nhất là họ tên người xin việc cho thấy họ có nguồn gốc chủng tộc và sắc tộc khác nhau như châu Á, Italia, Trung Đông, Anglo-Saxon và thổ dân Australia.

Phép thử cho thấy những hồ sơ có họ và tên Trung Hoa bị dẹp bỏ nhiều nhất, tức là ít được phản hồi nhất (chỉ có 21%), chưa nói đến chuyện được mời đến phỏng vấn. Thứ đến là các loại họ và tên nguồn gốc Trung Đông (được phản hồi 22%) và thổ dân Australia (26%). Họ và tên người Italia chịu ít ảnh hưởng kỳ thị hơn (được phản hồi 32%).

Và những họ và tên có âm hưởng Anglo - Saxon được chú ý nhiều nhất (được phản hồi 35%). “Kết quả khảo sát cho thấy nếu muốn gia nhập thị trường lao động thì người nhập cư và con cháu của họ cần phải có tên tiếng Anh”, giáo sư Andrew Leigh trong nhóm nghiên cứu của ANU kết luận.

“Khi duyệt xét các đơn xin việc, nhân viên tuyển dụng đã có những quyết định dựa trên thành kiến của họ” - giáo sư Alison Booth, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết. Nói cách khác, những nhà tuyển dụng thể hiện, vô tình hay hữu ý, một thái độ “kỳ thị” cố hữu mỗi khi nhìn thấy họ và tên không phải là Michael hay John.

“Vơ đũa cả nắm”

“Thực ra đến bây giờ các học giả mới phát hiện ra điều đó là hơi muộn” - Hussein, một luật sư gốc Iran sinh sống ở Auburn, nơi tập trung nhiều người Hồi giáo, chua chát nhận xét. Ông cho biết đặc biệt sau vụ 11/9/2001, những cái tên Mohammed, Hussein, Ibrahim hay El-..., Al- ... thường gặp phải sự nghi ngờ.

“Nhiều khi kỳ thị chưa phải là lý do chính đâu. Người Hoa nhập cư, đặc biệt đến từ Đại lục, thường nói tiếng Anh không được rõ ràng cho lắm. Họ lẫn giữa “p” và “b”, giữa “r” và “l”, nên rất khó đưa vào những công việc đòi hỏi cần giao tiếp”, nhân viên một hãng tuyển dụng ở Sydney nhận xét thẳng thắn.

Sự kỳ thị đối với Hoa kiều, mà người Việt Nam nhiều khi bị “vạ lây”, cũng bắt nguồn từ lịch sử. Có một thời người Australia Anglo quả đã hoảng sợ trước “làn sóng da vàng” tràn từ Trung Quốc sang Australia qua các nước khác nhau. Cách đây mấy tháng, có bà cụ hàng xóm người gốc Anh gần 80 tuổi phàn nàn với tôi: “Mấy cái cửa hàng của người Hoa ngoài kia không treo giá bằng tiếng Anh gì cả”.

“Đúng là những tên của người Hoa như Xie, Jiang, Zhao thật khó sử dụng khi giao dịch ở Australia. Thực ra thì ở Mỹ, Đức, Nga cũng thế” - anh bạn người Hoa cũng tên là William, chủ một tiệm đồ cổ ở Sydney, giải thích - “Bản thân tôi đã quá chán ngán với những khách hàng và dịch vụ mà mình thường liên lạc, nhất là qua điện thoại, họ không tài nào đánh vần được tên của chúng tôi. Đành phải dùng cái tên William vậy”.

Những sự “vơ đũa cả nắm” nhiều khi chỉ là bất giác - bản thân tôi đã nhiều lần rồi, cứ khai tên Minh Lê thì đại đa số đều bị người Anglo viết là Ming Lee.

Có lẽ chính đó là lý do dẫn đến việc trẻ con có bố mẹ gốc Á khi đi học ở Australia toàn mang những cái tên “Anh hóa” như Thomas, Kevin, Yasmine hay Annett.

Tuần trước, tôi đến một quán cà phê ở khu Glebe, gần Đại học Sydney, tình cờ gặp lại cậu em của một anh bạn đang lúi húi nấu nướng. Tôi gọi ầm lên: “Hùng ơi! Anh Minh đây!”. Hùng mừng rỡ ra nói chuyện vồn vã. Chuyện vãn, tự nhiên Hùng quay ra nghiêm mặt: “Anh à, lần sau đến tìm em thì phải gọi là John nhé. Hùng hiếc là những người ở đây không biết đâu! Hùng đánh vần với phát âm trong tiếng Anh là “hung”, nghe như treo cổ vậy. Ghê chết!”./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục